Cây Mộc hương góc đền

Làng Đông có người đàn bà chua ngoa lắm. Mà làng quê nào chả vậy. Chả có vài tay trộm vặt, dăm gã Chí Phèo và một nhúm bà cô lắm điều... Sau lũy tre làng không có những khuấy động ấy thì cuộc sống thôn quê cũng tẻ.

Nhưng người đàn bà này thì thuộc dạng đặc biệt. Chả hiểu tạo hóa trêu ngươi phụ niềm mong mỏi của các đấng bậc sinh thành hay sao, mà bố mẹ đặt cho cái tên của loài hoa cực nhã nhưng Cúc chửi bậy thành thần.

Thủa thanh niên cũng thuộc hàng đỏ đắn, tay cày tay cấy sức vóc lực điền nên nhiều đám dạm hỏi. Nhưng mặn mà chỉ ba bảy hai mốt ngày, vào vòng chung kết, thấy đám nào cũng rê dắt lòng vòng rồi sút ra ngoài...

Hỏi ai nấy đều tủm tỉm cười mà bảo rằng, cô dâu tương lai có lượng hóc môn testosterone nam tính hơi cao. Ai đời cùng người yêu đi đám cưới làng bên, chả biết thách đố thế nào mà mình Cúc cho cả mâm trai làng say bò lê bò càng. Cũng chỉ Cúc dám bơi qua bến đò đánh nhau với bọn bên kia sông vì chúng dám đọc vè bỡn cợt "bên đò bên đỏ bên đo. Có ăn… mứt chó thì bò sang đây"...

Dang dở mãi rồi Cúc cũng có nơi có chốn. Anh Cò Toản dẫu hơi ẻo lả nhưng được cái chăm việc nhà, lại lành như bụt. Dù làng trên xóm dưới đôi bận ì xèo rằng Cúc hay chớt nhả với tay thuyền chài ngoài bến nhưng anh Cò cũng bỏ ngoài tai. Vợ anh còn nửa đùa nửa thật bảo, cái của ấy dùng nó có mòn đi được đâu. Mà nhà này cái gì bố con ông lâu không dùng, tôi đem cho thiên hạ dùng tất, đỡ phí của...

Một bận, con gà mái mơ nhà Cúc đi kiếm ăn tối chẳng thấy về. Soi đèn tìm khắp xóm, bỗng con Bống kêu ầm lên:

- Mẹ ơi, đây rồi, đây rồi.

Cả nhà đổ xô đến. Hóa ra con Bống phát hiện ra đám lông gà chất đống ở bờ dậu cúc tần cạnh nhà ông giáo Bản...

Nếu lúc này đứa nào dám cả gan soi thẳng đèn pin thì thấy mặt Cúc nhấp nháy như bảng điện chứng khoán. Từ xanh ngắt, đỏ dần và rồi lại bắt đầu tím rịm. Chất giọng thổ đồng của người đàn bà nhiều nam tính bắt đầu chõ sang nhà ông giáo:

- Bớ làng trên xóm dưới, bớ láng giềng láng tỏi… bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Bà có con bà mái mơ mới ghẹ, nó mới lạc ban sáng mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của bà, hãy banh lỗ tai vạch lỗ nhĩ lên mà nghe bà chửi đây nài i i i i i…

Mày dám xơi thịt con gà mái yêu của bà í à? Bà là bà rủa cho mày ngóc đầu lên không được đấy con ạ ạ ạ ạ…. Cái con gà nó ở nhà bà nó là con công con phượng, chứ nó về đến nhà mày nó thành con cú, con cáo, con thần nanh mỏ đỏ. Mày dám chén thịt con gà của bà hở? Thì ối giời ơi tóc tai lông lá mày rụng sạch nhá (ông giáo Bản vốn hói đầu).

Hôm nay bà chửi một bài, ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền. Bà chửi cho mày hóa điên. Bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng. Bây giờ bà mệt quá chừng, bà về ngủ tí, nhớ đừng quên a…

Đêm thanh vắng, bài chửi có thanh có điệu càng não nuột, du dương. Ban đầu chỉ có tiếng chó ong óc phụ họa, nên đến nửa đêm bà Cúc thấm mệt toan đi về đi nghỉ thì phía bên kia ông giáo Bản lên giọng...

Giáo Bản vốn thâm có tiếng. Nhớ hồi còn hợp tác xã, ao cá hợp tác kéo lưới, có miếng nào ngon có con nào béo Ban quản trị hợp tác nhận cả. Đến phần xã viên còn độc mấy con mè ranh mắt lồi ra như mắt ông cận thị nặng. Vậy là sáng hôm sau trên bảng tin văn hóa xã chẳng biết đứa nào viết câu vè: “Cụ trắm, bà trôi dương vây mừng quản trị. Con mè ranh đeo kính nát xã viên”, he he.

Đến hồi cơ khí hóa, máy cày thay trâu. Ban đầu nhìn cái máy cày đỏ chót chạy phăm phăm, ai cũng thích. Nhưng khổ nỗi mấy anh thợ máy tối ngày rượu chè, làm ăn dối giá, lại chuyên xách trộm dầu hợp tác đi đổi mồi nhậu. Vậy là dân làng truyền tụng nhau câu vè “Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà. Đồng gần cho chí đồng xa. Trâu ta ăn hết chẳng tha thứ gì”.

Ông chủ nhiệm gầm lên “ngoài cái lão Bản ra thì còn đứa nào vào đây. Mấy ông dân quân đi gô cổ lão về ủy ban cho tôi”. Nói thì nói thế, nhưng chẳng có cớ gì để bắt ông giáo tội phá hoại sản xuất…

Lại nói chuyện con gà mái mơ. Thấy bà Cúc im im, bên này ông giáo cất giọng gióng giả:

- Bớ con Lan, mày đi mua cho bố cút rượu. Chả mấy mà nhà có món ăn tươi.

Đang quay về, bà Cúc lại lật đật chạy ra:

- Á à, mày tưởng mày là giỏi toán lý (ông giáo vốn là giáo viên dạy toán) mà bà không dám chơi toán học với mày à. Bây giờ bà chửi từ số học lên tích phân, xuống đại số rồi sang hình học cho mày nghe e e e e… Nếu gọi bố mày là A, mẹ mày là B, mày là C, bà lấy A cộng B cộng C, cho vào ngoặc bà khai căn, bà tích phân cả họ mày lên...ên..ên...ên...

Mày tưởng nuốt được con gà nhà bà là mày có thể yên ổn mà chơi trò “cộng trừ âm dương” với nhau à…. Bà là trị cho tuyệt đối hết cả họ chín đời nhà mày, cho chúng mày biết thế nào là “vô nghiệm”, cho chúng mày chìm đắm trong “âm vô cùng”. Mày tưởng ngày nào mày cũng rình mò “tiệm cận” hàng rào nhà bà là bà không biết đấy à?

Cứ thế, bà Cúc chửi nhạt mồm thì ông giáo lại thẽ thọt. Lúc thì quát con Lan đi hái lá chanh, khi lại sai thằng Bảo gọt mướp xào lòng. Bà Cúc càng điên, chửi quên ăn quên ngủ đến lả đi.

Đã nửa đêm mà anh cò Toản phải sang tận nhà ông giáo Bản lạy như tế sao:

- Thôi cháu xin ông, con vợ cháu nó già mồm, ông đừng chấp nhặt.

Ông giáo nằm võng ngoài hè, phe phẩy cái quạt nan:

- Anh nói thế thì tôi cũng thôi, nhưng về mà dạy vợ đi. À mà tôi biết anh cũng chẳng dạy được nó, im đi cho nó lành không nó lại đánh cho thì khổ…

Sau đận ấy, tưởng bà Cúc chừa. Nhưng trình chửi bậy hình như càng tăng tiến, lại được thêm nết nhanh tay nhanh mắt. Tuần làng có đôi buổi chợ phiên, bà chỉ cần đáo qua đáo lại dăm bận, lượn qua lượn lại hàng rau hàng cỏ hàng tôm hàng cá là cả nhà kiếm đủ cái ăn. Mà đi chợ kiểu bà Cúc không mất tiền mới giỏi, chứ mất tiền thì nói làm gì...

Thế mà đùng một cái, bà Cúc được cụ Trùm Đậu trông coi đền Ngõa mời ra phụ trách sắp xếp hậu cần, chăm lo hương hoa đèn giấy!

Đền Ngõa thiêng lắm. Còn nhớ thời đả thực bài phong, dăm vài người làng toàn thuộc loại hổ báo ra đền khuân từng dãy cột lim, từng tảng đá xanh ở khu hậu cung về xây nhà, bắc cầu ao. Chẳng biết thánh vật hay thần hồn nát thần tính mà đến lắm chuyện rợn người được đồn thổi. Sau chuyện con gái ông chủ tịch xã chỉ huy việc phá đền bỗng dưng treo cổ tự vẫn thì chẳng ai bảo ai, chỉ sau một đêm, của đền chùa lại hoàn nguyên đền chùa. Người làng chép miệng, của chùa ăn một trả mười...

Lại nói chuyện bà Cúc trở thành người tay hòm chìa khóa của đền Ngõa. Cả làng Đông xôn xao. Người nói ra, kẻ nói vào. Đại khái than thở rằng đền Ngõa là chốn thiêng liêng, cho thành phần uế tạp ấy vào rồi bà cô ông mãnh giận cho thì khổ cả làng.

Bọn thanh niên còn cười hô hố kháo nhau, "em Cúc gần 50 nhưng còn mơn mởn lắm. Đền Ngõa rộng thế, em lại rủ tay thuyền chài vào mò cua bắt ốc thì tội nợ”. Ông giáo Bản thủng thẳng, con Cúc trước là thành phần ăn cắp vặt. Giờ được nâng cấp lên tầm... tham nhũng vặt rồi.

Ấy thế mà lạ. Sau vài tháng làm từ đền, bà Cúc như lột xác thành người khác. Nói năng từ tốn, nhẹ nhàng hẳn. Người ta chẳng còn được chứng kiến những trận chửi ngày vắt sang đêm, sáng mai lại chửi tiếp như trước. Làng xóm vắng lặng hẳn, mấy gã thanh niên vô công rồi nghề cũng chẳng còn cái thú tiêu khiển trêu bà Cúc để nghe chửi nữa nên đâm buồn.

Hôm chợ phiên vừa rồi, thấy hai vợ chồng cò Toản gánh rau đi bán, mấy đứa ngồi trong quán rượu lòng ở đầu làng chõ ra:

- Cò Toản ơi, vào làm chén đã. Làm thì làm cả đời, số ông kiểu gì chả tù chung thân, kệ quản giáo đi chợ trước đi ông ơi…

Nói xong, bọn ấy ré lên cười tâm đắc lắm. Nào ngờ chả được ăn chửi như thường lệ. Bà Cúc lại còn thẽ thọt:

- Thầy nó vào ăn bát cháo, uống với các chú ấy chén rượu cho ấm bụng. Lội ao cắt rau từ sáng đến giờ rồi, để mình tôi đi chợ cũng được.

Cả đám rượu lòng trố mắt ra nhìn, quên cả gắp rót!

Làng nước bàn tán mỗi người một phách. Kẻ độc mồm bảo bà trở chứng. Lũ thanh niên bậy bạ thì kháo nhau, cò Toản mới mua được toa thuốc Tên Lửa, Rốc Két gì đấy, trị vợ dễ như trở bàn tay, âm dương cân bằng nên bà Cúc nền tính lại…

Chỉ có ông giáo Bản thủng thẳng, các vị chẳng ai sâu xa bằng cụ Trùm Đậu. Người xưa bảo, “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Cái Cúc nó lên hầu việc đền, việc chùa. Lúc đầu cũng vì cái oản, nải chuối, dăm ba đồng lễ. Rồi cái thanh cảnh, tao nhã nó dần ngấm vào người lúc nào không hay. Tôi đố ông bà nào vào đền vào chùa mà dám ăn nói xằng bậy, báng bổ đấy.

Đám hóng chuyện giờ mới ừ à: đúng thật, dân đến lễ bái, một điều bà Cúc, hai điều chị Cúc, nghe cũng mát mặt, tự nhiên thấy được nâng tầm…

Ông giáo cười:

- Vậy nên có thể nhận định là cụ Trùm bổ nhiệm nhân sự đúng người, đúng việc. Chứ như vừa rồi, toàn nghe chuyện bố bổ nhiệm con, anh bổ nhiệm em loạn hết cả lên. Có cậu chỉ thạo nghề chơi chim lại được bố đưa vào chân trưởng ngành lớn nhất nhì cả tỉnh, rồi cũng rơi rụng cả. Ông Nam Cao bảo rồi, cái thằng bán cháo lòng nó chỉ biết đánh tiết canh, đưa nó vào chân chủ tịch xã là hỏng nó, hỏng làng các ông các bà ạ…

***

Tiết Lập Xuân, ngồi nhấp chén trà với cụ Trùm Đậu, cảm giác thật thư thái, an nhiên. Cây Mộc hương hơn trăm năm tuổi đứng nép mình nơi góc sân đền Ngõa, phảng phất tỏa ra thứ hương thơm dịu nhẹ của những cánh hoa cuối mùa còn sót lại. Giọng cụ Trùm cũng phảng phất như nói chuyện một mình:

- Giống Mộc hương này thật lạ, tao nhã mà khiêm tốn, cánh hoa li ti như hạt gạo nép mình sau cuống lá, mùa Đông cái lạnh thật gắt hoa mới thơm. Mà hương Mộc cũng như có như không, phải thật tĩnh tại mới cảm được.

- Chắc nó muốn giấu mình cho người biết thưởng thức, cũng như người tài cần kẻ liên tài cụ nhỉ? Mà con nghe bảo, Mộc hương phải trồng nơi thanh tịnh, u nhã thì mới đúng, phải không ạ?

Cụ Trùm cười: Nơi thanh thì không hỗn tạp, nơi tịnh thì ít miếng ăn nên giác quan của ta cũng dễ mẫn cảm hơn mà thôi. Ở đời, chuyện đúng hay sai khó nói lắm, chỉ có cái gì hợp lý hoặc chưa hợp lý và phải sắp xếp cho hợp lý thôi. Cũng như bà Cúc thay tâm đổi tính mà người làng thắc mắc. Bà ấy ra chợ thì là bà Cúc ở chợ, còn lên đền chùa thì phải là bà Cúc ở chùa chứ cháu. Ta cũng chỉ là thuận theo lẽ tự nhiên...

Hương trà ướp Mộc tỏa ra dìu dịu, Xuân đã về rồi!

Tạp văn của Phí Trọng Hiếu/Báo Đầu tư Bất động sản

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/xa-hoi/cay-moc-huong-goc-den-218492.html