'Cầu thủ duy nhất ở Việt Nam đủ sức chơi bóng ở châu Âu'- chàng chiến binh với nỗi đau mang nhầm thể xác

Đó là lời khẳng định mà vị HLV từng giành Cup C1 châu Âu, Ljubo Petrovic, khi nhắc tới 1 chàng trai. Cậu ấy là Nguyễn Tuấn Anh.

Từ giai thoại Bao Công ở đời nhà Tống

Tương truyền vào đời nhà Tống ở Trung Quốc, Ngọc Hoàng cử 2 vị thần trên tiên giới hạ phàm xuống trần gian để phò tá cho Hoàng đế khi ấy là Tống Chân Tông, và người con sau này là Tống Anh Tông trị vì đất nước.

2 vị sứ giả mang sứ mệnh lớn lao ấy là Văn Khúc Tinh Quân và Võ Khúc Tinh Quân, đại diện cho 2 mảng "văn" - "võ". Nhưng khi Thái Bạch Kim Tinh thực hiện quá trình đầu thai xuống trần gian, ông lại sơ suất khi "nhầm lẫn" thân xác của 2 vị Tinh Quân đó cho nhau.

Bao Công - người mang nhầm thể xác trong giai thoại.

Bao Công - người mang nhầm thể xác trong giai thoại.

Văn Khúc Tinh Quân – người mà nhẽ ra phải trắng trẻo, thư sinh, lại sinh ra trong hình dạng mặt dữ dằn, nước da đen sì, nhìn giống với một vị quan võ hơn là quan văn (vì cơ thể đó vốn phải là của vị Võ Khúc Tinh Quân). Đứa bé ấy lớn lên, và trở thành Bao Thanh Thiên.

Đến chàng "Nhô" của mảnh đất Thái Bình

Chàng trai Nguyễn Tuấn Anh sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế khá vững tại Thái Bình, khi cả bố và mẹ đều là những người có công ăn việc làm ổn định.

Chính vì vậy, không giống với nhiều bạn bè đồng trang lứa khác, cậu tìm đến bóng đá không nhằm mục đích để thoát nghèo. Con đường mà cậu lựa chọn hoàn toàn xuất phát từ niềm đam mê bất tận với trái bóng tròn.

Tuy vậy, sự nghiệp quần đùi áo số của "Nhô" sẽ không thể được đảm bảo nếu gắn bó lâu dài với quê hương - nơi không có đội bóng thi đấu chuyên nghiệp. Vì vậy, giống như Đoàn Văn Hậu sau này, Tuấn Anh quyết định khăn gói xa nhà để chinh phục giấc mơ sân cỏ của mình. Có điều, khác với người đàn em chọn Hà Nội, điểm đến của chàng trai Thái Bình khi đó là HAGL.

Bầu Đức, cũng vào thời điểm đó, ấp ủ giấc mơ nâng tầm bóng đá Việt với học viện bóng đá HAGL - JMG, đặt tại chân núi Hàm Rồng (Gia Lai).

Nguyễn Tuấn Anh những ngày đầu học đá bóng tại học viện Hoàng Anh Gia Lai - JMG. Ảnh: Minh Trần

Từ đôi chân trần lê bước khắp mặt sân học viện, cho tới những lần sải bước trên thảm cỏ Mỹ Đình, Tuấn Anh đã có 1 bước tiến rất dài. Anh và lứa cầu thủ U19 đã làm say đắm bao CĐV nước nhà với những pha bóng đập nhả tí tách, những màn phối hợp hoa mỹ mang phong cách Arsenal.

Có thể những pha rê bóng của Phượng, những cú phất dài của Trường đã chiếm trọn spotlight trận đấu, nhưng với nhiều cổ động viên, Tuấn Anh mới là người chơi thông minh nhất ở trên sân. "Nếu bóng đã ở trong chân cầu thủ mang áo số 8, hãy yên tâm cậu ấy sẽ không để làm mất nó", đó là suy nghĩ chung của rất nhiều người.

Tuấn Anh "nhảy múa" trước U19 Hàn Quốc tại Vòng chung kết U19 châu Á 2014.

Ngay cả trong những trận cầu được coi là thảm họa của cả đội, như trận thua 0-6 trước Hàn Quốc tại giải U19 Châu Á, Tuấn Anh vẫn là nhân tố hiếm hoi đủ sức "chơi đùa" với những cầu thủ tới từ xứ sở Kim Chi.

Nhiều người tin tưởng Nhô sẽ đủ sức "gánh vác" nền bóng đá Việt Nam. Chỉ có điều, "gánh vác" ấy quá nặng với đôi chân của cậu, vì cậu đã sinh ra trong nhầm thể xác...

Thể xác đã bị "nhầm"…

Tuấn Anh tài hoa bao nhiêu, cơ thể của cậu mẫn cảm với chấn thương bấy nhiêu. Giấc mơ của 1 cầu thủ chưa bao giờ lại gian nan đến như thế. Đã trên dưới chục lần, cậu ấy gặp rắc rối với cơ thể của mình.

Còn nhớ vào năm 2013, khi 4 cầu thủ lứa 1 học viện JMG sang châu Âu tập huấn cùng Arsenal, Tuấn Anh đã được HLV lão làng Arsene Wenger "chấm" để gửi sang thử việc tại Olympiakos. Và sau đó… không còn Olympiakos nữa, chỉ có cái dây chằng đầu gối bị đứt làm bạn với cậu.

Cơ thể Tuấn Anh cực nhạy cảm với chấn thương. Ảnh: Sport5.vn

Sau này, cái đầu gối đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp xuất ngoại của cậu. Chuyển sang Yokohama năm 2016, Tuấn Anh chủ yếu làm bạn với giường bệnh, vì ngoài cái đầu gối đau, cậu còn bị 1 chấn thương lưng dai dẳng. Dù được HLV Nhật đánh giá rất cao, 2 bên cũng đành phải chia tay nhau sau khi bản hợp đồng cho mượn đáo hạn.

Chấn thương cũng làm cho việc được khoác lên mình chiếc áo đấu có màu cờ Tổ quốc trở nên cực kì mong manh với "Nhô". Những chiến tích lẫy lừng của đội U23 ở Thường Châu, của tuyển Olympic tại ASIAD, của ĐTQG trong đấu trường AFF Cup và sau đó là Asian Cup đều không có dấu chân của cậu. "Nếu lần này mà chấn thương nữa, con sẽ giải nghệ", Tuấn Anh tâm sự với bố mẹ vào những ngày đầu năm 2019.

… nhưng cậu ấy vẫn là một chiến binh.

Ngoài chấn thương bầu bạn, Tuấn Anh vẫn còn 1 người bạn khác: đó là ý chí. Giường bệnh chưa bao giờ làm cậu suy sụp, mà nó giống như 1 "trạm nghỉ" để Tuấn Anh, sau mỗi lần khỏi bệnh, quay trở lại thành 1 phiên bản mạnh mẽ hơn.

Chính Petrovic, HLV từng vô địch C1, cũng phải thốt lên "Nhiều cầu thủ của HAGL chơi bóng rất tốt, và Tuấn Anh là người có khả năng cao nhất để có thể chơi bóng ở Châu Âu". Phát biểu đó, giống như khi HLV Tavares khen danh thủ Hồng Sơn khi xưa, có thể chỉ mang tính chất xã giao. Tuy nhiên, chính vị chiến lược gia ấy cũng đã thừa nhận Tuấn Anh là 1 sự khác biệt so với những người còn lại.

Tuấn Anh - của hiếm của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Mạnh Quân/Sport5.vn

Nhưng "Nhô", không bị sống mòn trong những lời ca ngợi. Điều duy nhất cậu ấy chuyên tâm là tập luyện miệt mài, giống như những anh chàng chăm chỉ trong chuyện cổ tích. Và chuyện cổ tích nào cũng phải có 1 cái kết có hậu.

Tuấn Anh giờ đã trở thành cầu thủ mà HLV Park cực kì yêu mến. Những trận cầu quan trọng trong vòng loại World Cup, cậu đều được điền tên vào đội hình xuất phát. Và anh chàng không phụ lòng người thầy của mình, cậu gần như làm lu mờ tuyến giữa UAE, và trước đó đã gây khó khăn cực lớn cho Chanathip khi chúng ta làm khách của người Thái.

Chàng "Nhô" chính là cầu thủ thoát pressing tốt bậc nhất Việt Nam hiện nay. Khi Công Phượng, Xuân Trường đôi lúc phải đóng vai trò "con bài dự bị chiến thuật", thì Tuấn Anh đã tiến 1 bước dài để trở thành cầu thủ quan trọng của thầy Park. Xuất phát sau, nhưng cậu đã vượt lên trước 2 người bạn của mình.

Tuấn Anh chơi cực hay tại vòng loại World Cup 2022. Ảnh: Sport5.vn

Tuấn Anh đối đầu sòng phẳng với Chanathip ở Vòng loại World Cup 2022. Ảnh Hiếu Lương/Sport5.vn

Tuấn Anh, cũng giống như Bao Công ở thời Tống, đã phải mang trên mình 1 cơ thể bị "nhầm lẫn". Tuy vậy, cả 2 đều không lấy đó làm mặc cảm, mà ngược lại, họ nỗ lực từng ngày để có thể cống hiến cho sự nghiệp những gì tinh túy nhất, và khiến cho người khác phải nhớ đến mình.

Người hâm mộ Việt Nam lúc này thêm 1 lần nữa đặt kì vọng lên đôi chân của cậu. Hi vọng lần này, đầu gối của cậu đã đủ cứng cáp để "gánh" kì vọng đó ở trên vai.

Chúc may mắn nhé, "Nhô"!

Minh Huy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cau-thu-duy-nhat-o-viet-nam-du-suc-choi-bong-o-chau-au-chang-chien-binh-voi-noi-dau-mang-nham-the-xac-22020114134823857.htm