Cây ngoại nhập về Hà Nội

Các giống cây 'ngoại lai' được trồng ở thủ đô có kết cục chết yểu hoặc chưa phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng.

Bài học về các giống cây “ngoại lai” với kết cục chết yểu hoặc chưa phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng khiến nhiều người đặt vấn đề về việc ưu tiên chọn các giống cây trong nước để phủ xanh Thủ đô Hà Nội.

Tháng 3 năm 2015, hàng loạt cây mỡ được trồng ở dọc đường Nguyễn Chí Thanh để khỏa lấp khoảng trống mà các cây cổ thụ bị đốn hạ trước đó. Bốn tháng sau, hàng cây này chết khô khốc, những thân cây thẳng đuột như cọc gỗ trơ trọi trên tuyến đường đẹp nhất Thủ đô.

Hơn hai năm sau, cũng trên tuyến đường này, hàng trăm cây phong lá đỏ được đưa từ nước ngoài về trồng với mong muốn mang không khí châu Âu đến với người dân Hà Nội. Thêm một lần, con đường Nguyễn Chí Thanh chứng kiến hàng cây trồng mới chết yểu khi Sở Xây dựng thành phố xác nhận 45 cây đã chết, các cây còn sống sinh trưởng kém, buộc phải thay thế.

Để tiếp tục thay đổi diện mạo đô thị trước sự cố về những hàng cây thay nhau chết yểu trên một con đường, thêm một lần, Hà Nội quyết định chọn một cây ngoại lai – bàng lá nhỏ để khỏa lấp vào hàng “củi khô” phong lá đỏ.

Hàng cây phong lá đỏ chết khô giữa phố Hà Nội. Ảnh: Hữu Thắng

Hàng cây phong lá đỏ chết khô giữa phố Hà Nội. Ảnh: Hữu Thắng

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, giai đoạn 2015-2020, trên toàn thành phố đã trồng mới hơn 1,6 triệu cây xanh các loại. Việc trồng cây xanh này nằm trong chương trình trồng mới một triệu cây xanh. Số cây đã trồng trong 5 năm qua đã gấp 40-50 lần các giai đoạn trước đó, đây là một trong những sáng kiến và chương trình ý nghĩa của thành phố.

Tuy nhiên, chương trình trên còn bộc lộ nhiều vấn đề như chủng loại cây thiếu đa dạng, cây chưa được thử nghiệm kỹ nên chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Những cây phong lá đỏ chết khô mới đây là minh chứng rõ nét.

Các chuyên gia nghiên cứu về giống và cây trồng chỉ ra rằng, phong lá đỏ chết ở đường Nguyễn Chí Thanh chết khô là do người trồng chưa tìm hiểu kĩ về loài cây này. Việc đưa một giống cây mới về bắt buộc phải có quá trình thử nghiệm. Với việc cây chết khô ngay trên dải phân cách là điều không bất ngờ, tiêu tốn nhiều tiền của, công sức chăm sóc và làm xấu mỹ quan đô thị.

Nhiều ý kiến khẳng định, cây phong lá đỏ hoàn toàn có thể sống và sinh trưởng tốt ở Việt Nam nhưng phải đặt trong điều kiện các công viên với điều kiện chăm sóc đặc biệt. Còn việc chưa thử nghiệm đã trồng ngay ở dải phân cách, trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ mặt đường lên đến 50-60 độ thì cây ôn đới như phong lá đỏ không thể sống sót được.

Phong lá đỏ là điển hình cho giống cây “ngoại lai” chết yểu giữa Hà Nội. Việc thay thế liên tục giống cây nhập khẩu từ phong lá đỏ sang bàng lá nhỏ khiến nhiều người băn khoăn – tại sao không chọn một giống cây “made in Việt Nam” vừa hợp thổ nhưỡng, vừa mang bản sắc của dân tộc?

Việc trồng cây giữa Thủ đô một nước không phải chuyện cứ trồng, để chết rồi lại thay mới mà mỗi cây được trồng còn mang “vóc dáng và bản sắc Việt Nam”.

Theo báo cáo của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, một số cây “ngoại lai” được trồng ở Thủ đô trong những năm qua có thể kể đến như bàng lá nhỏ, osaka, cây cọ dầu, phong lá đỏ... Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã trồng hàng nghìn cây bàng lá nhỏ ở các quận, và nếu không có gì thay đổi, giống cây “ngoại lai” này sẽ xuất hiện trên con đường được bình chọn đẹp nhất Thủ đô.

Cây bàng lá nhỏ đã được kiểm nghiệm tại Hà Nội cho sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, việc trồng một cây ít tạo bóng mát và phải mua từ nước ngoài với giá đắt đỏ sẽ gây lãng phí, không mang bản sắc riêng của đất nước. Trong khi đó, nhiều giống cây sinh trưởng tốt ngay ở trong nước như cây sau sau và hoa ban Tây Bắc với đặc tính dễ sống, rễ bám chắc phù hợp trồng ở dải phân cách và tạo mỹ quan sẽ là phương án tối ưu về mọi mặt.

Hàng cây mỡ chết khô trên đường Nguyễn Chí Thanh năm 2015. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhiều người nhận định, khắp mọi miền trên dải đất chữ S có rất nhiều giống cây đẹp, sức sống bền bỉ và mang giá trị thẩm mĩ và bản sắc, vậy tại sao cứ phải chi những khoản tiền tốn kém mua cây từ nước ngoài để rước về rủi ro?

Trong tiềm thức nhiều người dân Thủ đô, những hàng cây cổ thụ như xà cừ, lát rợp bóng che chở nhiều thế hệ. Việc chọn những cây trồng mang bản sắc kèm giá trị kinh tế là sự lựa chọn tối ưu nhiều mặt.

Nhìn nhận dưới góc độ quản lý nhà nước, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu giải pháp cho việc trồng cây xanh, rằng các dự án trồng cây phải có kế hoạch và phải nghiên cứu để xây dựng các chương trình, dự án như là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu kinh tế. Phải tập hợp các bộ óc của các nhà khoa học, các trường, các viện và lấy ý kiến của người dân.

Đề cập đến việc chọn giống cây trồng phù hợp với bản sắc địa phương, mới đây nhất (ngày 1/4), người đứng đầu Chính phủ nước ta ký ban hành đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Đề án này nêu rõ, việc chọn loài cây trồng phải phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương, khu vực cụ thể.

“Ưu tiên trồng cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích, có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao, cây quý hiếm mang bản sắc văn hóa địa phương”, trích đề án.

Giải pháp tạo không gian xanh của các nước

Canada

Từ những năm 2000, Canada hướng mục tiêu phát triển các thành phố có hạ tầng xanh, trong đó cây xanh là một chỉ số rất quan trọng trong đánh giá trong bộ 8 tiêu chí “cộng đồng nở hoa (CIB)”.

Branford - một trong những thành phố tiêu biểu của Canada trong phong trào trào kể trên khi huy động mọi tầng lớp tham gia từ người lớn tuổi, phụ nữ và học sinh các trường tiểu học và trung học. Việc huy động cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc cây xanh đã lan tỏa và mang kết quả to lớn với Canada.

Singapore

Singapore là quốc gia đứng đầu danh sách 16 nước có mật độ cây xanh bao phủ rộng khắp các khu đô thị nhiều nhất thế giới với gần 30% các khu đô thị lớn được bao phủ bởi cây xanh.

Việc trồng cây xanh ở quốc đảo này được đưa vào tầm nhìn từ những năm 60 của thế kỷ trước với mục tiêu xây dựng đất nước thành một khu vườn chung của mọi người. Theo đó, việc trồng cây xanh bên đường là mục tiêu xương sống của toàn thành phố.

Tháng 2 năm nay, chính phủ Singapore tiếp tục công bố kế hoạch Xanh 2030 và chính thức phát động “phong trào toàn quốc” về trồng cây chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững giai đoạn mới.

Về giống cây, Singapore ưu tiên trồng giống cây để tạo nên thương hiệu quốc gia, cây di sản của đảo quốc. Trong đó có thể kể đến giống cây muồng tím và cây angsana với khả năng tỏa bóng lớn như một chiếc ô.

Theo hồi kí của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, để thực hiện hóa mục tiêu phủ xanh đảo quốc, ông Diệu đã học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới, sau đó mang các giống cây về trồng thử nghiệm xem mức độ hiệu quả và giá trị thực tế mang lại cho đất nước. Sau nhiều năm tìm tòi và dày công chăm sóc, Singapore chọn ra 5 giống cây chủ đạo để phủ xanh các đô thị, gồm: cây muồng tím, angsana, lim sét, xà cừ và cây lọng ô.

Hà An

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/cay-ngoai-nhap-ve-ha-noi-n-474519.html