Cầu Thịnh Long hoạt động, người dân bớt vất vả hơn, du lịch Nam Định thêm cơ hội phát triển

Ngày mai (28/5), cầu Thịnh Long chính thức đi vào hoạt động sau hơn 2 năm thi công. Trước ngày cầu khánh thành, rất nhiều người dân hiếu kỳ đã tới đây chiêm ngưỡng cây cầu hiện đại nối hai bờ sông Ninh Cơ.

Sau 2 tháng trì hoãn vì dịch bệnh, cầu Thịnh Long được ấn định tổ chức lễ khánh thành vào ngày mai, 28/5. Tính từ khi khởi công là tháng 1/2018, cây cầu mất hơn 2 năm để hoàn thành. Khi đưa vào khai thác, cây cầu bắc qua sông Ninh Cơ, kết nối tuyến vận tải thị trấn Thịnh Long đến TP Nam Định, sẽ rút ngắn hơn 10km so với con đường phải đi vòng qua cầu Lạc Quần như trước đây.

Toàn cảnh cây cầu Thịnh Long trước ngày đi vào hoạt động.

Toàn cảnh cây cầu Thịnh Long trước ngày đi vào hoạt động.

Là một người làm nghề tiếp thị, thường xuyên phải đi rất nhiều nơi, chị Phạm Thị Chanh (Hải Hậu, Nam Định) rất vui mừng vì bắt đầu ngày mai chị không còn phải đi phà từ Hải Hậu sang Nghĩa Hưng, bớt được khá nhiều thời gian và cũng tiết kiệm được một phần chi phí đi lại.

“Tôi làm thị trường nên việc đi lại rất vất vả, mỗi lần đi phà gặp mưa to gió lớn tôi rất sợ. Cầu hoạt động chắc chắn là việc di chuyển sẽ rất thuận tiện, an toàn hơn”, chị Chanh chia sẻ.

Theo kế hoạch, từ ngày mai (28/5) cây cầu Thịnh Long mới chính thức đưa vào hoạt động. Để được chứng kiến cây cầu trước ngày khánh thành, ông Đào Đức Huân (Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định) đã cùng một người bạn của mình đi khoảng 20km tới đây để được “chiêm ngưỡng” toàn cảnh cây cầu.

Theo ông Huân, giao thông thuận tiện hơn, người dân phần nào bớt đi được các chi phí khác khi chưa có cây cầu này.

“Chúng tôi đi từ trung tâm huyện Hải Hậu ra đây tham quan. Cây cầu này nối 2 huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng, khi cầu được đưa vào sử dụng thì người dân chúng tôi đi lại rất thuận tiện, rút ngắn khoảng cách, rút ngắn thời gian từ TP Nam Định về thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) và an toàn hơn so với đi phà như trước đây. Có cây cầu này, tôi tin là tiềm năng du lịch của Nam Định sẽ càng phát triển”, ông Huân vui mừng chia sẻ.

Ông Đào Đức Huân tham quan cầu Thịnh Long trước ngày khánh thành.

Cầu Thịnh Long bắc qua sông Ninh Cơ với chiều dài cầu 988m, tính cả đường dẫn là 2,36 km. Cầu được thi công theo công nghệ bê tông đúc hẫng với 18 trụ, 300m dầm hộp liên tục và 600 m dầm super T. Mặt cầu rộng 12m với 2 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ. Vận tốc thiết kế 80km/h.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận chiều 27/5, các đơn vị chức năng đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng cho sự kiện khánh thành cầu vào ngày mai.

Cầu Thịnh Long có chiều dài toàn tuyến 2,36km.

Thiết kế 18 trụ cầu.

Đảm bảo chiều cao an toàn cho tàu chạy qua.

Công nhân đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng.

Trang trí cờ chuẩn bị cho lễ khánh thành cầu.

Hệ thống chiếu sáng trên cầu.

Trước khi đi vào hoạt động, lực lượng chức năng rào chắn, không cho người dân đi qua.

Vòng xuyến nút giao dẫn lên cầu.

Cầu Thịnh Long nối liền hai bờ sông Ninh Cơ, nơi đã hình thành các khu công nghiệp với các nhà máy đóng tàu lớn. Cảng biển Thịnh Long nằm gần cửa biển Lạch Giang được quy hoạch là cảng nước sâu, Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I, khu nghỉ mát Thịnh Long…
Cầu Thịnh Long đi vào khai thác cũng sẽ góp phần nâng cao khả năng kết nối tỉnh Nam Định với các tỉnh trong khu vực trên tuyến đường ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa; giúp địa phương tiết giảm chi phí cho các phương tiện vận tải so với hiện nay.

Anh Hùng

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/an-toan-giao-thong/cau-thinh-long-noi-nhung-bo-vui-253647.html