Cây bút trẻ dân tộc Tày đầy triển vọng

Nhà báo, nhà văn Nông Quang Khiêm (hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Yên Bái) tuy mới ở tuổi 33, nhưng đã là tác giả của 5 tập sách gồm bút ký, phóng sự, truyện và thơ, như: 'Rừng Pha Mơ yêu dấu', 'Cánh diều tuổi thơ', 'Những ánh sao xanh', 'Trên đỉnh La Pán Tẩn' và gần đây là 'Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải' đều viết về đề tài miền núi. Trong đó, tập thơ 'Rừng Pha Mơ yêu dấu', 'Cánh diều tuổi thơ, 'Những ánh sao xanh' của anh đã được chọn vào số sách Nhà nước tài trợ cho thiếu nhi các trường Trung học cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Nhà văn, nhà báo Nông Quang Khiêm trong chuyến công tác tại Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Ngô Khiêm

Nông Quang Khiêm sinh năm 1984, ở thôn Cà Lồ, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, một miền quê nghèo nhưng giàu bản sắc và thấm đẫm không gian văn hóa dân tộc Tày. Nông Quang Khiêm may mắn sinh ra trong gia đình có ông nội (ông Nông Văn Tư) là người hiểu biết sâu sắc về nguồn cội văn hóa dân gian dân tộc Tày. Lại thêm cả ông ngoại (nhà văn Hoàng Hạc) là người nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết về đất nước, con người các dân tộc miền Tây Bắc.

Đặc biệt, Nông Quang Khiêm lớn lên trong chiếc nôi văn hóa, từ thủa ấu thơ, tâm hồn đã thấm những lời hát ru ngọt ngào, thấm đượm tình nghĩa của người mẹ. Từ những lời ru đi suốt thời thơ ấu, đến những làn điệu hát khắp, hát coọi, hát lượn, hát phong sư, hát pựt... Quang Khiêm đã sớm gửi gắm tâm hồn tuổi thơ, tình yêu thương con người, quê hương làng bản và khát vọng của trẻ em miền núi qua các bài thơ trữ tình, mộc mạc của mình.

Năm 14 tuổi, Quang Khiêm đã viết những bài thơ về người thân, về người hàng xóm bằng tiếng Tày. Sau đó 1 năm, Quang Khiêm đã chính thức ra mắt bạn đọc bài thơ “Trách xuân” giàu chất nhân văn, được in trên Báo Yên Bái. Và từ đó, cái tên Nông Quang Khiêm đã dần trở nên quen thuộc với độc giả Yên Bái ở cả lĩnh vực thơ và truyện ngắn.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên học hết cấp 3, anh phải nghỉ học, xin đi làm tranh đá quý để dành cơ hội đến trường cho 2 em gái. Nhưng chính trong khoảng thời gian này, anh lại sáng tác nhiều hơn và rất nhiều thơ, truyện ngắn dành cho thiếu nhi đã ra đời. Năm 2006, anh quyết định quay về con đường học vấn khi theo học lớp Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Cũng năm 2006, anh được kết nạp vào Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Được học tập dưới mái trường đại học có bề dày thành tích về văn học, lại có điều kiện được tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước nên tình yêu với văn học trong anh ngày càng cháy bỏng.

Năm 2011, tốt nghiệp đại học, anh trở thành phóng viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Vẫn là ngòi bút, trang giấy ấy, nhưng anh được làm quen với nhiều thể loại mới, đặc biệt là ký báo chí. Chàng phóng viên trẻ bắt đầu khám phá, hăng hái đặt chân đến những nơi được gọi là cao và xa nhất ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Lục Yên, Văn Yên, thuộc tỉnh Yên Bái, để tìm hiểu cuộc sống và tích lũy thêm vốn hiểu biết nhiều nền văn hóa của các dân tộc thiểu số anh em.

Nhà văn Nông Quang Khiêm tâm sự: “Cuộc sống, văn hóa dân tộc miền núi luôn là đề tài vô tận để mình khai thác. Làm báo có quá nhiều điều thú vị và ranh giới giữa báo chí với văn cũng thật mỏng manh. Cũng may, trước khi viết báo, mình đã viết văn. Chắc chắn một điều là dù có làm nghề gì, cũng không bao giờ mình từ bỏ nghiệp viết”.

Sức viết trong anh luôn tràn trề, bút lực trong anh luôn dồi dào, vì thế, anh đã kịp “bỏ túi” 5 tập sách, mà điều đặc biệt là 2 tập truyện và 1 tập thơ dành cho thiếu nhi anh sáng tác trước khi về Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Những tập sách ấy đều nhận được giải thưởng lớn của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái cũng như Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam - nơi anh là hội viên.

Năm 2014, Nông Quang Khiêm trở thành Hội viên Hội Nhà báo tỉnh và sau đó 2 năm, anh được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam. Làm báo giúp anh có điều kiện thâm nhập thực tế, được trải nghiệm cuộc sống và đó cũng là cách anh tích lũy tư liệu để viết truyện, làm thơ.

Nhớ lần anh đi viết bài cho số báo Tết, lên Trạm viba 1820 La Pán Tẩn. Trạm đặt trên ngọn núi có độ cao 1.820m so với mực nước biển. Từ chân dốc lên trạm là 5km, con đường quanh co, heo hút giữa rừng thông, không thể đi bằng phương tiện nào khác ngoài đôi chân của chính mình. Biết vậy nhưng anh vẫn cố đi xe máy, chỉ được một đoạn đành phải “cất tạm” xe vào bìa rừng rồi tiếp tục đi bộ, hôm sau mới quay lại lấy xe.

Có một kỷ niệm có lẽ Khiêm không bao giờ quên, đó là lần đi viết bài ở thôn Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Thôn đó có số người nhiễm HIV rất cao. Tối ấy, anh được trò chuyện với 17 người nhiễm HIV, lúc đầu mới đến, anh rất sợ, nhưng khi nghe họ chia sẻ lại thấy đồng cảm, hiểu được nỗi cô đơn của họ khi bị tách khỏi cuộc sống bên ngoài và lại thấy họ thật đáng thương. Sau chuyến đi ấy, anh đã viết một loạt bài báo có hiệu ứng tích cực và đã thực sự “chạm” vào trái tim các nhà hảo tâm đến với nơi đây.

Dù giờ đây, công việc chính của anh là một biên tập viên, nhưng không khi nào anh quên viết truyện, làm thơ. Bởi đó là những tâm sự, những hoài niệm về quá khứ tuổi thơ. Quê hương, gia đình chính là nguồn tư liệu dồi dào, nguồn cảm hứng không bao giờ tắt trong anh.

Nhà văn Nông Quang Khiêm say mê, háo hức viết nhưng rất thầm lặng. Anh đã đi sâu khai thác những khía cạnh cuộc sống của con người vùng cao. Với lối viết giản dị, mộc mạc, những bài thơ, truyện ngắn, bút ký của anh là những câu chuyện rất đời thường, nhưng lại dạt dào cảm xúc mà anh muốn gửi đến người đọc. Dưới ngòi bút của anh, một bức tranh về cuộc sống tươi sáng, tràn đầy hy vọng đã hiện ra, cuộc sống trở nên gần gũi, thân thiện hơn và kéo người đọc trở về với tuổi thơ, yêu thêm những vùng đất và trân trọng hơn người dân lao động.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cay-but-tre-dan-toc-tay-day-trien-vong/