Cây cầu nối hai miền di sản

Quê ở Hải Dương nhưng làm việc ở Quảng Ninh nên tôi thường xuyên qua lại giữa hai tỉnh này. Giờ đây, đường sá đi lại giữa hai tỉnh vô cùng thuận lợi. Tuy nhiên còn có một sự kết nối khác mà tôi thấy rất gần gũi, đó là cây cầu văn hóa, khiến cho tôi thấy Quảng Ninh và Hải Dương dường như không có sự ngăn cách nào.

Kết nối giao thông

Cầu Đông Mai nối Đông Triều với Chí Linh (tỉnh Hải Dương).

Cầu Đông Mai nối Đông Triều với Chí Linh (tỉnh Hải Dương).

Phía Bắc và Đông Bắc của thành phố Chí Linh là vùng đồi núi thuộc cánh cung Đông Triều, ba mặt còn lại được bao bọc bởi sông Kinh Thầy, sông Thái Bình và sông Đông Mai. Cánh cung Đông Triều là một trong bốn cánh cung ở miền Bắc Việt Nam, gồm có nhiều dãy núi đan xen và kế tiếp nhau từ Chí Linh qua Quảng Ninh.

Trong đó có dãy Yên Tử kéo dài từ thành phố Uông Bí đến tận thành phố Chí Linh. Đỉnh núi Yên Tử có hình dáng như đầu rồng còn Côn Sơn như cái đuôi rồng xòe ra. Núi Yên Tử là núi tổ vì từ đây tỏa ra các nhánh như: Núi Ngọc, núi Thanh Long, Bạch Hổ... Phía Tây của Yên Tử là đất của các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang.

Xưa nay, người ta quen giới thiệu Ngọa Vân thuộc núi Bảo Đài, Côn Sơn nằm dưới chân núi Kỳ Lân, chùa Thanh Mai trên sườn núi Phật Tích nay gọi là núi Tam Bảo. Thực chất, Bảo Đài, Kỳ Lân và Phật Tích đều thuộc dãy Yên Tử. Như thế, Yên Tử là một thực thể thống nhất không phân chia địa giới hành chính qua các thời kỳ lịch sử.

Núi non trùng điệp của dãy Yên Tử xưa kia có thể ngăn trở bước đi của tiền nhân. Từ Yên Tử đến Ngọa Vân, các thiền sư đi dễ mất cả vài ngày, nếu về Thăng Long thì mất đến cả tuần. Nhưng cũng chính lịch sử đã kéo những địa danh kể trên xích lại gần nhau hơn. Quan quân nhà Trần đã lấy lim ở Yên Tử cắm xuống sông Bạch Đằng để đánh giặc. Còn Kiếp Bạc, cửa Lục Đầu giang thì như một chốt chặn đường thủy tiếp theo ngăn cho quân xâm lược không thể tiến sâu vào được kinh thành.

Khách qua đò Đông Mai. Ảnh chụp năm 2019.

Đấy là chuyện cũ kể lại, còn bây giờ sự kết nối đã thuận tiện hơn xưa rất nhiều nhờ có những công trình giao thông. Trước đây, từ Đông Triều muốn về quê, tôi đi qua cầu Vàng Chua nối xã Bình Dương với phường Hoàng Tiến (TP Chí Linh). Nếu muốn nhanh hơn và đi bằng xe máy thì tôi qua xã Nguyễn Huệ vượt đò Đông Mai (đò chỉ chở được xe máy).

Bà Nguyễn Thị Nhanh, ở làng Đông Mai, xã Nguyễn Huệ, người đi cùng chuyến đò với tôi kể về tên của con đò: “Đò gọi theo tên đất bên sông và có những 2 cái tên. Bên này Đông Triều gọi là đò Đông Mai, còn bên Chí Linh gọi là đò Văn Đức”.

Nhằm tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận tiện hơn, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai dự án nâng cấp đường và xây dựng cầu Đông Mai từ xã Nguyễn Huệ (TX Đông Triều) sang phường Văn Đức (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) có tổng mức đầu tư là 96,115 tỷ đồng, được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 4 đồng bằng, có chiều dài tuyến là 5,45km. Điểm đầu giao với quốc lộ 18A tại xã Thủy An, TX Đông Triều; điểm cuối đấu nối với đường bê tông xuống bến đò Đông Mai. Kết cấu mặt đường bê tông dày 24cm; mặt đường rộng 8m. Xưa đò chỉ chở được xe máy nay ô tô đã băng qua cầu.

Công trình cầu Đông Mai đi vào hoạt động mở ra một tuyến đường trọng điểm, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội giữa Quảng Ninh và Hải Dương. Giờ đây Văn Đức đã không còn là xã nữa mà lên phường dựa trên sự sáp nhập giữa địa giới hành chính xã Văn Đức cũ với xã Kênh Giang. Còn Đông Triều thì đang hướng tới việc trở thành thành phố cửa ngõ phía Tây của Quảng Ninh.

Cầu đã xây xong, đò không còn nữa. Sự thuận tiện hôm nay càng làm tôi nhớ thương về cái thời gian khó còn chưa xa, thương những con đò. Đò Đông Mai có tự bao giờ, bà Nhanh cũng không nhớ nữa. Bà chỉ biết rằng, khi bà còn tấm bé đã được ông Thùy là người lái đò già chở qua sông. Bà vẫn đi qua đò Đông Mai hằng ngày. Con sông Kênh Giang có người gọi là sông Cây Sắn, thực ra chỉ là đoạn nhỏ hẹp thôi nhưng ngăn cách đôi bờ.

Ông lái đò nhiệt tình đưa khách qua sông. Ảnh chụp năm 2019.

Khi ông Thùy quá già rồi thì con trai ông là Nguyễn Văn Ghi lại kế nghiệp cha làm nghề đưa khách qua sông. Anh Ghi kế nghiệp cha và thừa kế cả cái lòng thơm thảo của đấng sinh thành. Mỗi khách qua sông ông đò chỉ lấy 3 nghìn đồng cho mỗi xe máy nếu có thêm 1 người ngồi sau xe như bà Nhanh thì ông đò lấy 4 nghìn.

Về cái độ nhiệt tình của ông đò thì khỏi phải kể. Ông sẵn sàng đội mưa, đội gió, bất kể sớm trưa chiều tối để đưa khách qua sông. Có khi chỉ mỗi một người khách thôi, ông cũng cho qua.

Xưa kia, đường 2 bên đò gồ ghề đá sỏi. Từ Đông Triều về Sao Đỏ có khi tôi phải đi qua một đoạn đường đất lấm láp vào mùa mưa, bụi mù vào mùa khô. Từ Đông Triều muốn ra Chí Linh, tôi phải đi lòng vòng. Bây giờ đã có cây cầu Đông Mai mới cứng, có con đường trải nhựa thẳng băng chỉ còn 12 cây số đến trung tâm Chí Linh. Khoảng cách được rút ngắn, tiện lợi vô cùng.

Có những cây cầu văn hóa

Khu di tích Côn Sơn (tỉnh Hải Dương).

Sự kết nối về điều kiện tự nhiên, kết nối giao thông sẽ kéo theo sự kết nối về văn hóa. Thực tế, Chí Linh nối dài và cùng với Uông Bí, Đông Triều của Quảng Ninh hợp thành một quần thể di tích liên quan đến nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm. Từ cầu Đông Mai, tôi đi chỉ mấy cây số là đến Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Đó là cả một quần thể di tích nổi tiếng mang dấu ấn một thời hào hùng của dân tộc. Đó là chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền Cao, đền Sinh, đền Hóa, chùa Thanh Mai, đền Gốm, đình Nhân Huệ, nhà cổ Trạng nguyên, nhà cổ Thượng tổ, nhà cổ Tiền ẩn, thành cổ Phao Sơn, vườn cổ Dược Linh, chùa cổ Vân Tiên, tháp Tinh Phi, chùa Sùng Nghiêm v.v.

Chùa Côn Sơn là nơi tu hành và viên tịch của Quốc sư Huyền Quang, vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm. Rồi cũng con đường đó sẽ dẫn lối du khách lên chùa Thanh Mai xây trên núi Tam Ban, nơi trụ trì của Quốc sư Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm và cũng là nơi sư Huyền Quang tu hành 6 năm liền. Trong lộ trình từ Yên Tử về kinh thành Thăng Long của Trúc Lâm tam tổ khi xưa, chùa Côn Sơn và chùa Thanh Mai đóng vai trò là cầu nối đặc biệt quan trọng. Đó cũng là những di tích không thể tách rời, góp phần hình thành Phật giáo Trúc Lâm.

Yên Tử, Ngọa Vân và Côn Sơn đều nằm trên Cánh cung Đông Triều, nơi hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm. Ảnh: Bạch Ngọc Tư.

Ở thành phố Chí Linh còn có chùa cổ Vân Tiên ở thôn Kiệt Đặc, xã Văn An, nơi xưa kia Quốc sư Pháp Loa trụ trì và giảng đạo. Chùa Vân Tiên chỉ là một trong nhiều chùa mà Pháp Loa xây dựng trong suốt 19 năm tu hành.

Liên quan đến chiến công nhà Trần có đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cách đó không xa là đền Gốm (còn gọi là đền Nhân Huệ) nơi thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Đấy là chưa kể đền thờ Chu Văn An, trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi là những vị quan lại nổi tiếng thời Trần. Thời Trần, Côn Sơn, Đông Triều, Yên Tử đều có vị trí chiến lược trên bản đồ quân sự. Những địa danh đó đã kết nối chặt chẽ với nhau hình thành một thế trận để đánh giặc và chiến thắng.

Yên Tử, di tích nhà Trần ở Đông Triều, Côn Sơn - Kiếp Bạc và cả di tích chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) đang soi rọi ánh sáng cho nhau, bổ sung cho nhau trong một chỉnh thể vẹn toàn. Vậy thì chẳng có cớ gì mà con cháu hôm nay không kết nối những miền di sản ấy lại để tôn vinh, nâng tầm giá trị, đưa di sản của cha ông đồng hành với chúng ta trên chặng đường dựng xây và phát triển đất nước.

Ghi chép của Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202009/cay-cau-noi-hai-mien-di-san-2502372/