Cầu thủ Việt xuất ngoại và những rào cản đầu tiên

Nếu không được bật đèn xanh ra nước ngoài như Công Phượng, cầu thủ phải tự lo liệu để giải phóng hợp đồng cho mình như thủ môn Đặng Văn Lâm trước khi muốn đi đâu thì đi.

Sau thành công ở Asian Cup 2019, báo chí và các chuyên gia bóng đá trong và ngoài nước cho rằng cầu thủ Việt Nam nên ra nước ngoài thi đấu. Chơi bóng ở những môi trường thi đấu tốt hơn và chuyên môn cao hơn không chỉ giúp bản thân cầu thủ mà còn có lợi cho cả nền bóng đá Việt Nam.

Phụ thuộc vào CLB chủ quản

Tất nhiên, cầu thủ nào cũng muốn mình có cơ hội ra nước ngoài thi đấu nhưng không phải ai cũng có thể tự quyết tương lai của mình. Cầu thủ Việt Nam thường có một bản hợp đồng đào tạo trẻ với CLB chủ quản.

Do đó, chỉ khi CLB “bật đèn xanh” mới có chuyện được tiếp xúc với những đội bóng thuộc giải đấu khác ngoài V.League.

Công Phượng muốn trở lại Nhật Bản nhưng HAGL lại đang chuẩn bị cho mùa giải mới. Ảnh: Quang Thịnh.

Công Phượng muốn trở lại Nhật Bản nhưng HAGL lại đang chuẩn bị cho mùa giải mới. Ảnh: Quang Thịnh.

Trường hợp như Tuấn Anh, Xuân Trường và Công Phượng là rất điển hình. Đó là quyết định táo bạo của ông chủ đội bóng HAGL Đoàn Nguyên Đức. Bầu Đức quyết định “gả” 3 cầu thủ sang Hàn Quốc và Nhật Bản vì muốn họ tiếp thu kiến thức bóng đá nước ngoài và trở về đóng góp cho CLB cũng như cho bóng đá Việt Nam.

Công Phượng và Xuân Trường được như ngày hôm nay cũng là một phần trong chiến lược phát triển nhân sự của CLB HAGL. Nhưng giai đoạn đó đã qua.

Xuân Trường, Công Phượng và cả Tuấn Anh lẫn Nguyễn Hữu Anh Tài đều trở về nước. HAGL không còn cầu thủ nào chơi bóng ở nước ngoài như năm 2016.

Mới đây ở Asian Cup 2019, Công Phượng tiết lộ anh mong muốn trở lại thi đấu ở Nhật Bản. Anh cũng cho biết đã bày tỏ nguyện vọng này với lãnh đạo đội bóng nhưng chưa có câu trả lời. Lãnh đạo HAGL cũng nói rằng đây chưa phải lúc để bàn về tương lai của Công Phượng dù họ cũng cho biết có nhiều CLB đã đề nghị.

Xuân Trường (áo xanh) có hai năm thi đấu ở Hàn Quốc khi được CLB tạo điều kiện. Ảnh: K League.

Cũng như các cầu thủ khác của HAGL, Công Phượng được tuyển chọn và đào tạo trẻ ở Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG (nay là Học viện bóng đá HAGL). Các cầu thủ có hợp đồng ràng buộc đến độ tuổi nhất định trước khi trở thành cầu thủ tự do. Chính vì vậy mà họ phụ thuộc vào chính sách của đội bóng rất nhiều.

Ở CLB Hà Nội cũng vậy, tiền vệ Quang Hải sẽ không đi đâu cả cho đến khi đội bóng gật đầu. Mới đây, tiền vệ Đậu Văn Toàn được Hà Nội cho thử việc ở CLB Chainat cùng với “Messi Lào” Soukaphone Vongchiengkham nhưng không thành công. Điều đó cho thấy chỉ khi CLB đồng ý, cầu thủ được đào tạo mới có cơ hội thử sức.

Giải phóng hợp đồng như Đặng Văn Lâm

Thủ môn Việt kiều của ĐTQG Việt Nam là một trường hợp cá biệt và đặc biệt. Đặng Văn Lâm không phụ thuộc vào bản hợp đồng đào tạo nào với CLB Hải Phòng. Cái anh nợ đội bóng này là ân tình, là nơi đã chấp nhận cho anh tập luyện và thi đấu trong những ngày đầu tiên trở về Việt Nam tìm cơ hội cho chính mình.

Đặng Văn Lâm (áo trắng) tự quyết định tương lai khi giải phóng hợp đồng với Hải Phòng. Ảnh: MUTD.

Lâm “Tây” đã trở về Hải Phòng chia tay HLV Trương Việt Hoàng và tâm thư xúc động gửi lại mảnh đất hoa phượng đỏ. Giờ đây, anh đã là người của CLB Muang Thong United của Thái Lan. Kế hoạch ra đi của Văn Lâm được anh chuẩn bị từ trước, thủ thành sinh năm 1993 tự lên kế hoạch cho đời mình từ năm 2017.

Ngày 1/1/2017, Lâm đặt vấn đề với người bạn cũ từng làm thủ môn chuyên nghiệp là Grushin Andrey. Andrey sau này là một nhà môi giới cầu thủ. Từ đó, hai người không chỉ còn là bạn mà là đối tác của nhau trên con đường giải phóng Đặng Văn Lâm khỏi Hải Phòng. Đích đến ban đầu của cả hai là Thái League.

Giải phóng hợp đồng gần như là yếu tố quyết định để vượt qua rào cản thủ tục pháp lý ở CLB. Có được giấy thanh lý, kèm giấy chuyển nhượng quốc tế, cầu thủ thoải mái đàm phán hoặc lựa chọn CLB mới cho mình. Tuy nhiên, số tiền giải phóng hợp đồng là một vấn đề trước khi cầu thủ đi đến quyết định.

Lâm "Tây" vượt qua nhiều rào cản để mở đường sang Thái League thi đấu. Ảnh: Minh Chiến.

Trường hợp của Lâm “Tây”, theo chia sẻ của Chủ tịch CLB Hải Phòng, mức đền bù là 150.000 USD (khoảng hơn 3 tỷ đồng). Nhưng con số thực tế có thể hơn gần 4 lần, tức 500.000 USD (khoảng 12 tỷ đồng). Nhưng đến với nơi mới tốt hơn, Văn Lâm sẽ còn kiếm được nhiều hơn số tiền đó và những cơ hội khác nữa.

Thủ môn Đặng Văn Lâm trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chủ động ra nước ngoài thi đấu. Từ những đầu vượt qua định kiến về thủ môn Việt kiều, nay Văn Lâm vượt qua những trở ngại khác trên con đường chinh phục những thử thách mới.

Cầu thủ Việt Nam có lẽ còn phải vượt qua nhiều rào cản khác mới mong một ngày đứng trên sân cỏ nước ngoài, ở một giải đấu tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.

Quang Thịnh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cau-thu-viet-xuat-ngoai-va-nhung-rao-can-dau-tien-post912863.html