Cấy đêm

Nhổ mạ đêm, cấy đêm là cách nhiều nông dân ngoại thành Hà Nội tránh nóng. Lấy đêm làm ngày, họ chong đèn ra ruộng hòa mình vào nhịp lao động hối hả. Mỗi dảnh mạ được cấy xuống đều mang theo những ước mong, những niềm hi vọng được gửi gắm.

Ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng…

Hơn 2h sáng, trời tối mịt, trên cánh đồng thuộc xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, bốn mẹ con bà Nguyễn Thị Ngả đã líu ríu dắt nhau ra đồng. Mang đủ thứ từ đèn, chậu tát nước tới mạ cấy… mẹ con bà bì bõm lội trên thửa ruộng đã ải kỹ, ánh lên màu nâu của lớp bùn non. Trời mát, nước đủ, cây mạ được cắm xuống xanh mướt.

Tay đưa mạ thoăn thoắt, bóng nước từ ánh đèn phả lên gương mặt lấm tấm mồ hôi, bà Ngả bảo chuyện ra đồng giữa khuya cũng là chuyện chẳng đặng. Nắng nóng, không thể phơi mình dưới cái nắng như thiêu như đốt để làm đồng, nếu cấy trong điều kiện nước quá nóng, cây mạ cấy xuống không bén rễ được sẽ chết. Thôi thì đành chịu khó vất vả, ngày tránh nắng, đêm ra đồng cấy.

 Thời điểm này, nhiều nơi ở miền Bắc bắt đầu vào vụ mùa Hè -Thu. Do thời tiết nắng nóng, nông dân phải đi cấy lúc nửa đêm về sáng. Vất vả song mỗi dảnh mạ, cây lúa lại ôm ấp niềm hi vọng của biết bao người. Ảnh: Giang Nam

Thời điểm này, nhiều nơi ở miền Bắc bắt đầu vào vụ mùa Hè -Thu. Do thời tiết nắng nóng, nông dân phải đi cấy lúc nửa đêm về sáng. Vất vả song mỗi dảnh mạ, cây lúa lại ôm ấp niềm hi vọng của biết bao người. Ảnh: Giang Nam

“Ban ngày nhiệt độ 37-39 độ, ngồi trong nhà không chịu nổi huống chi đứng giữa đồng. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người cũng tranh thủ ra đồng cấy lúc thời tiết mát vừa tránh được nắng nóng, bảo đảm sức khỏe cho người, vừa bảo đảm cây mạ non cấy xuống không bị khô héo” – bà Ngả bộc bạch.

Không chỉ riêng mẹ con bà Ngả, bà Đinh Thị Chín ở thửa ruộng kế bên cũng đeo đèn ra ruộng mạ từ mờ sớm. Theo lời bà Chín, cấy đêm là chuyện không mong muốn. Thế nhưng, nước đổ, lịch mùa vụ đã có, Hợp tác xã cũng đã lấy nước vào ruộng nên xã viên phải bắt tay cấy luôn và cấy nhanh cho kịp thời vụ.

Cấy đêm vất vả hơn làm ngày. Ánh sáng từ những chiếc đèn pin khiến nhiều loại muỗi bám víu rất khó chịu. Thế nhưng so ra cảnh “ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng” vẫn dễ chịu hơn khi phải phơi mình giữa nắng oi buổi sớm.

Theo kinh nghiệm của những người nông dân ngoại thành, vụ Hè - Thu thường phải chịu khắc nghiệt của thời tiết. Bởi vậy, để ruộng lúa không bị táng trắng, cháy khát, tốn ít công chăm bẵm giai đoạn đầu thì phương cách tốt nhất là cấy khi trời chuyển mát. Chẳng nói đâu xa, thửa ruộng nào lá lúa bị táng là chắc đến chín, mười phần được cấy khi nắng. Cây lúa ốm và lâu hồi. Ngược lại, cấy đêm hoặc cấy khi trời râm, lá non vẫn xanh mướt, sau ba ngày khi lúa bén rễ, tốn thêm một công ra đồng bón đạm nữa là cây lúa sẽ xanh tươi ngun ngút.

Đồng ruộng không phụ công người

Quanh câu chuyện đồng áng, những nông dân như bà Ngả, bà Chín bảo, vụ này công cấy cao ngất ngưởng. Mỗi ngày công thuê cấy lên đến 500.000 đồng, tương đương với vài tạ lúa. Công thuê cao nhưng khó mượn người làm bởi không mấy ai mặn mà. Để khắc phục, người trong làng hoặc những nhà quen thân nhau đều cấy đổi công. Nghĩa là, nhà nọ sang cấy cho nhà kia cho đến khi hết ruộng. Công cán quy đổi có hơn, có thiệt song chẳng ai hoài tâm để ý, mọi người đều xuề xòa, vun bồi cho tình làng nghĩa xóm.

Người nông dân thuộc xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội đội đèn cấy lúa từ nửa đêm. Ảnh: Giang Nam

Vất vả, nhọc nhằn với cây lúa song trong câu chuyện với tôi, những người nông dân chất phác ở ngoại thành vẫn mùi mẫn với ruộng đồng. Họ bảo, cũng nghe ở đâu đó chuyện nông dân chán ruộng, bỏ đi làm công nhân, để những bờ xôi ruộng mật cỏ phủ hoang phí. Có tiếc, có trăn trở vì ai cũng hiểu trồng lúa, làm giàu từ hạt thóc là điều khó. Tính ra, thửa nào cây lúa được chăm bẵm mát tay thì năng suất trung bình đạt trên 2 tạ/sào.

Co đi, kéo lại có khi cả vụ lúa chỉ lời lãi vài trăm ngàn đồng. Trong khi, mỗi tháng nếu đi làm công nhân may, hoặc xin làm tạp vụ cho những siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thì cũng được trả 5 - 6 triệu đồng. Tiền tươi, thóc thật lại ít bươn bả một nắng hai sương trên đồng ruộng. Sung sướng ai cũng muốn. Ấy nhưng, cũng phải nói lại, hạt lúa củ khoai và đồng ruộng đã nuôi người, nếu bỏ thì… bạc quá.

Nặng lòng với cây lúa, với ruộng đồng chị Đinh Thị Ba kể, chồng mất một mình chị bươn bả nuôi hai con ăn học. Đời chị khổ, làm đủ thứ nghề, từ buôn rau đến công nhân may tận mãi trong Bình Dương. Ấy nhưng, như chú kiến loay hoay đi trong vòng tròn, chị bỏ ruộng nhưng rồi vẫn về gắn mình với đồng ruộng. Thu nhập mang lại không cao như những ngành nghề khác nhưng bù lại, ruộng đồng cho chị niềm an lạc.

Nghề nông "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nhưng người dân ở đây vẫn quyết không bỏ. Ảnh: Giang Nam

Mỗi dảnh mạ được tra xuống lớp bùn trơn bóng là mang theo niềm hi vọng của chị. Cây lúa đơm bông, kết hạt sẽ giúp mẹ con chị có tiền trang trải. Chị bảo, ngày mai khi cấy xong 3 sào ruộng của nhà là chị sẽ đi cấy thuê. Người ta đã “đặt hàng” chị trước. Chăm chỉ và khéo léo xoay sở thì ruộng đồng chẳng phụ công người.

Đêm khuya, trên cánh đồng trũng vẫn nườm nượp người qua kẻ lại. Họ cùng nhau cấy đêm để kịp mùa vụ. Trên khắp cánh đồng, hình ảnh những dáng người khom lưng, xen ánh đèn loang loáng bên những đám lúa non như hứa hẹn một mùa vàng bội thu.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cay-dem-110233.html