Cây Bông và hành trình 40 năm thoát nghèo

Từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, theo con đường xuyên giữa những tán rừng xanh đi chừng hơn cây số, chúng tôi chạm đất bản Cây Bông, xã Kim Thủy (Lệ Thủy). Buổi sáng, khi màn sương sớm tan dần, sau những cánh rừng trồng trùng điệp, ruộng lúa ngát xanh, bản Cây Bông hiện ra với nhiều ngôi nhà xây kiên cố; ô tô, xe máy đã vào đến bản, người dân trong bản đã làm chủ được cuộc sống của mình…

Những người mở đất, lập bản…

Đón chúng tôi trên con đường vào bản, sau cái bắt tay niềm nở, Trưởng bản Cây Bông Hồ Văn Hương bảo rằng: “Bản Cây Bông miềng được lập 40 năm rồi đó. Mấy năm trở lại đây, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, đường giao thông vào bản đã được bê tông, nhiều công trình dân sinh được nâng cấp, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người dân, giúp bản miềng ngày thêm đổi mới…”.

Vừa đi vừa nói, Trưởng bản Hồ Văn Hương dẫn chúng tôi vào nhà ông Hồ Pan (71 tuổi), một cây “đại thụ” của bản, đồng thời cũng là một trong những người khai khẩn ra vùng đất này. Ông Hồ Pan nguyên là Bí thư, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy những năm 1993-2010, hiện đã nghỉ hưu. Trong ngôi nhà khang trang, Hồ Pan bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về hành trình mở đất, lập bản đầy gian khó.

Một góc bản Cây Bông.

Một góc bản Cây Bông.

Ông Hồ Pan kể rằng: "Những năm 80 của thế kỷ trước, người Bru-Vân Kiều ở đây sống trong những cánh rừng già giữa đại ngàn. Bởi cuộc sống quá cơ cực, những người có uy tín của bản quyết tâm tìm một vùng đất mới để “an cư, lạc nghiệp” và vùng đất này đã được chọn. Mới đầu, bản Cây Bông chỉ có vài hộ sinh sống, như: Hồ Pan, Hồ Bân, Hồ Bòn, Hồ Dũng, Hồ Đàn, Hồ Nan…, về sau nhiều hộ dân khác cũng quyết định rời rừng về sinh sống tại vùng đất này.

Cũng theo ông Hồ Pan, những ngày đầu định cư tại bản, cuộc sống người dân chỉ dựa vào rừng và vài sào lúa rẫy, lúa nước khai khẩn được. Bởi thế, nghèo đói cứ đeo bám mãi người Bru-Vân Kiều ở đây. Năm 1982, khi người Bru-Vân Kiều đã ổn định cuộc sống, Nhà nước đầu tư xây dựng cho bản Cây Bông một con đập để tích nước giúp bà con phát triển nông nghiệp. Từ khi có đập, người dân ở đây đã mạnh dạn trồng lúa nước để bảo đảm lương thực và nhận đất trồng rừng, phát triển chăn nuôi gia súc.

Câu chuyện với ông Hồ Pan bắt đầu trở nên sôi nổi khi ông háo hức kể về hành trình thoát khỏi đói nghèo của gia đình ông từ những năm tháng ở giữa rừng già xa xôi đến bản Cây Bông hôm nay. Ông tâm sự, ông là người sinh ra và lớn lên trên dãy Trường Sơn, gò bó bởi những hủ tục lạc hậu. Hơn nữa, đồng bào Bru-Vân Kiều với tập quán sản xuất "chặt, đốt, cốt, trỉa" nên đời sống gặp nhiều khó khăn.

Những “rào cản” ấy đã thôi thúc ông phải là người đi “tiên phong” xóa đói nghèo ở bản Cây Bông. Nghĩ là làm, vốn liếng bao năm tích góp, Hồ Pan mạnh dạn mua bò về chăn nuôi. Ông nghĩ, về lâu dài phải trồng được rừng tốt, trồng được lúa nước, thế mới giàu lên được... Thấm thoắt đã 40 năm trôi qua, Hồ Pan nay có một cơ ngơi khá vững chắc gồm hơn 4ha rừng, nuôi 9 con bò, đào ao thả cá, làm được hơn 10 sào lúa…

Rời nhà ông Hồ Pan, chúng tôi lại đi ngược ra bản, ghé vào nhà ông Hồ Văn Nan và bà Hồ Thị Mai. Theo giới thiệu của Trưởng bản Hồ Văn Hương, đây là gia đình đã biết vượt nghèo đói, chú trọng phát triển kinh tế, nay trở thành điểm sáng của cả bản.

Hồ Pan lớp người đầu tiên mở đất, lập bản.

Giữa những tán rừng trồng xanh mát, trò chuyện với bà Hồ Thị Mai, chúng tôi "thấy" rõ hành trình thoát nghèo đầy nước mắt và gian khó của gia đình bà. Bà Mai kể, từ cái thời ở giữa đại ngàn, những năm 80 thế kỷ trước, gia đình bà đã gồng gánh 5 đứa con về vùng đất mới này để xây dựng cuộc sống.

Ban đầu, cuộc sống quá cơ cực, con lại đông, nên mỗi đứa sinh ra, gia đình bà lại phải khai khẩn 1 sào đất để trồng lúa nước, trồng sắn nuôi con. Nhưng cái nghèo, cái đói cứ đeo bám dai dẳng. Rồi vợ chồng bà nghĩ, phải quyết tâm lao động, trồng rừng, chăn nuôi để thay đổi tương lai.

“Cuộc sống của gia đình miềng đã thay đổi hơn nhiều so với 40 năm trước từ cách nghĩ, cách làm đến tư duy làm ăn. Nay, gia đình miềng có 11 con trâu, trồng hơn 5ha rừng, trong đó có 1ha cây cao su, làm được 15 sào lúa nước. Thu nhập mỗi năm của gia đình miềng được cả trăm triệu đồng, là thành quả của sự cần cù lao động, chịu thương, chịu khó …”, bà Hồ Thị Mai cho biết.

40 năm thoát nghèo…

Trưởng bản Cây Bông Hồ Văn Hương khái quát, bản hiện có 138 hộ dân với 458 khẩu; trong đó có hơn 80% là người dân tộc Bru-Vân Kiều. Cuộc sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng. Hiện, bản Cây Bông có 35 hộ nghèo.

Toàn bản hiện có hơn 20ha lúa nước, trồng trên 100ha rừng và chăn nuôi gần 70 con trâu, bò. Cuộc sống của người dân tuy đã “thay da, đổi thịt”, nhưng để có được sự đột phá trong phát triển kinh tế, bản Cây Bông cần có sự đầu tư bài bản hơn nữa, nhất là phải nâng cấp hệ thống thủy lợi để người dân làm lúa 2 vụ nhằm ổn định lương thực.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng bản Hồ Văn Hương tự hào khoe, từ chỗ 100% người dân nghèo đói, nay, nhiều hộ đã có cuộc sống ổn định. Nhiều gia đình đã biết chăm lo hơn tới việc học hành của con em mình.

Thế hệ tương lai ở Cây Bông ngày càng được học hành tốt hơn.

Nói rồi, Trưởng bản Hồ Văn Hương cùng chúng tôi đi vào điểm trường Cây Bông thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS số 1 Kim Thủy để minh chứng cho điều mình nói. Gặp chúng tôi, cô giáo Trần Thị Thành niềm nở trò chuyện với khách. Được biết, cô Thành đã có thâm niên nghề giáo 22 năm và mới được điều về dạy học tại điểm trường này.

“Tôi nhận nhiệm vụ đến với bản Cây Bông để dạy học cho các em, tại điểm trường này hiện có 10 học sinh theo học lớp 1 và 7 học sinh theo học lớp 2. Là bản còn nhiều khó khăn nên điều kiện học tập của các em còn thiếu trăm bề. Dẫu vậy, với niềm yêu trò, yêu nghề, chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng để các em được học trong môi trường tốt nhất có thể…!”, cô Thành chia sẻ.

Ông Phạm Đức Hóa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy cho biết, những năm gần đây, các cấp chính quyền từ huyện đến xã luôn quan tâm và triển khai nhiều chính sách giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên các nguồn lực để xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, trường, lớp học...; qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân cả về tinh thần lẫn vật chất.

Nếu như trước đây, cuộc sống của bà con bản Cây Bông luôn rơi vào cảnh chạy ăn từng bữa thì giờ đây, bà con đã biết làm lúa nước, trồng rừng, chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã khấm khá, nghèo đói dần được đẩy lùi, cuộc sống mới đầy đủ hơn đã hiện hữu trong từng nếp nhà. Bản Cây Bông chính là điểm sáng trong phát triển kinh tế đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lệ Thủy.

Ngọc Hải

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202104/cay-bong-va-hanh-trinh-40-nam-thoat-ngheo-2187766/