Cây chay cho những vị thuốc quý

Cây chay (Artocarpus tonkinensis A. Chev.), họ Dâu tằm (Moraceae). Cây chay phổ biến ở một số tỉnh miền Bắc nên còn gọi chay Bắc Bộ.

Cây chay (Artocarpus tonkinensis A. Chev.), họ Dâu tằm (Moraceae). Cây chay phổ biến ở một số tỉnh miền Bắc nên còn gọi chay Bắc Bộ. Quả và rễ cây chay để ăn và làm thuốc. Quả chay chín vị ngọt, hơi chua, ăn ngon và bổ. Rễ chay có phần thịt vỏ, mềm, màu nâu hồng, phần ruột màu trắng, vị chát se, hơi ngọt. Nhân dân thường dùng chay để ăn trầu, tạo vị thơm chát và tăng màu đỏ đẹp của nước trầu. Lá chay còn được dùng làm thuốc chữa tê thấp.

Về thành phần hóa học, quả chay xanh chứa các hợp chất saponin steroid alkaloid: solasodin và solasonin. Dịch quả chay chứa dimethyl nitrosamin. Lá chứa nhiều protein và canxi. Vỏ thân chay chứa các hợp chất stilben, flavonoid: Catechin, afzlectin 3-O- α-L-rhamnopyranosid,… Vỏ rễ chứa các hợp chấttanin, polyphenol... Về tác dụng sinh học, dịch chiết toàn phần từ lá cây chay có tác dụng ức chế miễn dịch trên động vật thực nghiệm, ức chế biểu hiện của một số gene liên quan đến quá trình ung thư tủy xương. Cao chiết lá chay chống viêm, làm giảm quá trình thải ghép trong cơ thể. Ngoài ra còn tác dụng lên gene điều chỉnh bệnh viêm khớp dạng thấp. Flavonoid của lá chay có tác dụng kìm hãm tăng sinh tế bào ung thư tủy xương.

Quả chay chín để ăn tươi hoặc nấu canh chua, hoặc khi quả còn ương (sắp chín), bổ ra, phơi khô, hoặc sấy khô, để dùng dần. Cũng có thể dùng 5 - 7 quả đem ép lấy dịch uống tươi; hoặc có thể dùng quả khô 20g/ngày, sắc uống. Quả chay có vị chua, tính bình, có tác dụng kích thích tiêu hóa, tác dụng thu liễm (săn da), dùng trị ho do phế nhiệt, ho ra máu, đau họng, nôn ra máu, chảy máu cam, hoặc trường hợp dạ dày thiếu acid.

Trị bệnh tê thấp, đau lưng, mỏi gối: lá và rễ chay, mỗi thứ 30g, thổ phục linh 15g, thiên niên kiện 12g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần trước bữa ăn 2 giờ.

Lá chay trị bệnh nhược cơ, một bệnh tự miễn, liên quan đến trương lực các cơ trong cơ thể.

Rong kinh, bạch đới: rễ chay, rễ cỏ tranh, mỗi vị 40g/ngày. Sắc uống, trước bữa ăn 2 giờ, ngày uống 2 lần.

Đau răng, lợi: rễ chay 40g, sắc đặc, ngậm nhiều lần trong ngày.

Ngoài cây chay Bắc Bộ nói trên, còn có một loài cây chay khác (Artocarpus lakoocha Roxb.), cùng họ dâu tằm (Moraceae), mọc ở Lào Cai, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh (Thảo cẩm viên). Quả chứa các hợp chất polyphenol. Vỏ thân chứa lupeol, β - amyrin. Ở nước ngoài, dùng hạt cây chay này làm thuốc xổ, hoặc thuốc trị giun kim, giun đũa. Vỏ thân cây làm bột đắp vết thương để hút mủ, hoặc đắp trị mụn nhọt, lở ngứa.

GS.TS. PHẠM XUÂN SINH

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cay-chay-cho-nhung-vi-thuoc-quy-n138596.html