'Cây cam ngọt của tôi': Cách nhìn cuộc sống từ con mắt trẻ thơ

'Cây cam ngọt của tôi' xuất bản lần đầu năm 1968 ở Brazil, khi cơn sốt văn chương châu Mỹ Latin đang lan dần ra toàn thế giới.

Bìa cuốn "Cây cam ngọt của tôi"

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ lần đầu tiên cậu bé Zezé bước vào văn chương và ở lại đó cùng với cây cam vừa ngọt ngào vừa đắng chát của mình, độc giả tiếp tục trải qua đủ cung bậc cảm xúc với cuốn tiểu thuyết thành công nhất của nhà văn José Mauro de Vasconcelos (1920 - 1984) – “Cây cam ngọt của tôi”.

Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1968 ở Brazil, khi cơn sốt văn chương châu Mỹ Latin đang lan dần ra toàn thế giới. Ở Việt Nam, “Cây cam ngọt của tôi” lần đầu được xuất bản vào tháng 12/2020 với sự chuyển ngữ của hai dịch giả Nguyễn Bích Lan và Tô Yến Ly đem đến cho độc giả Việt sự hứng khởi, tò mò, nhiều bạn trẻ đã tìm đọc.

“Vị chua chát của cái nghèo hòa trộn với vị ngọt ngào khi khám phá ra những điều khiến cuộc đời này đáng sống… một tác phẩm kinh điển của Brazil”, Booklist đã nhận xét như vậy về cuốn "Cây cam ngọt của tôi". Tác phẩm được tác giả José Mauro tường thuật với giọng văn mang đậm tính tự truyện, thông qua lời kể ngây ngô của cậu bé Zezé nghịch ngợm nhưng già trước tuổi.

Đầu tiên, chúng ta hãy cùng làm quen với cậu bé Zezé tinh nghịch siêu hạng đồng thời cũng đáng yêu bậc nhất, nhưng, mọi người không phải ai cũng công nhận cái sự "đáng yêu" kia của cậu. Bởi lẽ, ở xóm nhỏ nghèo đói đó, nỗi khắc khổ bủa vây đã che mờ mắt người ta trước trái tim thiện lương cùng trí tưởng tượng tuyệt vời của cậu bé năm tuổi.

Một nhóc đáng yêu với những suy nghĩ không khác người trưởng thành là bao. Cậu thấu hiểu và nhận thức được mọi điều xung quanh: hoàn cảnh nghèo khó của gia đình cậu, sự thống khổ của mỗi thành viên dù không ai nói ra, gia đình cậu không còn đứa trẻ con nào cả, tất cả đều đã khôn lớn và rầu rĩ, đang nhấm nháp chung một nỗi buồn vụn vỡ. Và cậu tự nhận thức được mình là đứa con của quỷ, đứa trẻ bị Chúa bỏ quên…

Sở dĩ Zezé nghĩ về bản thân như vậy vì cậu luôn bị mọi người la mắng, thậm chí là đánh đập. Dư vị đắng chát của cái nghèo hòa cùng niềm đau đến từ những hắt hủi, đánh mắng đã tạo nên một bức tranh xót xa về cuộc đời của Zezé, nơi trí tưởng tượng và sự thơ ngây của một cậu bé đã sớm bị thử thách bởi sự khắc nghiệt của cuộc sống. Đối với cậu, “đau đớn không phải là bị một mảnh thủy tinh cứa rách chân phải khâu nhiều mũi ở hiệu thuốc. Đau đớn là thế này đây: toàn bộ trái tim tôi nhức nhối, và tôi phải mang nó xuống mồ.”

Dù vậy nhưng cậu vẫn đối xử rất đỗi nhẹ nhàng với gia đình của mình, đặc biệt là em trai. Tôi thích cái cách mà Zezé đối xử với em trai mình, đầy yêu thương, quý mến và nâng niu. Cậu gọi em trai Lúis của mình là Vua Lúis, dẫn “Vua Lúis” thăm vườn thú, sông Amazon trong trí tưởng tượng của mình. Cậu nhường Lúis món đồ chơi duy nhất trong nhà của mình để dỗ em nín khi hai anh em tới muộn trong lễ phát quà Giáng sinh. Cậu cũng đi đánh giày cả một buổi để lấy tiền mua tặng cha 1 bao thuốc lá làm quà Giáng sinh.

“Cây cam ngọt của tôi”, cách gọi đầy sự trìu mến, dịu dàng. Chừng đó đủ để hiểu Zezé yêu quý cây cam trong trí tưởng tượng của mình thế nào. Đối với cậu, cây cam ngọt ở chính là người bạn thân thiết, “Bạn Yêu” mà cậu có thể thoải mái giận hờn, vui vẻ kể hết chuyện hàng ngày, những chuyện làm cậu buồn, những chuyện khiến cậu hạnh phúc.

José Mauro de Vasconcelos không viết "Cây cam ngọt của tôi" để giáo dục bất kỳ đứa trẻ nào nhưng tác phẩm của ông lại được đưa vào chương trình giáo dục Tiểu học ở Brazil và chuyển thể thành phim.

Thảo Giang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cay-cam-ngot-cua-toi-cach-nhin-cuoc-song-tu-con-mat-tre-tho-d503622.html