Cây cổ thụ của những điệu Xoan

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải bước ra đón khách với hai chiếc gậy chống hai bên tay. Dù thời gian đã dần dần lấy đi sức khỏe của cụ, song không thể làm nguôi tình yêu với Xoan của người nghệ nhân.

Cháu nhà tông, quyết theo nghiệp tổ

Truyền thuyết về sự ra đời của hát Xoan, theo những phường Xoan ở Phú Thọ, có từ thuở Vua Hùng đi tìm đất để dựng kinh đô. Dọc đường thiên lý, anh em vua dừng chân ở vùng có bốn thôn: An Thái, Thét, Kim Đới và Phù Đức... Thấy trẻ con đùa hát đồng dao vui chơi, vua sai tùy tùng gọi bọn trẻ đến hát cho vua nghe, vua rất thích và dạy bọn trẻ những bài hát mà vua nghĩ ra. Sau cả bốn làng đều truyền nhau những điệu hát do Vua Hùng dạy. Điệu hát múa được trình diễn vào mùa xuân nên gọi là hát Xuân, nhưng để tránh tên húy của hoàng hậu nên đổi thành hát Xoan. Làn điệu Xoan cổ trải qua bao thăng trầm lịch sử vẫn được người dân nơi đây bảo tồn.

Ở tuổi 90 xưa nay hiếm, phong thái quý phái, phúc hậu của nghệ nhân Nguyễn Thị Hải vẫn khiến người đối diện trầm trồ. Cụ khoác chiếc áo nhung tím, váy dài chấm mắt cá chân, đầu chít khăn gấm đen tuyền. Đôi mắt cụ bỗng ánh lên khi sống lại với những ký ức về thời vàng son làm đào Xoan.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải truyền dạy hát Xoan cho nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch. Ảnh: Việt Thắng

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải truyền dạy hát Xoan cho nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch. Ảnh: Việt Thắng

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải vốn là cháu nội của trùm Xoan Nguyễn Văn Nhuận. Sinh ra trong nhà tông nên ngay từ lúc tóc còn để chỏm, cụ đã hát được khá nhiều câu Xoan. Ngày ấy, những buổi chiều rảnh, ông nội thường hát từng câu, múa từng nhịp để bé Hải học theo. Vui nhất là vào mỗi dịp luyện Xoan, các đào, kép đến nhà trùm Nhuận múa hát nô nức, cô bé nhà gia chủ cũng bắt chước tay múa chân đưa, miệng hát cùng vũ điệu Xoan. Tài năng phát lộ sớm nên vừa mới 12 tuổi má đỏ môi hồng, Nguyễn Thị Hải đã cùng múa hát với các thiếu nữ đào Xoan. Từ ấy, hát Xoan trở thành người bạn tri kỷ của nghệ nhân Hải. Ban ngày ở nhà trông em, Hải đã đem tiếng hát ngân nga để ru bé vào giấc ngủ. Tối đến, Hải được hòa quyện mình trong làn điệu Xoan cùng với các đào, kép trong phường. Mỗi năm hát Xoan có ba cuộc hội ngộ, Hải lại theo phường Xoan xúng xính áo đào đi múa ca. Hát Xoan đã đi sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của cụ từ ngày ấy.

Cụ Hải cho biết, trong gia đình còn có mẹ và các chú theo phường Xoan. Thế nên người hát, người cổ vũ làm cho chất Xoan của cụ thêm đượm, thêm nồng nàn. Xoan như chiếc áo ấm áp choàng vào cuộc sống của cụ, lúc gánh nước ở giếng làng, làm ruộng trên đồng, từ trong nhà ra ngoài ngõ, cụ đều ngân nga khúc hát. Cuộc sống của cụ Hải đã trải qua bao thăng trầm, lúc làm vợ lẽ người ta, khi gặp chiến tranh bom rơi đạn nổ, song chẳng thể làm cho câu Xoan trên môi cụ đứt đoạn. Cụ vẫn yêu Xoan, hát Xoan không cần toan tính. Hát Xoan với cụ không chỉ là giữ nghiệp của tổ tông, mà còn là niềm vui của đời người.

Bậc thầy của các nghệ nhân hát Xoan

Khi đã thành thạo các làn điệu của Xoan, nghệ nhân Nguyễn Thị Hải có rất nhiều trò theo học. Cụ Hải chia sẻ, dạy cách hát Xoan theo lối truyền khẩu. Cụ hát, múa từng lời Xoan để trò thưởng thức, hát theo, rồi lại cùng hát với các trò. Cụ bảo, trong lúc tập luyện cần giữ được không khí nghiêm túc mà vui vẻ thì sẽ dễ nắm bắt. Cụ Hải cho biết: "Khoảng một năm đầu tập hát Xoan sẽ hơi khó, nhưng sau đã thành thục rồi thì học làn điệu nào cũng rất nhanh. Cứ giữ khúc Xoan ngân nga trên môi thì chẳng biết sẽ thuộc tự lúc nào".

Cụ Hải truyền dạy cho học trò những làn điệu Xoan cổ, nguyên bản theo như tổ tông truyền lại. Cứ thế, mạch ngầm Xoan cổ chảy mãi cùng các thế hệ học trò của cụ. Đến nay, lớp trò đầu tiên của cụ Hải như Nguyễn Thị Bẩm, Nguyễn Thị Mót, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Hội... đều đã được phong tặng Nghệ nhân hát Xoan. Cụ Nguyễn Thị Hải đã trở thành bậc thầy của các nghệ nhân hát Xoan hiện nay.

Suốt cuộc đời mình, cụ Hải chẳng còn nhớ nổi đã dạy được bao nhiêu học trò nữa. Cái mà cụ giữ lại được cho mình là niềm tự hào đã góp công bảo tồn được những điệu Xoan cổ để các giá trị của Xoan lan tỏa tới thế hệ sau. Dù hiện nay không còn sức để trực tiếp đứng lớp, truyền dạy hát Xoan, song những ai nhiệt tâm với hát Xoan cần học, cụ vẫn sẵn sàng dạy bảo. Nghệ nhân Nguyễn Thị Mót, học trò lâu năm và cũng là em gái của cụ Hải chia sẻ: "Chị Hải đã được ông nội tôi truyền cho cách hát các điệu Xoan cổ. Chị lại tận tâm truyền dạy lại cho tôi và nhiều người khác nữa. Càng nhiều người chung tay giữ nhịp hát Xoan càng khiến chị tôi cảm thấy hạnh phúc".

Còn nghệ nhân Nguyễn Thị Liên, học trò thế hệ đầu của cụ Hải cho biết: "Nghệ nhân Hải có giọng hát mềm mại, truyền cảm. Cụ Hải rất sáng tạo trong các cách hát đúm, hát đưa. Nhờ nghệ nhân Hải truyền dạy cho những điệu Xoan cổ mà chúng tôi đã giữ được hình ảnh đẹp đẽ về Xoan trong tâm hồn mình".

Vẫn còn mãi khúc ca Xoan

Giờ đây, tuổi cao, mắt mờ, chân yếu, cụ không đi biểu diễn được nữa, song câu Xoan vẫn thường trực trên môi. Xoan trở thành người bạn tâm tình tuổi già của cụ. Anh Nguyễn Tất Thành, con trai thứ của cụ Hải cho biết: "Cụ đi đứng phải chống bằng hai gậy, chứ lúc về giường là hát Xoan say sưa lắm".

Dẫu cho chất giọng đã trầm và nhỏ lại song vẫn tròn trịa, rõ tiếng, tôi đã được nghe nghệ nhân Nguyễn Thị Hải cất lên đôi làn điệu Xoan cổ: "Mồng 10 trong hội tháng 3. Hội là kỷ niệm vua cha nước nhà. Sông sâu một dải ngân hà. Núi kia cao ngất gọi là Hùng Vương". Tôi yêu mến làm sao cái chất giọng hát Xoan êm ái, nhẹ nhàng mà lắng sâu của cụ. Giọng hát ấy dìu dặt đưa ta trở về miền ký ức xa xôi rồi lại kết nối tới hiện tại. Bàn tay cụ vẫn mềm mại uốn lượn theo làn điệu.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải tâm đắc về sự tinh diệu trong các điệu múa qua ba chặng Xoan. Cụ đưa tay múa vài điệu rồi bảo: "Này nhé, ở chặng hát lễ, điệu chắp tay vái vua biểu lộ lòng thành tâm dâng tổ nơi cửa đình. Trong các Quả Cách thường có điệu múa đưa đôi tay sang từng phía rồi đổi bên như nhịp đong đưa bắt theo tiết tấu của lời ca. Còn ở phần hội, điệu múa giang rộng đôi tay giống cánh chim tung tăng giữa bầu trời tự do lại rất hợp với khoảng không rộng trước sân đình".

Nhâm nhi ngụm nước chè, cụ Hải thốt lên đầy cảm xúc: "Xoan hay Xoan đẹp lắm!". Những lời ca Xoan hát thờ rất thành kính, nghiêm trang; lời hát hội lại nô nức, sống động; còn các Quả Cách thì gần gũi với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của con người. "Từ lời ca đến điệu múa của Xoan đều rất mộc mạc mà sâu nghĩa. Xoan rất hay, rất hợp với sâu thẳm tâm hồn tôi!" - Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải đúc kết.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải, sinh năm 1926, ở khu 6, thôn An Thái, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì. Là đào trong phường Xoan An Thái, cụ đã có công truyền dạy làn điệu Xoan cổ cho nhiều thế hệ học trò, trong đó có nhiều người đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan.

Chiều muộn tĩnh lặng trên vùng trung du, tiếng Xoan sóng sánh muốn níu chân người lữ khách lại. Tạm biệt nghệ nhân Nguyễn Thị Hải cùng vùng đất Xoan cổ Phượng Lâu, những câu Xoan mò cá vui vẻ, nồng thắm và da diết: "Đánh cá bóng giăng, đôi ta đánh cá bóng giăng, cá thời chẳng được dung dăng bắt đào. Đôi ta mò cá đầm đăng, cá thời không được tung tăng mò đào..." vẫn đang văng vẳng trong tôi.

Đỗ Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cay-co-thu-cua-nhung-dieu-xoan/