'Cây đại thụ' làng báo Phan Quang: 'Làm báo phải có chất văn...'

'Cây đại thụ' của làng báo Việt bảo rằng, cuộc đời viết lách của ông như cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Ông yêu văn học, nhưng lại trọn đời chung thủy với nghề báo...

Nhà báo Phan Quang phát biểu tại một buổi tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 11/11. (Ảnh: Tuấn Đức/Vietnam+)

Nhà báo Phan Quang phát biểu tại một buổi tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 11/11. (Ảnh: Tuấn Đức/Vietnam+)

Dù nghỉ hưu năm 2003 khi đã 75 tuổi, nhưng nhà báo, nhà văn Phan Quang không hề ngơi nghỉ, ông tiếp tục làm báo, viết văn, dịch sách và chia sẻ kinh nghiệm làm báo với các học trò của mình. Tài năng và đức độ của Phan Quang đã trở thành niềm tự hào của những người cầm bút tại Việt Nam.

Ông tâm niệm: “Cuộc đời viết lách của tôi giống như một cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù đang yêu người khác. Tôi yêu văn học nhưng lại làm báo chí. Và cuối cùng, trong cuộc hôn nhân lý trí này, dần dà tôi cũng tìm thấy tình yêu chân thực, tôi đã sống hết mình, suốt đời chung thủy với nghề báo.”

Cây đại thụ của làng báo Việt

Nhà báo, nhà văn Phan Quang, sinh năm 1928, là một tên tuổi lớn của nền báo chí và văn học cách mạng Việt Nam. Tên khai sinh của ông là Phan Quang Diêu, quê xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông còn có các bút danh là Hoàng Tùng, Phan Hoàng Tùng, Vị Hoàng, Yên Thanh, Lê Thanh, Hoàng Xá...

Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và khoa bảng. Ông nội là cụ Phan Thanh Tân, đỗ Cử nhân năm 1870 dưới triều vua Tự Đức. Từ truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương, Phan Quang sớm trở thành một chiến sĩ cách mạng, là một trong những thanh niên xuất sắc được đồng chí Nguyễn Chí Thanh lựa chọn để đào tạo cán bộ cho nhiệm vụ lâu dài.

Cuốn sách về nhà báo Phan Quang xuất bản năm 2018. (Ảnh: VOV)

Phan Quang viết báo từ năm 20 tuổi, kinh qua các báo Cứu Quốc Liên khu Bốn, báo Nhân Dân, Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam; Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các Nhà báo (OIJ)…

Ông được bầu làm Đại biểu chính thức Đại hội VI của Đảng, giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin, Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong bước chuyển quan trọng của lịch sử, ông là chứng nhân, góp phần làm nên những đổi thay to lớn và quan trọng của báo chí, văn hóa, văn nghệ nước ta thời kỳ đầu công cuộc Đổi mới và nhiều năm sau đó.

Nói đến nhà báo Phan Quang, người ta nghĩ ngay đến một chính khách, một nhà văn hóa, một nhà báo nằm trong nhóm những cây đại thụ của báo chí nước nhà, một nhà văn và dịch giả tài năng, một người thầy, người thủ trưởng gần gũi, nhân hậu, người bạn thân thiết của nhiều nhà báo, nhà văn trong nước và quốc tế.

Dù ở bất cứ cương vị nào, ông luôn lao động sáng tạo, viết hàng ngàn bài phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, tùy bút, truyện ngắn, truyện vừa, tản văn, chuyên luận, xã luận, nghiên cứu, lý luận cùng nhiều cuốn sách dịch thuật… góp sức làm rạng danh giới báo chí, văn nghệ Việt Nam.

Sự nghiệp báo chí và văn nghệ của nhà báo Phan Quang đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc và được đánh giá cao. Giáo sư Hà Minh Đức đánh giá ông là “nhà báo lão thành, nhà báo gạo cội, nhà báo uyên bác, nhà báo-nhà văn, là con nước chảy giữa báo chí và văn chương.”

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhận định: “Cuộc đời của ông đã gắn bó với những bài báo, bài văn, cuốn sách, những bản dịch xuất sắc, có sức sống và sức lôi cuốn lớn lao, luôn truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và người đọc. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, ghi chép, sáng tạo. Các thế hệ làm báo, làm văn, hoạt động văn hóa yêu quý, nể trọng nhà báo Phan Quang ở lòng yêu nghề, năng lực nổi trội, bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm với ngòi bút, với xã hội. Cuộc đời, sự nghiệp và tấm lòng của ông đối với đất nước và đối với nghề đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà báo, nhà văn viết nên các tác phẩm văn học, báo chí có hình bóng và tâm tình ông trong đó.”

“Dù báo hay văn, hay bất cứ ngành nghề nào, tài năng và đức độ của nhà báo Phan Quang đều làm nên tầm vóc to lớn của ông,” ông Nguyễn Thế Kỷ nhận xét.

Sự hài hòa giữa báo chí và văn chương

Một trong những bài học lớn mà thầy Phan Quang nói với các học trò của mình là: “Làm báo phải có chất văn.”

“Có nhiều thể loại báo chí như tin tức, tường thuật, điều tra không thể trở thành tác phẩm văn học, nhưng cũng có nhiều thể loại gần với văn học, đặc biệt là thể ký - nhiều bài ký công phu, có tác động mạnh mẽ đến độc giả,” ông nói.

“Tất nhiên, chất văn trong báo chí không phải là sự hư cấu, mà phải chắt lọc từ những sự kiện, sự việc bề bộn của cuộc sống để chọn những con người, sự kiện và chi tiết đắt nhất, tiêu biểu nhất, để rồi qua việc chọn các chi tiết điển hình, sẽ có bài báo và các tác phẩm báo chí ấn tượng, có chất lượng,” ông chia sẻ.

Ông cho biết du ký báo chí là thể loại thể hiện rõ nét nhất sự giao thoa giữa báo chí và văn học. Báo chí có chức năng chuyển tiếp thông tin, tương tác với bạn đọc, nâng cao kiến thức cho người đọc, phục vụ một nhiệm vụ chính trị. Còn văn học có chức năng chia sẻ cảm nhận của người viết để đáp ứng nhu cầu người đọc.

“Ở bất kỳ thể loại nào, người viết cũng phải hướng đến cái gốc chân, thiện, mỹ,” ông nói.

Bếp dầu, ấm nước, ống cắm bút, lọ hoa,... được Phan Quang sử dụng năm 1972 trong quá trình công tác tại Quảng Bình. Ông hiến tặng những hiện vật này cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tiến sỹ Đặng Thị Thu Hương, Viện Trưởng Viện Báo chí-Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhớ mãi trong những năm tháng học tập dưới mái trường Đại học Tổng hợp, bà đã được nhiều lần nghe nhà báo Phan Quang trực tiếp truyền thụ về nghề nghiệp, về cuộc đời làm báo của mình, để rồi sau này, đứng trên bục giảng, những bài học về nghề nghiệp của nhà báo Phan Quang lại tiếp tục được bà truyền lại cho các thế hệ học trò.

“Bài học về nghề ông đúc kết suốt hơn 70 năm làm báo của mình gói gọn trong bốn từ: Đọc, đi, nghĩ, viết,” bà Hương cho hay.

Những bài học đó được nhà báo Phan Quang tích lũy trong nhiều năm làm nghề, từ nhiều người thầy của mình, trong đó có Bác Hồ, người sáng lập nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

“Bác Hồ thường căn dặn: ‘Nhà báo không chỉ viết cho đúng mà phải viết cho hay. Hay thì nhân dân mới đọc, mới làm tốt công tác tuyên truyền,’ tôi coi đây là bài học lớn nhất mà Bác đã truyền dạy cho mình,” nhà báo Phan Quang nói.

Một người thầy khác mà ông rất biết ơn là Giáo sư Hà Minh Đức, người trực tiếp giảng dạy khi ông theo học tại chức ở trường Đại học Tổng hợp.

“Ở tuổi đôi mươi, tôi đã xếp bút nghiên để ra chiến trường, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi mới có cơ hội đi học tại chức. Do đó, dù ít tuổi hơn tôi, nhưng Giáo sư Hà Minh Đức là người thầy tôi vô cùng kính trọng,” ông nói.

“Tôi học được ở ông sự tận tâm và nhiệt tình. Năm tôi 60 tuổi thì nhà thơ Chế Lan Viên làm tuyển tập các tác phẩm Phan Quang. Thật cảm động, khi Giáo sư Hà Minh Đức giúp tôi đọc hết 2.000 trang bản thảo trong một thời gian rất ngắn,” ông tâm sự.

Nhà báo Phan Quang là cánh chim bằng của báo chí Việt Nam bay qua hai thế kỷ với tâm hồn lộng gió thời đại. Bất kỳ ai tiếp xúc với ông, dù trong khoảng thời gian ngắn, cũng đều cảm nhận được sự thông tuệ, năng lượng dồi dào và niềm say mê nghề nghiệp của ông./.

Nhà báo Phan Quang.

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cay-dai-thu-lang-bao-phan-quang-lam-bao-phai-co-chat-van/677568.vnp