Cây chuối 'biên phòng' ở vùng biên

Hơn 10 năm về trước, xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có hơn 70% hộ gia đình thuộc diện nghèo, nhiều thôn bản 'trắng' về tổ chức cơ sở đảng; tình hình an ninh chính trị có nhiều diễn biến phức tạp.

Được điều động về tăng cường làm cán bộ xã, Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung, nhân viên Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Huổi Luông đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra những giải pháp nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự khởi sắc ở vùng đất biên giới.

Đưa cây chuối “đuổi” đói nghèo

5 giờ sáng, cũng là lúc Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông rời khỏi ngôi nhà ở trung tâm xã chạy bộ xuống các bản làng lân cận. Nghe người dân địa phương nói, cán bộ biên phòng đã duy trì thói quen này từ khi về nhận công tác ở xã. Khi được hỏi, anh Dung chia sẻ: “Buổi sáng hằng ngày, tôi vừa chạy thể dục và quan sát nhịp sống của nhân dân trên địa bàn”. Mặt trời lên, trung tâm xã biên giới Huổi Luông khá nhộn nhịp, người dân đồng bào dân tộc Hà Nhì, Dao, Mông… từ các bản làng vùng cao liên tục sử dụng xe máy chở chuối về nhập cho thương lái. Xe tải nối đuôi nhau chờ nhận chuối để xuất sang Trung Quốc. Ở xã biên giới này, từ thửa đất ven đường đến những sườn đồi dốc đều thấy màu xanh của cây chuối. Chúng tôi gặp ông Trang A Xà, dân tộc Hà Nhì ở bản Huổi Luông, một trong những người giàu lên nhờ trồng chuối thì được chia sẻ: “Năm 2009, khi chú Dung mới về xã nhận công tác đã động viên gia đình tôi trồng thí điểm cây chuối trên đất rẫy. Ban đầu, tôi cũng rất ái ngại vì chưa ai làm. Nhưng cán bộ biên phòng quả quyết nếu thua lỗ sẽ lấy tiền lương để mua gạo nuôi cả gia đình, thế nên tôi mới dám nhận lời. Thời gian đó, gần như ngày nào chú ấy cũng có mặt cùng gia đình tôi trồng, chăm sóc loại cây mới. Sau một năm, gia đình tôi thắng lớn vụ chuối đầu tiên mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng. Sau đó, tôi chia sẻ cây giống, kinh nghiệm để nhân dân trong vùng cùng làm theo. Bà con ở đây gọi “cây chuối biên phòng” là vì thế”.

 Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông trao đổi với bà con nhân dân địa phương.

Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông trao đổi với bà con nhân dân địa phương.

Tôi đem câu chuyện “cây chuối biên phòng” được người dân kể đến hỏi Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung. Bên ly trà buổi sáng, anh kể về vùng đất mà anh coi là quê hương thứ hai của mình. Năm đó, khi anh được tăng cường về xã, Huổi Luông mới tách ra từ huyện Sìn Hồ để sáp nhập về huyện Phong Thổ với hơn 70% gia đình thuộc diện hộ nghèo. Đồng bào các dân tộc Hà Nhì, Dao, Mông định cư trên địa bàn vốn chỉ quen với việc trồng lúa, trồng sắn trên nương rẫy dốc. Vì thế, gia đình nào giỏi cũng chỉ đủ ăn. Không chỉ hạn chế về phát triển kinh tế, hệ thống chính trị tại địa phương còn nhiều yếu kém, nhiều bản làng chưa có tổ chức đảng, có hiện tượng mất đoàn kết giữa các dân tộc.

Điều đó khiến Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung không khỏi trăn trở, nhiều đêm thao thức tìm cách gỡ khó, quyết tâm nâng cao đời sống nhân dân. “Trong một đêm khuya, tôi chợt nhớ khi tuần tra biên giới có nhìn thấy nhân dân ở các bản giáp biên phía Trung Quốc trồng chuối tươi tốt, sai quả. Nghĩ hai vùng đất gần nhau, bạn làm được chắc đồng bào mình cũng làm được. Vốn quen thân từ lâu, tôi đã vận động gia đình ông Trang A Xà trồng thí điểm trên rẫy. Rồi động viên ông Xà liên hệ với bà con ở bản giáp biên phía Trung Quốc để xin cây chuối giống về trồng. Không ngờ, loại cây này hợp khí hậu, thổ nhưỡng, ngay năm đầu tiên đã cho năng suất rất cao, tiểu thương tìm đến thu mua tại rẫy”, anh Dung nhớ lại. Thấy gia đình ông Trang A Xà trồng chuối bán mua được xe máy, ti vi, các hộ dân tộc Hà Nhì trong bản Huổi Luông cũng học theo để làm. Còn dân bản lại thấy cán bộ biên phòng tăng cường xã Huổi Luông tìm đến các bản cao, xa trung tâm xã để tiếp tục vận động, chỉ cho đồng bào dân tộc Mông, Dao tiếp tục trồng chuối. Diện tích trồng chuối được mở rộng lên 300ha-500ha, rồi hơn 1.000ha đã nhanh chóng đẩy tỷ lệ hộ nghèo của xã biên giới giảm nhanh. Hiện nay, xã Huổi Luông chỉ còn dưới 10% hộ gia đình thuộc diện nghèo, thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/ người/ năm.

Nghị quyết phát triển đảng viên

Cây chuối được trồng rộng rãi, phát huy hiệu quả, góp phần rất quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương. Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung đã cùng Đảng ủy xã Huổi Luông tiếp tục bước vào nhiệm vụ mới: Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị tại cơ sở. Để hoàn thành được mục tiêu đó, Đảng ủy xã Huổi Luông xây dựng, ban hành nghị quyết phát triển đảng viên, xóa bỏ tình trạng “trắng” đảng viên ở các thôn, bản. “Thời điểm đó, rất nhiều cán bộ, công chức làm việc tại UBND xã chưa phải đảng viên; nhiều thôn bản chưa có đảng viên, tổ chức đảng. Đội ngũ đảng viên ít, năng lực hạn chế nên việc triển khai chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương đến với nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Từ đó, chúng tôi xác định phải bồi dưỡng phát triển đội ngũ đảng viên đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng”, Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung khẳng định.

Sự thẳng thắn, tận tâm, gương mẫu trong công tác của Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung cùng với nghị quyết về phát triển đảng viên được triển khai đã thổi luồng gió mới vào tinh thần đoàn kết, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức xã biên giới. Nhiều nhân tố trẻ công tác tại các ban, ngành, đoàn thể của xã đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện và trở thành đảng viên, tận tụy phục vụ nhân dân. Sức chiến đấu của chi bộ cơ quan được nâng lên, Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung lại lặn lội về các bản làng để tìm hiểu, bồi dưỡng phát triển đảng viên tại cơ sở với mục tiêu xóa bản “trắng” đảng viên. Anh Dung nhớ lại những ngày đó: “Qua thực tế bám địa bàn, tôi nhận thấy quần chúng nhân dân ở các bản chưa có tổ chức đảng đều rất tốt. Tuy nhiên, suy nghĩ về vai trò của một đảng viên với họ rất đơn giản. Nhiều người nhiệt tình trong công tác xã hội, có chí hướng lại không đủ tiêu chí để trở thành đảng viên. Cùng với việc bồi dưỡng quần chúng ưu tú, chúng tôi cũng đề nghị với cấp trên điều chỉnh một số tiêu chí phù hợp với phát triển đảng ở địa phương. Chỉ sau hai năm triển khai, tất cả thôn, bản trên địa bàn xã đều có tổ chức đảng”. Đến nay, mỗi năm Đảng bộ xã Huổi Luông đều vượt chỉ tiêu đề ra về phát triển đảng viên mới. Toàn xã cũng đã thành lập, duy trì 17 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, 21 tổ hòa giải, địa bàn bảo đảm an toàn về mọi mặt. Sự gương mẫu, sâu sát, quyết liệt của Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung, Bí thư Đảng ủy cùng với tinh thần đoàn kết thống nhất của chính quyền, nhân dân xã Huổi Luông đang hoàn thành những chỉ tiêu cuối cùng để về đích nông thôn mới.

Nói về sự đóng góp của Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung đối với địa phương, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Thổ (Lai Châu) khẳng định: “Trong nhiều năm qua, đồng chí Lê Văn Dung luôn phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tham mưu, điều hành tại địa phương. Bí thư Đảng ủy xã, cán bộ biên phòng Lê Văn Dung đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự khởi sắc kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị tại xã biên giới Huổi Luông”.

“Gia đình tôi ở Thái Bình, mỗi năm chỉ về thăm vợ con một vài lần, mỗi chuyến về quê lâu nhất cũng chỉ 5-7 ngày, phần lớn thời gian đều gắn bó với bà con, nhân dân địa phương. Mặc áo lính làm việc chính quyền cũng vất vả lắm nhưng thấy đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây khởi sắc cũng phần nào được an ủi”, Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung chia sẻ.

Bài và ảnh: VIẾT LAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/cay-chuoi-bien-phong-o-vung-bien-613698