'Cây cổ thụ' của văn nghệ sĩ tỉnh Bình Phước

Mặc dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Kình vẫn chưa hề nghỉ bước trên con đường sáng tác của mình. Mỗi đợt được đến các đồn Biên phòng, ông không quản ngại đường xa, dốc cao, cùng các cán bộ, chiến sĩ đi thăm cột mốc, đường biên và gặp gỡ người dân trên biên giới, để từ đó cho ra đời những tác phẩm tâm huyết.

Họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Kình (thứ 4 từ trái sang) cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Thiện tại cột mốc biên giới. Ảnh: Duy Hiến

Họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Kình (thứ 4 từ trái sang) cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Thiện tại cột mốc biên giới. Ảnh: Duy Hiến

Họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Kình (ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) đã có nhiều chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh. Nhưng sâu đậm nhất là những chuyến đi thực tế tại các đơn vị Biên phòng ở Bình Phước. Qua mỗi chuyến đi trải nghiệm ở biên giới, ông đều có tác phẩm gửi Tạp chí Văn nghệ Bình Phước đạt yêu cầu chất lượng. Những bài thơ, tranh vẽ của ông về người lính Biên phòng trên đường biên, nơi cột mốc chủ quyền thường mang lại cảm xúc khó quên với người đọc, người xem. Lời thơ mộc mạc, chân tình và tranh vẽ của ông bình dị vậy nhưng thắm đượm tình người, tình yêu biên giới, tình yêu quê hương đất nước. Rất muốn được đến các đồn Biên phòng nên ông không ngại đường xa, khó khăn qua từng đoạn đường bị sạt lở do mưa lũ. Ông đi khỏe và hào hứng theo bước chân các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đến từng cụm dân cư trên địa bàn biên giới để trao quà, tặng gạo cho các gia đình nghèo khó...

Họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Kình tâm sự: “Xây dựng nền biên phòng toàn dân là chủ trương vô cùng quan trọng của Đảng, Nhà nước và quân đội ta. Những hình ảnh tôi ghi được về việc làm của những người lính mang quân hàm xanh chăm lo giúp đỡ đồng bào như làm nhà, làm đường, tặng bò, dê cho người dân phát triển kinh tế, tặng gạo, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học đã gợi lên trong tôi cảm xúc sáng tác họa và thơ...”.

Đúc kết cảm xúc của một cựu chiến binh từng đi qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, những sáng tác của họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Kình phần nhiều về đề tài “Bộ đội Cụ Hồ”. Đặc biệt, ông sáng tác nhiều về người lính Biên phòng. “Tự hào thay anh là lính đường biên/ Bên cột mốc in dáng hình Tổ quốc/ Khối bê tông mà hôm nay có được/ Là máu xương nung đúc tạo nên hình/ Bao nhiêu người bao thế hệ hy sinh/ Cho biên giới yên bình cây trĩu quả/ Từng tấc đất nảy mầm xanh màu lá/ Công các anh người chiến sĩ Biên phòng/ Chốn địa đầu ngày nắng cháy đá cong/ Đêm giữ chốt gió cào sương buốt phủ/ Cột mốc địa đầu ngày đêm canh giữ/ Máu ông cha đã thấm đỏ đất này/ Biên giới màu cờ Tổ quốc là đây/ Anh lính chốt quyết giữ yên bờ cõi/ Dù nắng gió hay mưa nguồn bão nổi/ Quyết một lòng gìn giữ đất quê hương (Cột mốc đường biên).

Ngoài ra, ông còn có nhiều bài thơ hay viết về người lính mang quân hàm xanh, như: “Hoa biên giới”, “Nụ cười biên giới”, “Đất quê hương”... “Tháng Mười về dã quỳ chen chật lối/ Nghe hương thơm dịu nhẹ bước quân hành/ Rừng biên cương đẹp sắc áo màu xanh/ Yêu người lính Biên phòng... Yêu đến thế/ Dã quỳ thơm hương nồng ơi khó kể/ Dọc đường biên hoa nở kín đại ngàn/ Lính Biên phòng lắm vất vả gian nan/ Khi phẳng lặng lại dày thêm nỗi nhớ/ Yêu thương nhiều lớn lên từ cách trở/ Lắm xa xôi tình nghĩa thêm gần/ Vượt núi rừng thêm rắn bước hành quân/ Gian khó lắm quân dân càng gắn bó/ Dã quỳ vùng biên tỏa hương trong gió/ Gọi yêu thương tình anh lính Biên phòng/ Đi bên hoa lòng ao ước chớ mong/ Hoa biên giới bốn mùa hương thơm ngát (Hoa biên giới).

Bước vào tuổi 84, họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Kình không còn đi thực tế tại các đơn vị Biên phòng nữa, do tuổi đã cao, sức khỏe yếu. Tuy vậy, ông vẫn không ngừng sáng tác với những chủ đề mà ông chắt lọc, đặc biệt là hình ảnh chiến sĩ Biên phòng không bao giờ phai nhạt trong ông. Những ngày này, tôi đến thăm ông khi bức tranh ông vẽ “Người lính nuôi quân” ở Đồn Biên phòng Đắc Quýt (nay là Đồn Biên phòng Phước Thiện) còn dang dở. Còn 2 bức tranh sơn dầu “Cõng em đến lớp” và “Chốt biên giới” ông đã vẽ xong, chuẩn bị tham gia Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về “truyền thống 75 năm lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước”. Nhìn kỹ những bức tranh ông vẽ, tôi bồi hồi xúc động liên tưởng đến những hành động cao cả vì nhân dân phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng.

Ông chậm rãi giới thiệu với tôi về nội dung các bức tranh vẽ khiến tôi nao lòng. Nói về bức tranh “Cõng em đến lớp”, họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Kình cho biết: “Cha mẹ đi rẫy, cháu ở nhà không có ai đưa đến lớp. Nhà cuối ấp, đường cũng xa lớp, vả lại trời vừa mới mưa xong, đường trơn trượt, anh cán bộ Biên phòng đến tận nhà cõng em đi học. Hình ảnh này được lặp lại nhiều lần và in đậm trong kỷ niệm của tôi khi đến Đồn Biên phòng Chiu Riu. Tôi vẽ bức tranh này bằng cả nỗi niềm cảm xúc thương yêu và khâm phục các anh - người lính mang quân hàm xanh”.

Còn bức tranh “Chốt biên giới”, ông nói: “Chốt biên giới này là của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh. Các chiến sĩ cắm chốt giữa rừng ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh qua các đường mòn, lối mở trên biên giới. Chốt biên giới giữa rừng già gặp mưa to, gió lớn, những bữa cơm của các cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng hết sức vất vả, gian nan. Củi lửa đều bị ướt do nước mưa hắt vào”. Quả thật, tôi soi kỹ vào bức tranh, 2 chiến sĩ cùng nhóm bếp lửa. Bức tranh đã nói lên tất cả nỗi vất vả cũng như nỗ lực khắc phục khó khăn của người lính Biên phòng.

Họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Kình hiện là hội viên Chi hội Mỹ thuật, đồng thời là hội viên Chi hội Văn học và Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Bình Phước. Hiếm có một nghệ sĩ nào “sở hữu” cả ba lĩnh vực thuần thục đến như vậy. Ông đi thực tế sáng tác lúc nào cũng mang theo “đồ nghề” đầy đủ, như máy ảnh, bút, giấy tập, viết chì, cọ, bột sơn dầu... Trong các cuộc thi sáng tác văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh trong tỉnh, cũng như khu vực miền Đông Nam bộ, ông đều tham gia và đoạt giải. Ông được xem như “cây cổ thụ” của làng văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Phước.

Duy Hiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cay-co-thu-cua-van-nghe-si-tinh-binh-phuoc-post435860.html