Cây gậy thuế suất: trường hợp máy giặt ở Mỹ

Tăng thuế để bảo hộ sản xuất trong nước là con dao hai lưỡi, cần thận trọng khi sử dụng. Kinh nghiệm từ việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu máy giặt.

 Do chính sách thuế của ông Trump, giá máy giặt ở Mỹ đã tăng thêm bình quân 86 đô la/chiếc, và người tiêu dùng phải tốn thêm 1,5 tỉ đô la mỗi năm để mua máy giặt, máy sấy. Ảnh: AP

Do chính sách thuế của ông Trump, giá máy giặt ở Mỹ đã tăng thêm bình quân 86 đô la/chiếc, và người tiêu dùng phải tốn thêm 1,5 tỉ đô la mỗi năm để mua máy giặt, máy sấy. Ảnh: AP

Làm thế nào đối phó với làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ có khả năng bóp chết sản xuất trong nước, làm mất công ăn việc làm và gia tăng thâm hụt thương mại? Với hầu hết các chính phủ, câu trả lời là “thuế”: tăng thuế dưới các tên gọi khác nhau như thuế nhập khẩu, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp... nhưng chỉ nhắm tới một mục tiêu: làm cho sản phẩm nhập khẩu có giá bán tới tay người tiêu dùng cao hơn giá sản phẩm trong nước, từ đó hạn chế năng lực cạnh tranh của nhà xuất khẩu nước ngoài, tăng sản xuất trong nước, giảm thâm hụt thương mại, tăng thu ngân sách và khuyến khích đầu tư tạo việc làm.

Lý thuyết là như vậy, song trong thực tế, tăng thuế không phải bao giờ cũng tốt, nhất là trong điều kiện nền kinh tế “toàn cầu hóa”. Trường hợp nghiên cứu về tăng thuế nhập khẩu máy giặt mà chính quyền Mỹ áp đặt mới đây là một bài học cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế khắp nơi.

Một nghiên cứu mới, được tường thuật trên báo The New York Times, cho thấy một động thái nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước lại làm tăng gánh nặng của người tiêu dùng và không đạt được các mục tiêu dự tính.

Nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai 21-4 được thực hiện bởi các kinh tế gia Aaron Flaan của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Felix Tintelnot, Ali Hortacsu của Đại học Chicago, cho thấy người tiêu dùng phải gánh chịu 1,5 tỉ đô la Mỹ chi phí tăng thêm mỗi năm của việc tăng thuế đánh vào máy giặt, ngân sách thu thêm được 82 triệu đô la. Một số hãng sản xuất máy giặt tạo ra thêm được 1.800 việc làm mới, nhưng so với chi phí bỏ ra, một việc làm mới có cái “giá” lên tới 817.000 đô la Mỹ.

Chính phủ của ông Donald Trump tăng thuế nhập khẩu máy giặt vào năm ngoái sau khi công ty Whirlpool có trụ sở tại bang Michigan than phiền rằng các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, với sản phẩm có giá rẻ hơn, đã chiếm lĩnh thị trường máy giặt của Mỹ, đe dọa các nhà sản xuất Mỹ. Thuế suất thuế nhập khẩu ban đầu được ấn định là 20%, sau đó tăng lên 50% vào cuối năm với lý do lượng sản phẩm máy giặt nhập khẩu trong năm đã vượt quá hạn ngạch do chính phủ ấn định.

Ông Trump tự nhận là một người yêu thích tăng thuế; ngoài mặt hàng máy giặt, ông cũng đã quyết định tăng thuế nhập khẩu lên sắt thép, nhôm, tấm năng lượng mặt trời và nhiều sản phẩm khác, bất chấp sự phản đối của các đối tác thương mại gần gũi như Canada, Mexico, Liên hiệp châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Với Trung Quốc, ông đã áp thuế 25% lên lượng hàng nhập khẩu có giá trị 50 tỉ đô la và sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% cho khoảng 200 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ nước này nữa nếu như hai bên không đạt được một thỏa thuận thương mại theo điều kiện của Mỹ.

Ông Trump cho rằng, biện pháp tăng thuế nhập khẩu -các đối tác đương nhiên sẽ trả đũa cũng bằng cách tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và kích hoạt chiến tranh thương mại - là động thái chính sách cần thiết để thúc đẩy sản xuất và việc làm trong nước Mỹ. Ông thậm chí còn đưa ra thông điệp sai lạc rằng các đối tác bán hàng vào Mỹ sẽ phải gánh chịu phần tiền thuế tăng thêm đó.

Theo tính toán của các kinh tế gia này, từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái, chi phí tăng lên do thuế tăng là 6,9 tỉ đô la Mỹ và từ tháng 11 năm ngoái đến nay, mức chi phí bình quân hàng tháng là 1,4 tỉ đô la.

“Chúng tôi thấy rằng chi phí do tăng thuế đã được chuyển hoàn toàn vào giá bán nội địa, do đó cho đến nay toàn bộ chi phí thuế được đổ lên vai người tiêu dùng và các công ty nhập khẩu, và không có tác động gì tới giá cả mà nhà xuất khẩu nước ngoài đề ra”, các kinh tế gia này viết.

Trở lại với nghiên cứu về mặt hàng máy giặt. Việc tăng thuế nhập khẩu đã góp phần chặn đứng đà giảm giá máy giặt kéo dài nhiều năm qua nhờ nguồn hàng giá rẻ từ châu Á đồng thời làm giá bán lẻ máy giặt tại Mỹ tăng thêm bình quân mỗi chiếc 86 đô la Mỹ. Không chỉ vậy, giá máy sấy - thường được mua kèm với máy giặt - cũng tăng thêm bình quân 92 đô la/chiếc. Không chỉ hàng nhập khẩu tăng giá mà máy giặt “Made in USA” của các công ty như Whirlpool cũng tăng giá theo, khiến cho người tiêu dùng không còn nhiều lựa chọn để tiết kiệm.

Theo lý thuyết thương mại, chi phí mà người tiêu dùng phải chịu khi thuế suất tăng chỉ là một vế của phương trình. Các chính phủ vẫn hy vọng rằng, việc tăng thuế nhập khẩu sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất tới gần thị trường tiêu thụ để tránh thuế, từ đó tạo ra thêm nhiều việc làm cho các cộng đồng địa phương. Với mặt hàng máy giặt, không đợi đến Tổng thống Donald Trump Chính phủ Mỹ mới tăng thuế.

Theo báo The New York Times, Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama đã đôi lần nỗ lực bảo hộ sản xuất trong nước bằng cách tăng thuế nhập khẩu máy giặt của Samsung và LG sản xuất tại Hàn Quốc. Kết quả của động thái này khá phức tạp; một mặt Samsung và LG đầu tư nhà máy sản xuất tại Mỹ, một mặt họ chuyển sản xuất sang Trung Quốc để có chi phí sản xuất thấp hơn.

Khi ông Obama tăng thuế lên máy giặt “Made in China” năm 2016, hai hãng này lại tiếp tục chuyển sản xuất sang Việt Nam và Thái Lan, vừa giảm được chi phí vừa tránh được thuế nhập khẩu vào Mỹ.

Lần này, ông Trump quyết liệt sử dụng cây gậy thuế suất để buộc các nhà sản xuất máy giặt phải đầu tư nhà máy ở Mỹ hoặc chuyển sản xuất tới Mỹ. Theo ghi nhận của các kinh tế gia, từ khi áp đặt mức thuế nhập khẩu mới, nhà máy của Whirlpool ở bang Ohio đã tuyển thêm 200 nhân viên mới; hai nhà máy của Samsung ở South Carolina và của LG ở Tennessee tuyển dụng thêm 1.600 công nhân để mở rộng sản xuất.

Cái “giá” này không gây ngạc nhiên, bởi vì việc làm chỉ được tạo ra khi có sự đầu tư của nhà đầu tư, của ngân sách nhà nước, hoặc của xã hội. Để chặn đứng cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, chính quyền Obama đã thực thi nhiều chương trình tạo việc làm với chi phí bình quân cho mỗi việc làm mới là 125.000 đô la, theo tính toán của Fed San Francisco.

Chi phí tạo việc làm cho công nhân sản xuất máy giặt thời chính phủ Trump cao gấp 6,5 lần chi phí thời Obama nhưng không phải do chính phủ Trump kém hơn mà do tác động của thuế suất biến thiên theo thời gian và theo từng ngành hàng. Báo cáo nghiên cứu của các kinh tế gia nói trên cho thấy, biện pháp tăng thuế nhập khẩu mặt hàng vỏ xe (lốp xe) thời Obama tạo ra việc làm với chi phí bình quân tới 900.000 đô la Mỹ, việc tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép của ông Trump có mức chi phí bình quân là 650.000 đô la cho mỗi việc làm mới.

Huỳnh Hoa

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288024/cay-gay-thue-suat-truong-hop-may-giat-o-my.html