Người dân xã biên giới 20 năm 'ngóng' một con đường nhựa

Tỉnh Long An đã tập trung nhiều nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông để xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên người dân dọc tuyến đường tỉnh lộ 819 (huyện Tân Hưng, Long An) vẫn phải di chuyển trên những cung đường xuống cấp để từ huyện về đến xã.

Thời gian qua, tỉnh Long An đã tập trung nhiều nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là các trục đường về khu vực nông thôn, biên giới. Tuy nhiên, tại huyện Tân Hưng, người dân dọc tuyến đường tỉnh 819 địa bàn xã biên giới Hưng Điền vẫn phải di chuyển trên những cung đường xuống cấp để từ huyện về đến xã. Dù đã nhiều lần phản ảnh, kiến nghị, nhưng qua nhiều lần hứa hẹn của ngành chức năng tỉnh, bà con mòn mỏi chờ đợi mà đường vẫn chưa được hoàn thành.

Đường tỉnh 819 địa bàn xã biên giới Hưng Điền bụi mịt mù mùa nắng

Đường tỉnh 819 địa bàn xã biên giới Hưng Điền bụi mịt mù mùa nắng

Trên tuyến đường tỉnh 819 nối từ trung tâm huyện Tân Hưng về xã Hưng Điền giáp với biên giới Campuchia dài gần 30 km, mật độ phương tiện di chuyển đông đúc, nhất là lưu lượng xe tải vận chuyển hàng hóa qua lại cửa khẩu phụ Tân Hưng - Svay A Ngoong. Trên con đường đất đỏ vào mùa nắng bụi mịt mù; còn mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt, tai nạn xảy ra liên miên. Người dân tại đây luôn sống trong cảnh ô nhiễm môi trường và bất an về sức khỏe suốt hơn 20 năm qua. Ở đây không nhà nào thoát được cảnh phủ đầy bụi đỏ, dù đã phải đóng cửa suốt ngày.

Ông Nguyễn Thành Trung, ở ấp cây me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An cho biết: “Cứ mưa thì đường đầy những hố nước, ổ gà, ổ trâu còn trời nắng thì bụi mù mịt. Người dân mặc áo trắng đi từ xã lên thị trấn biến thành áo vàng. Đặc biệt, họ sinh đi học, người dân đi làm gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong làm đường nhựa để sau này đi lại dễ dàng hơn”.

Cách đây vài năm, đoạn đường này được tỉnh Long An cho trải nhựa được khoảng 3km, tuy nhiên dự án bị ngưng cho đến nay do phải chờ kinh phí. Khó khăn trong việc đi lại không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội địa phương, bởi đây là cung đường kết nối liên tỉnh giữa Long An với tỉnh Đồng Tháp và thông thương quốc tế với nước bạn Campuchia. Mong mỏi lớn nhất của người dân Hưng Điền là có được trục lộ nhựa từ huyện về đến trung tâm xã để người dân đi lại thuận tiện, trẻ em đến trường được an toàn và sạch sẽ, không còn chịu cảnh bụi đất "tra tấn" mỗi ngày.

Mặt đường về cửa khẩu Tân Hưng - Svay A Ngoong xuống cấp tai nạn liên tục xảy ra

Ông Trần Văn Tám, người dân xã Hưng Điền, Tân Hưng Long An nói: “Trước đây đường có rải đá đỏ nhưng qua thời gian, đường bị hư hỏng. Chính vì vậy, thời gian tới, nhất là khi xây dựng xã nông thôn mới thì nguyện vọng bà con cũng muốn nhà nước đầu tư làm đường nhựa để giao thông đi lại dễ dàng hơn, nhất là vào mùa mưa”.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, hiện nay trên địa bàn có 7 tuyến đường do tỉnh quản lý và hệ thống cầu trên tuyến có tổng chiều dài gần 134 km. Thế nhưng, hiện mới đầu tư nhựa hóa được khoảng hơn 55 km, chiếm khoảng 42%. Đặc biệt, có 6 tuyến đường về trung tâm các xã biên giới, là tuyến giao thông huyết mạch để vận chuyển nông sản, đảm bảo an ninh quốc phòng tuyến biên giới giáp ranh với nước bạn Campuchia. Riêng tuyến tỉnh lộ 817 đi từ thị trấn Tân Hưng về xã biên giới Hưng Điền cũng là trục đường huyết mạch, nhiều tiềm năng thông thương hàng hóa, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mùa mưa tới đường sụt lún, lầy lội

Dù còn nhiều khó khăn song xã Hưng Điền đã nỗ lực hoàn thành phần lớn mục tiêu xây dựng nông thôn mới từ 3 năm qua. Gần như hầu hết các tiêu chí đều đạt và vượt, chỉ còn lại tiêu chí môi trường và giao thông. Tuy nhiên đến nay trục đường chính và duy nhất về trung tâm thị tứ xã vẫn còn là đường đất, chưa được trải nhựa khiến kế hoạch nông thôn mới chưa đạt kế hoạch.

Ông Trương Đông Hồ, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An cho biết, giao thông khó khăn, địa phương cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư. Sau nhiều lần kiến nghị tỉnh và huyện, đến nay đã có kế hoạch phân bổ vốn từ năm 2022 đến 2025.

Nhà dân sống hai bên đường chịu cảnh tra tấn phủ đầy bụi đường suốt 20 năm qua

“Trong giai đoạn xây dựng xã nông thôn mới, xã cũng cần thiết có một con đường như thế để đảm bảo hoàn thành tiêu chí nông thôn mới theo lộ trình. Đồng thời khi có được con đường thì sẽ thuận lợi hơn trong trao đổi mua bán hàng hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế ở địa phương trong thời gian tới”, ông Trương Đông Hồ chia sẻ.

Việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường nói trên là nhu cầu cấp bách, ngoài việc giúp địa phương hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo tiêu chí nông thôn mới còn góp phần phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân các xã khu vực biên giới của Long An, đặc biệt là góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị tại khu vực vùng biên. Hiện tại, đường về các xã biên giới Tân Hưng vẫn trời nắng bụi mù, trời mưa lầy lội và người dân địa phương tiếp tục hy vọng, đợi chờ.../.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nguoi-dan-xa-bien-gioi-20-nam-ngong-mot-con-duong-nhua-907205.vov