Cây cầu huyết mạch - không thể mãi vá víu

Đúng là không thể chấp nhận một cây cầu mang tính chất 'huyết mạch', 'cửa ngõ' mà vá víu tạm bợ đến độ 4/8 khe co giãn đang được che tạm bằng thép tấm. Còn mặt đường thì 'như những cái bẫy'.

Hà Nội đã kiên quyết lắc đầu với cầu Thăng Long. Ý rằng phải sửa chữa thì mới nhận bàn giao. Chứ 10.000m2 hư hỏng, tức ngót 40% diện tích vậy là đã “nát tan” rồi chứ không phải chỉ là bong tróc nữa.

Năm 2009, khi Hà Nội bắc cầu dã chiến vượt sông Hồng để “sửa chữa lớn” cầu Thăng Long, có một con số được đưa ra: Có đến 10.500m2 hư hỏng, chiếm ngót 40% diện tích cây cầu chỉ dài hơn 3.000m này. Đến hôm qua, con số ấy gần như không đổi: 10.000 m2 lún, sụt, xuống cấp trong một tình trạng hư hỏng được đánh giá là “nghiêm trọng”. Giữa hai khoảng thời gian, là 3-4 lần sửa chữa chữa với số tiền hàng trăm tỉ đồng.

Số tiền sửa cầu năm 2009 lên tới 97 tỉ đồng. Nhưng “công nghệ Đức SMA” cũng chỉ khiến cây cầu này yên ổn được độ... 3 tháng. Và người HN cũng như những người chót qua cầu Thăng Long hẳn còn nhớ như in phát ngôn của một lãnh đạo Bộ GTVT: Vì lớp thảm mặt cầu Thăng Long áp dụng công nghệ mới, vừa làm vừa thử nghiệm, nên toàn bộ chi phí bỏ ra để sửa chữa mặt cầu xem như khoản tiền dành cho... nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học. Rất đắt đỏ. Và liên tục trong những năm qua, cầu Thăng Long lâu lâu lại sửa, trong khi mặt cầu thì, nói đơn giản- lúc nào cũng như cái bẫy.

18,4 tỉ tạm sửa 2013 chờ “công nghệ Nhật 2016”. Tới 2016 thì lại “bắt tay vào tạm sửa”. Chưa kể “Cứ thỉnh thoảng, vài tháng lại mất 1-2 tỉ đồng, có lúc 5-10 tỉ đồng, để sửa chữa. Hư hỏng, xô đẩy chỗ nào thì làm chỗ đấy, làm sao bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến”- lời quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Đức Thắng tháng 4.2014.

Cứ sau mỗi lần sửa, đều có những khẳng định hùng hồn về chất lượng, về công nghệ, về nọ kia. Và ngay sau khẳng định thì cầu lại hỏng. Và lại “tạm sửa”.

Vấn đề của cầu Thăng Long là dù đã áp dụng “công nghệ Đức”, “Công nghệ Mỹ” nhưng vẫn chưa có đáp án chính xác cho một giải pháp thi công phù hợp.

Đã đành kết cấu mặt cầu Thăng Long là bản thép mang tính đặc thù với thời gian sử dụng cũng gần 35 năm chưa kể tình trạng mật độ phương tiện vừa quá dày đặc vừa quá tải trọng.

Có lẽ, 10 năm cũng là đủ cho sự tạm bợ, từ cách đi tạm, sửa tạm, đầy “vá víu” để tính tới một giải pháp căn cơ, lâu dài hơn. Nói như một chuyên gia cầu đường: Cái lớp trải phía trên không thể chỉ trải và trải như một cách giải ngân nếu như không xem xét những gì phía dưới- không chỉ là kết cấu thép.

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cay-cau-huyet-mach-khong-the-mai-va-viu-625943.ldo