Cầu tiền tỉ xây xong để... ngắm!

Một số cây cầu có vốn đầu tư từ hàng chục tỉ đến hàng ngàn tỉ đồng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi dù đã xây dựng hoàn thành từ lâu nhưng người dân vẫn chưa thể qua lại

Với số tiền hàng ngàn tỉ đồng được đầu tư xây dựng, cầu Cổ Lũy (tỉnh Quảng Ngãi) dù khánh thành nhiều tháng qua nhưng phương tiện không thể lưu thông. Trong khi đó, tại thôn Trà Đình 2, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, một cây cầu tiền tỉ được xây dựng kiên cố, hoàn thành hơn 1 năm qua nhưng cũng không qua lại được.

Có cầu nhưng người dân phải mở lối đi "chui"

Tháng 10-2020, cầu Cổ Lũy (cây cầu lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi với vốn đầu tư 2.250 tỉ đồng, bắc qua sông Trà Khúc, TP Quảng Ngãi - nằm trên tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh) được tổ chức khánh thành, thông xe. Tuy nhiên, sau khi tổ chức khánh thành, trong một thời gian dài, cầu vẫn không cho phương tiện lưu thông.

Có mặt tại cầu Cổ Lũy những ngày cuối tháng 4-2021, chúng tôi ghi nhận dù cầu đã được đơn vị quản lý cho các phương tiện lưu thông khoảng 1 tuần qua. Tuy nhiên, trước đó, đơn vị quản lý đã dùng các vật cản chặn ở hai đầu cầu, không cho người dân lưu thông trong thời gian dài khiến nhiều người bức xúc. Ông Trần Văn Mạnh - ở xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi - cho biết trước kia, người dân hai bên bờ sông Trà Khúc dù đã có cầu nhưng muốn qua lại phải đi vòng hơn 20 km, rất bất tiện.

"Công trình hoàn thành nhưng người dân hai bên bờ không thể qua lại nên nhiều người bức xúc tự mở lối đi chui... Cũng may, hiện đơn vị quản lý đã tháo dỡ các barie cho người dân lưu thông dịp lễ 30-4 và 1-5 tới" - ông Mạnh nói.

Người dân tự mở lối đi “chui” qua các barie trên cầu Cổ Lũy .Ảnh: TỬ TRỰC

Người dân tự mở lối đi “chui” qua các barie trên cầu Cổ Lũy .Ảnh: TỬ TRỰC

Cầu Cổ Lũy dù được tổ chức thông xe đã lâu nhưng một số nơi ở khu vực vòng xoay, đường dẫn vẫn chưa hoàn thành. Đến cuối tháng 12-2020, những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng công trình mới được tháo gỡ.

Ông Đỗ Tâm Hiển, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi - đơn vị quản lý cầu Cổ Lũy, cho biết: "Ngay khi tháo gỡ những vướng mắc, đơn vị tập trung thi công, hoàn thiện toàn bộ công trình. Tuy nhiên, do cầu Cổ Lũy là công trình cấp 1 nên việc nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng phải được Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra và chấp thuận. Chúng tôi đang tổng hợp hồ sơ, pháp lý liên quan của công trình gửi Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông để tổ chức kiểm tra hoàn thành công trình. Hiện công trình đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1 tuần qua".

Cầu làm xong, chờ... đường dẫn

Phản ánh đến Báo Người Lao Động, nhiều người dân sinh sống tại thôn Trà Đình 2, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam cũng hết sức bức xúc bởi cây cầu tiền tỉ được xây dựng kiên cố, hoàn thành hơn 1 năm qua nhưng không có đường dẫn để đi.

Năm 2017, dự án xây dựng cầu Trà Đình bắc qua sông Gò (sông Lò Vôi) với tổng chiều dài 990 m, nằm trên địa phận thôn Trà Đình 2 được triển khai thực hiện. Trong đó, phần cầu chính dài 143 m, rộng 6 m, còn lại là đường dẫn hai bên cầu (mặt đường rộng 5,5 m). Cây cầu và tuyến đường dẫn sau khi được xây dựng hoàn thành sẽ kết nối tuyến Quốc lộ 1 từ địa phận xã Quế Phú với xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên thông với TP Hội An, kết nối các huyện vùng Đông của tỉnh Quảng Nam.

Từ năm 2018, sau khi vận động người dân hiến đất, hợp phần cầu chính được triển khai xây dựng, đến đầu năm 2020 thì hoàn thành. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tuyến đường dẫn lên cầu ở hai bên vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Hiện cây cầu được xây dựng kiên cố, khang trang nhưng hai bên mố cầu cao hơn 3-4 m so với mặt đường. Để qua sông, người dân phải leo lên con dốc cao 3-4 m hết sức nguy hiểm.

Chỉ cho chúng tôi xem hai bên đầu gối bị trầy xước nhiều vết do bị ngã khi lưu thông qua cầu, ông Trương Tấn Thạnh (ngụ thôn Trà Đình 2) cho biết cây cầu được xây dựng với kinh phí hàng chục tỉ đồng nhưng vì không có đường dẫn nên vô tình trở thành cái bẫy đối với người dân. Ông Thạnh nói rằng không ngày nào không xảy ra tai nạn ở đây. Nhiều người dân cho biết trước đây, khu vực này có cây cầu phao, người dân đi lại để vận chuyển lúa, hoa màu nhưng nay họ phải dùng thuyền hoặc vận chuyển bằng đường vòng rất xa.

Theo ông Đồng Phước Hoành, Trưởng thôn Trà Đình 2, dù cầu Trà Đình đã làm xong hơn 1 năm nhưng đến nay, phần đường dẫn vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Thôn nhiều lần phản ánh lên cấp trên thì được trả lời là do thiếu kinh phí nên chưa thể làm đường dẫn.

Thời gian qua, các ngành chức năng đã vận động người dân địa phương hiến đất làm đường. Hàng chục hộ dân đã đồng ý hiến đất, còn vài hộ yêu cầu phải đền bù mới di dời. Người dân địa phương rất mong mỏi tuyến đường dẫn lên cầu Trà Đình sớm hoàn thành để họ đi lại an toàn, thuận lợi, nhất là trong mùa mưa.

Do thay đổi thiết kế

Ông Nguyễn Phước Sơn, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, cho hay công trình cầu Trà Đình chưa thể hoàn thành do thiếu kinh phí. Theo ông Sơn, cầu Trà Đình có 2 hợp phần, phần cầu chính do Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, phần đường dẫn do UBND huyện Quế Sơn làm chủ đầu tư. Ban đầu, dự toán kinh phí hơn 30 tỉ đồng gồm cả phần cầu chính và đường dẫn. Tuy nhiên, quá trình làm cầu thay đổi thiết kế, làm cao hơn để vượt lũ nên phần cầu đã mất hơn 30 tỉ đồng. Riêng phần đường dẫn cần khoảng 20 tỉ đồng mới có thể thực hiện được.

UBND huyện Quế Sơn đang cố gắng cân đối các nguồn và đề xuất UBND tỉnh cấp kinh phí để sớm làm đường dẫn. Huyện đang khẩn trương nhưng vẫn chưa rõ khi nào hoàn thành.

TỬ TRỰC - TRẦN THƯỜNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/mien-trung-tay-nguyen/cau-tien-ti-xay-xong-de-ngam-20210427231302168.htm