Cây cầu cổ nhất Sài Gòn xuất hiện nhiều vết nứt

Khu vực chân cầu Mống bắc qua kênh Bến Nghé - Tàu Hủ (nối quận 1 với quận 4, TP.HCM) xuất hiện nhiều vết nứt khá lớn.

Vết nứt trên cầu Mống

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, có khoảng 4 vết nứt trên khu vực bậc thềm dẫn lên cầu, tường đá, mặt giáp với đường Bến Vân Đồn (quận 4). Vết nứt dài nhất ước chừng hơn 2m, rộng khoảng 5cm, hở bê tông.

Theo người dân địa phương, lúc đầu chỉ thấy những vết nứt nhỏ và có người đến trét xi măng khắc phục nhưng đến nay những vết nứt đã hở rộng và có nguy cơ lan rộng.

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP.HCM), cho biết đã nắm thông tin sự việc và cử người đi kiểm tra, ghi nhận hiện trạng. Sau khi kiểm tra sẽ ngay lập tức báo cáo kết quả lên Sở GTVT để xin ý kiến chỉ đạo.

Cũng theo ông Ninh, Cầu Mống sau thời gian tạm tháo dỡ để thi công Đại lộ Đông - Tây và đường hầm sông Sài Gòn đã được lắp ghép lại theo nguyên bản và gia cố thêm phần trụ móng kèm trang bị chiếu sáng kỹ thuật. Từ đó đến nay, đơn vị chưa từng ghi nhận sự cố nào.

Nhiều người dân sống khu vực này đặt nghi vấn cống ngăn triều Bến Nghé (thuộc Dự án giải quyết ngập do triều có tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng) đang thi công dưới chân cầu Mống có thể là nguyên nhân tác động, gây ra các vết nứt này.

Là một trong những cây cầu cổ nhất Sài Gòn, cầu Mống hiện đã 123 năm tuổi thọ, do hãng vận tải Hải Dương Messageries Maritimes (Pháp) tiến hành xây dựng từ cuối thế kỷ 19 (hoàn thành trong 1 năm từ 1893 - 1894). Cầu dài 128m, rộng 5,2m, lề bộ hành rộng 0,5m, xây bằng thép kiên cố. Thành cầu uốn cong có những khoảng trống, sơn xanh (ban đầu cầu có nước sơn màu đen). Hình dáng vòng cung giống vòng mống nên người dân gọi tên là cầu Mống. Ngày 19.11.2015, cầu Mống được TP.HCM trao bằng xếp hạng là 1 trong 10 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của TP.

Các vết nứt trên cầu Mống

Tin, ảnh: H.Mai

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/cay-cau-co-nhat-sai-gon-xuat-hien-nhieu-vet-nut-874558.html