'Cây đại thụ' của làng tranh lụa

Một chiều cuối tuần, tôi tới thăm họa sĩ Nguyễn Thị Mộng Bích tại làng Na, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh và cách kể chuyện hấp dẫn, ít ai nghĩ họa sĩ Mộng Bích nay đã ở tuổi 90 và có 60 năm theo nghề hội họa.

Họa sĩ Mộng Bích có một đời sống truân chuyên. Khi còn trẻ, Mộng Bích vừa phải chăm sóc chồng thương binh, vừa nuôi hai con nhỏ. Tưởng chừng cuộc sống bận rộn khiến Mộng Bích không thể theo nghề vẽ, nhưng người phụ nữ bé nhỏ ấy vẫn cố gắng chắt chiu, lo toan mọi việc. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), bà bắt đầu là họa sĩ từ năm 1960. Trong giới hội họa, họa sĩ Mộng Bích là một trong số ít nữ họa sĩ đã kế thừa phong cách hiện thực truyền thống trong nghệ thuật vẽ tranh lụa.

 Tác phẩm nổi tiếng "Bà già" của họa sĩ Mộng Bích.

Tác phẩm nổi tiếng "Bà già" của họa sĩ Mộng Bích.

Có lẽ chính bởi đời sống khó khăn càng khiến họa sĩ Mộng Bích chú ý tới những thân phận nhỏ bé trong cuộc sống. Bà tập trung khai thác và đưa vào tranh mình những số phận nhân vật khác nhau. Sau mỗi bức tranh ấy lại là những câu chuyện riêng. Trong đó, có thể kể tới những tác phẩm tiêu biểu như: Mẹ con (1960), Chân dung cô gái Chăm (1980), Bà cháu (1985), Dệt vải Chăm (1990), Bà già (1993), Chân dung Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ (1995)... Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng từng nói về tranh của họa sĩ Mộng Bích: “Tranh Mộng Bích dù không đem đến điều gì mới về ngôn ngữ nghệ thuật nhưng lại hết sức ám ảnh về thân phận. Nó khiến người ta suy ngẫm về kiếp người, sự sinh trưởng của tính cách từ cá nhân đến xã hội”.

Tranh của Mộng Bích đào sâu tìm hiểu thế giới nhân vật mà bà muốn truyền tải. Chính vì vậy, bà vẽ rất chậm, rất kỹ như để hiểu hơn về nhân vật của mình. Có những chuyến đi vẽ của bà kéo dài tới 3 tháng. Dù vậy sau 60 năm cầm bút, năm 2020, họa sĩ Mộng Bích mới có triển lãm đầu tiên trong sự nghiệp của mình với chủ đề: “Đi giữa hai thế kỷ”. Triển lãm quy tụ những bức tranh lụa do họa sĩ Mộng Bích vẽ từ năm 1960 đến nay. Là một trong những họa sĩ cuối cùng còn theo đuổi lối vẽ lụa truyền thống được học từ họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, họa sĩ Mộng Bích cũng là một trong những người hiếm hoi gói ghém những trang nhật ký của cuộc sống, của con người Việt Nam trong gần một thế kỷ qua tranh.

Trò chuyện cùng họa sĩ Mộng Bích, tôi được nghe nhiều câu chuyện xung quanh những bức họa của bà. Bà kể, một lần đi ra ngõ, nhìn thấy một bà lão ăn xin đang tựa lưng vào một quầy chữa xe đạp ngủ say sưa. Thế là bà quay về nhà lấy giấy bút ra ký họa thật nhanh. Khi vẽ gần xong thì bà lão mới tỉnh dậy. Sau này bà hay mời bà lão ăn xin đó tới chơi nhà.

Họa sĩ Mộng Bích thích vẽ những bà lão. Bà cho rằng chính họ là những người hùng. Họ có cả một cuộc đời hy sinh nhưng vẫn sống và cống hiến. Ở tranh của bà có cái hồn mà người ta không thể thấy ở bất kỳ đâu. Ở tuổi 90, họa sĩ Mộng Bích bây giờ có một cuộc sống bình dị. Bà thích đọc sách, cắm hoa. Thi thoảng thấy rung động bởi cảnh sắc quanh nhà, bà lại vẽ. “Tôi đã nhiều tuổi như những bà già ngày xưa tôi vẽ. Đối với tôi, bất cứ thứ gì khiến cho mình rung động đều có thể thành tranh cả”, họa sĩ Mộng Bích tâm sự.

Bài và ảnh: QUANG MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/cay-dai-thu-cua-lang-tranh-lua-656280