Cây độc: Ít ai biết cây vạn tuế hay được trồng làm cảnh lại ẩn chứa kịch độc

Mọi người không nên tiếp xúc gần vạn tuế hoặc dùng tay bứt lá, hạt, vỏ vạn tuế, bởi có thể bị ngộ độc từ cây độc.

Cây vạn tuế còn gọi là cây thiên thuế, có tên khoa học là Cycas revoluta, xuất xứ từ miền nam Nhật Bản. Loài thực vật này phân bố ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ. Ở Việt Nam cây thường được trồng để làm cảnh trong văn phòng hoặc trồng bài trí tại những nơi công cộng như bồn hoa hoặc quảng trường.

Cây vạn tuế. Ảnh: bidorbuy.co.za

Cây vạn tuế có lá dài, mọc thành vòng và xanh quanh năm, cuống lá có gai rất nhọn. Hoa vạn tuế rất đẹp, quả có lớp vỏ ngoài mềm nhưng hạt lại rất cứng.

Vạn tuế không chỉ có hình dáng đẹp và trang trọng mà còn có ý nghĩa mang lại sự bền vững trong sự nghiệp và may mắn cho gia chủ. Ngoài ra, cây vạn tuế còn cân bằng khí âm dương trong phong thủy.

Vạn tuế rất dễ trồng và chăm sóc vì cây sống khỏe, mặc dù vậy cây có tốc độ sinh trưởng chậm. Có thể nhân giống cây vạn tuế bằng hạt hoặc bằng phương pháp tách cây con.

Cây vạn tuế là cây có độc. Ảnh: giống cây trồng

Tuy nhiên theo cảnh báo đăng trên tờ National Tropical Botanical Garden, mọi người không nên tiếp xúc gần hoặc dùng tay bứt lá, hạt, vỏ vạn tuế, bởi có thể bị ngộ độc. Cụ thể các hợp chất alkaloids trong thân cây có thể gây ung thư, acid amin là nguyên nhân làm rối loạn thần kinh mãn tính, ngay cả trong hạt vạn tuế cũng có chất cycasin độc tính khá cao.

Các nhà khoa học khuyên không nên tiếp xúc thường xuyên hoặc đặt cây vạn tuế trong phòng kín bởi nó có thể gây bệnh, ngộ độc thậm chí gây tử vong cho người. Nên đặt cây tránh xa tầm với của trẻ em, bởi cơ thể non nớt của bé dễ bị tổn thương nếu vô tình chạm vào cây.

Theo Dũng Linh/VietQ

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/cay-doc-it-ai-biet-cay-van-tue-hay-duoc-trong-lam-canh-lai-an-chua-kich-doc/20200925082908014