Cầu treo bị lũ đánh sập, hơn 2 năm vẫn chưa tháo dỡ vì không có... kinh phí

Tháng 8/2018, do ảnh hưởng của mưa lũ, cầu treo bản Pan (xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa) nối Quốc 15A vượt sông Mã, để vào 3 bản Phé, Bá, Mí bị hư hỏng nặng.

Cầu treo bản Pan, xã Phú Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa), bị lũ đánh sập từ tháng 8/2018.

Cầu treo bản Pan, xã Phú Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa), bị lũ đánh sập từ tháng 8/2018.

Đây là con đường duy nhất để người dân 3 bản Phé, Bá, Mí đi lại, giao thương với bên ngoài. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, mặc dù cây cầu treo bị lũ quật hỏng nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục hoặc phá dỡ.

Cầu treo Pan được được xây dựng theo chương trình 135 do UBND huyện Quan Hóa làm chủ đầu tư, đưa vào sử dụng từ năm 2000. Cầu treo bản Pan trị giá gần 2,5 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Nhà nước.

Hiện, cầu treo này đã hư hỏng nặng. Mố cầu ở phía Quốc lộ 15A bị nước lũ đánh sập. Thân cầu nhiều xuất hiện những khoảng trống, do bị nước lũ tàn phá.

Hồi tháng 4 vừa qua, UBND huyện Quan Hóa đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa và Sở Tài chính về việc đề nghị thanh lý, tháo dỡ cầu treo này.

Cuối tháng 4/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản giao tham mưu giải quyết đề nghị thanh lý, tháo dỡ các cầu treo tại huyện Quan Hóa. Đồng thời, giao sở Tài Chính chủ trì, phối hợp cùng Sở GTVT và các đơn vị liên quan nghiên cứu tìm hướng giải quyết.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chiếc cầu treo này vẫn chưa được phá bỏ, tháo dỡ.

Từ ngày cầu treo bị hỏng, bà con ba bản Phé, Bá, Mí phải sử dụng thuyền, bè để vượt sông Mã.

Bà Phạm Thị Tuyết – Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho hay: “Để đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân địa phương, chính quyền huyện Quan Hóa đã đầu tư lắp đặt một chiếc xuống máy, giúp bà con qua lại cho đỡ vất vả. Tuy nhiên, do chiếc xuống quá bé, mỗi khi nước sông chảy xiết rất mất an toàn”.

Cầu treo bị hỏng, nhiều em học sinh tại điểm trường tiểu học của xã cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Những ngày mưa to, nước sông Mã chảy xiết, xuồng máy quá nhỏ không thể qua được sông, nên giáo viên không thể vào được lớp để dạy.

Đặc biệt, hàng ngày ở ba bản Phé, Bá, Mí có 73 học sinh THCS và 24 học sinh THPT phải đi đò qua sông để đến trường.

Từ khi cầu treo bị hỏng, người dân 3 bản Phé, Bá, Mí phải đóng phí qua đò theo năm. Bình quân mỗi khẩu phải đóng 32.000 đồng/người/năm, nếu mang theo xe máy nộp thêm 10.000 đồng/lượt.

Ông Trương Nho Tự – Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Vừa qua, UBND cũng đã phối hợp cùng Sở tài chính và Sở GTVT tiến hành khảo sát, lên phương án tháo dỡ, thanh lý cây cầu treo này. Hiện, đã có quyết định thanh lý, tháo dỡ cẩu. Tuy nhiên, không có đơn vị nào vào nhận tháo dỡ, thậm chí có đơn vị còn yêu cầu huyện phải hỗ trợ kinh phí cho họ tháo dỡ. Nếu làm như vậy, là trái với quy định của tỉnh.

Cũng theo ông Tự, do huyện không có kinh phí hỗ trợ cho nhà thầu tháo dỡ cầu. “Vì không có đơn vị nào nhận tháo dỡ, hoặc yêu cầu phải hỗ trợ thêm tiền, họ mới làm, thì thà để như thế cho nó thành di tích lịch sử, hoặc để cho nó gỉ sét. Sau nhiều năm, mà thấy không an toàn thì sẽ phải phá sập xuống cho an toàn thôi. Còn hiện nay, không có đơn vị nào nhận xử lý cả”, ông Tự nói.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/cau-treo-bi-lu-danh-sap-hon-2-nam-van-chua-thao-do-vi-khong-co-kinh-phi-5NjtFTbMg.html