Cây Duối: Vua của các loài cây, cây cảnh cây thuốc quý

Chính vì giá trị nhiều mặt và công năng tuyệt diệu của cây Duối trải qua hàng ngàn năm lịch sử ông cha ta suy tôn loại cây này là 'Hoàng Anh Mộc' tức là Vua của các loài cây!

Như chúng ta biết, cây Duối có tên khoa học: Streblus asper, thuộc họ Dâu tằm – Moraceae thường mọc ở các vùng đất khô: Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ...Sức sống mãnh liệt thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, ít sâu bệnh, không bị mối mọt, tuổi thọ cao...

Từ rễ, lá, thân, cành đến hoa quả của cây Duối đều là những vị thuốc quý được nhắc nhiều trong cổ tịch y pháp dân gian và của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lễ Hữu Trác. Cây Duối gắn bó thân thuộc với đời sống văn hóa, tâm linh và gỗ của nó là những vật dụng rất hữu ích trong sinh hoạt của người Việt. Từ làm nhà, làm cán quốc, xẻng, dao đến làm trạc súng, con quay, tấm thiên của cỗ quan tài...người Việt xưa thường chọn làm từ gỗ Duối!

Theo các thầy thuốc, vỏ cây duối chứa các chất asperosid, streblosid và một pregnan glycosid. Ngoài ra còn có n-triacontan, tetracontan-3-on, β-sitosterol, stigmasterol, betulin và acid oleanolic. Chất streblosid có thể so sánh với digitoxin. Chất đắng của vỏ duối có tác dụng đối với cơ tim tương tự adrenalin. Vỏ rễ duối cũng chứa glycosid có tác dụng trợ tim…Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Khoa học Malaysia (USM) đã nghiên cứu thành công nước súc miệng không cồn từ rễ cây duối giúp làm sạch và ngăn ngừa ung thư miệng.

Cây duối của dòng họ Huỳnh ở Bình Định chuyên thuốc gia truyền

Theo Lương y Phạm Khắc Tỉnh (Kim Điền, Chí Linh, Hải Dương), duối có vị đắng, chát, tính mát, có tác dụngthanh nhiệt giải độc, thông huyết, cầm máu và sát khuẩn. Nhiều nơi đã sử dụng cây duối để chữa các bệnh giun chỉ, hủi, đau răng, tiêu chảy, ung thư, nhiễm khuẩn đường tai mũi họng. Vỏ duối dùng chữa bệnh phong thấp đau nhức, sâu răng, đau bụng, sốt, tiêu chảy, lỵ, đắp bó chữa gẫy xương. Cành và rễ duối thái mỏng sắc uống làm thuốc thông tiểu, chữa bụng trướng. Vỏ rễ chữa đái đục, bí đái, bệnh giang mai và trị rắn cắn. Liều dùng 12-20g.

Thuốc đắp từ rễ duối trị loét, sưng tấy và mụn nhọt có mủ. Nhựa mủ duối có tác dụng sát khuẩn; tẩm vào giấy bản rồi dán hai bên thái dương để chữa nhức đầu, hoặc dùng đắp chỗ nứt nẻ ở tay và gót chân. Trong dân gian, người ta còn dùng chữa đinh nhọt, chốc lở…

Dưới đây là các ứng dụng khác của cây duối:

- Chữa sâu răng: Vỏ duối sắc đặc ngậm. Hoặc vỏ duối, củ gấu, hai vị bằng nhau, ngâm rượu 700 trong 1-2 tuần. Sau đó tẩm vào bông rồi đặt vào chỗ sưng, đau.

- Chữa gãy xương: Vỏ duối giã nhỏ với lá thanh táo, dây tơ hồng và chuối tiêu, đắp bó nên ngoài nơi gãy xương....

- Chữa băng huyết, kiết lỵ, lợi sữa: Lá duối (20 g) sao vàng sắc uống.

- Chữa đái rắt, đái buốt, nước đái đục: Vỏ rễ duối, rễ nhót, mỗi vị 20g, sao vàng, sắc uống.

Duối Bọ Cạp của nhà vườn Thành Quán Toan, Hải Phòng

Ngoài ra theo quan niệm của phong thủy dân gian thì cây Duối là loại cây trừ tà khí, nạp chính khí tốt nhất, mang lại an vui thịnh vượng cho gia chủ. Các nhà khoa học phát hiện, cây Duối đã được trồng phổ biến ở những di chỉ cổ, lăng mộ thời Hùng Vương và những nơi sang trọng như cung vua phủ chúa. Tiêu biểu như rặng Duổi cổ thụ trên 1000 năm tuổi tại làng Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội hay cây Duối cổ ở đền thờ Đại Thần Lít ở Tổng Phùng...

Trong chiến tranh chống Mỹ người ta còn phát hiện ra tất cả các loại thảo mộc đều không thể sống được nếu nhiễm chất khai quang Đioxin trừ cây Duối. Điều đó cho thấy cây Duối có khả năng tự kháng độc rất tốt!

Gần đây loại cây này còn được biết đến là một loại cây cảnh có giá trị kinh tế nghệ thuật cao. Trong giới chơi cây trở nên quá quen thuộc với nhiều tác phẩm duối tên tuổi như: Duối cổ Thế võ Bình Định của Nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên; Duối cổ Thiên Long Vũ Hội của Toàn Đô la; Duối cố Lão Mai Đại Thọ của Hòa Taxi, Duối Bọ Cạp của Thành Quán Toan...

Chính vì giá trị nhiều mặt và công năng tuyệt diệu của cây Duối trải qua hàng ngàn năm lịch sử ông cha ta suy tôn loại cây này là "Hoàng Anh Mộc" tức là Vua của các loài cây!

Cùng chiêm ngưỡng một số tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đẹp từ cây duối:

Quyết Tuấn

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/cay-duoi-vua-cua-cac-loai-cay-49736.htm