Câu thần chú Om Mani Padme Hum có nghĩa là gì?

Câu thần chú 'Om Mani Padme Hum' là một trong những câu thần chú nổi tiếng nhất trong Phật giáo, được các Phật tử theo pháp tu niệm Phật.

Om Mani Padme Hūm có ý nghĩa như thế nào?

Theo sách The Tibetan Book Of Living And Dying,Om Mani Padme Hum là một câu thần chú tiếng Phạn, được xem là thần chú cầu Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara) và là thần chú quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Nó còn được mệnh danh là “Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn” tức là “Chân ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ”.

Ở Việt Nam thần chú được biết đến với tên gọi Lục Đại Tự Minh Chân Ngôn.

Om: Quy mệnh

Mani: Viên ngọc như ý

Padme: Bên trong hoa sen

Hum: Tự ngã thành tựu

Có thể dịch câu này là Om, ngọc quý trong hoa sen, Hum. (Om, to the Jewel in the Lotus, hum). Theo âm Hán-Việt, câu này được đọc là Úm ma ni bát ni hồng hoặc Án ma ni bát mê hồng.

Thông thường người ta không giảng nghĩa thần chú, nhưng “ngọc quý” biểu hiện cho Bồ-đề tâm (bodhicitta), “hoa sen” chỉ tâm thức con người, ý nghĩa là tâm Bồ-đề nở trong lòng người. Tuy nhiên thần chú có những âm thanh riêng biệt và những tác dụng bí ẩn theo cách trình bày của Kim cương thừa.

Đối với Phật giáo Tây tạng thì Om Mani Padme Hum chính là lòng từ bi rộng lớn, muốn đạt Niết-bàn vì lợi ích của chúng sinh. Vì vậy sáu âm tiết của thần chú này cũng được xem là tương ưng với sáu cõi tái sinh của dục giới.

Trong cõi tương đối, mặc dù âm thanh chính nó không có thực thể, nó vẫn có năng lực để chỉ định, đặt tên, và có sự hoạt động ở tâm thức.

Các vị bồ tát và thần chú là một nguyên thể, nghĩa là một người có thể niệm chú mà không cần thiết phải hình dung, tưởng tượng. Niệm chú vẫn có hiệu quả.

Phẩm chất xác thực của mỗi âm trong sáu âm của câu chú được giải thích rất phù hợp.

Trước tiên, hãy để chúng ta xem mỗi âm giúp chúng ta đóng cánh cửa tái sanh đau khổ, một trong sáu cõi hiện hữu của vòng luân hồi:

– OM đóng cánh cửa luân hồi trong cõi trời;

– MA, cánh cửa cõi thần, A-tu-la

– NI, cánh cửa cõi người

– PAD, cánh cửa cõi súc sanh

– ME, cánh cửa cõi ngạ quỷ;

– HUNG, cánh cửa cõi địa ngục.

Mỗi âm tiết được xem như có ảnh hưởng thanh tịnh hóa:

– OM thanh tịnh hóa bản thân;

– MA thanh tịnh hóa lời nói;

– NI thanh tịnh hóa tâm thức;

– PAD thanh tịnh hóa những cảm xúc mâu thuẫn;

– ME thanh tịnh hóa điều kiện ẩn tàng;

– HUNG thanh tịnh hóa tấm màn che phủ trí tuệ.

Mỗi âm tiết là một bài cầu nguyện:

– OM lời cầu nguyện hướng về thân thể của các vị Phật;

– MA lời cầu nguyện hướng về lời nói của các vị Phật;

– NI lời cầu nguyện hướng về tâm thức các vị Phật;

– PAD lời cầu nguyện hướng về những phẩm chất của các vị Phật;

– ME lời cầu nguyện hướng về hoạt động của các vị Phật;

– HUNG gom góp sự thanh nhã của thân, khẩu, ý, phẩm chất, và hoạt động của các vị Phật.

Sáu âm tiết liên hệ đến sáu ba-la-mật, sáu sự hoàn hảo được chuyển hóa:

– OM liên hệ đến sự rộng lượng;

– MA, đạo đức;

– NI, kiên trì, nhẫn nhịn,

– PAD, chuyên cần,

– ME, chú tâm,

– HUNG, trí tuệ.

Sáu âm tiết cũng liên quan đến sáu vị Phật, ngự trị trên sáu Phật gia:

-OM liên hệ đến Ratnasambhava (Bảo-Sanh Phật);

– MA, Amaghasiddi (Bất-Không-Thành-Tựu Phật);

– NI, Vajradhara (Kim Cương Trì / Phổ-Hiền Bồ Tát);

– PAD, Vairocana (Lô-Xá-Na Phật);

– ME, Amitabha (A-Di-Đà Phật);

– HUNG, Akshobya (A-Súc-Bệ Phật).

Cuối cùng, sáu âm tiết liên hệ đến sáu trí tuệ:

– OM = Trí tuệ thanh thản, an bình;

– MA = trí tuệ hoạt động;

– NI = trí tuệ tự tái sanh;

– PAD = trí tuệ pháp giới;

– ME = trí tuệ phân biệt;

– HUNG = trí tuệ như gương

Om Mani Padme Hum đọc thế nào? Viết sao cho đúng?

Thần chú Om Mani Padme Hum có nguồn gốc từ Ấn Độ. Khi nó được chuyển từ Ấn Độ sang Tây Tạng.

Câu thần chú nầy được viết bằng tiếng Phạn (Devanāgarῑ) là: ॐमणिपद्मेहूँ hay: ओंमणिपद्मेहूं. Phiên âm quốc tế ra La tinh (IAS: International Alphabet of Sanskrit Transliteration) thành: “Om Mani Padme Hūm”.

Các cao tăng nhiều nơi trên thế giới đã phiên âm câu thần chú trực tiếp từ tiếng Phạn ra nhiều thứ tiếng khác như Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan… Phiên âm ra tiếng Trung Quốc thành: 唵嘛呢叭咪吽 (pinyin: Ǎn Mání Bāmī Hōng ).

Trong kinh 佛 說 大 乘 莊 嚴 寶 王 : Phật Thuyết Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh (Karaṇdạvyūha Sūtra) thì viết là: 唵麼抳缽訥銘吽 (Ǎn Mání Bōnàmíng hōng).

Người Việt không phiên âm trực tiếp từ tiếng Phạn ra tiếng Việt mà đọc câu phiên âm của Trung Quốc theo âm Hán Việt thành: “Úm ma ni bát mị hồng” hay: “Ảm ma ni bát mễ hồng”. Trong Kinh Karaṇdạvyūha thì đọc thành: “Úm Ma Ní Bát Nột Minh Hồng.”

Nếu chúng ta phiên âm trực tiếp từ tiếng Phạn ra tiếng Việt thì câu thần chú nầy thành: “Ôm Ma Ni Pa (đơ) Mê Huum”. (Chữ đơ đọc nhỏ liền với chữ Pa thành một âm, uu đọc dài gấp đôi u). Phiên âm ra tiếng Tây Tạng đọc: “Om Mani Peme Hung” hay “Om Mani Beh Meh Hung.”

Phiên âm ra tiếng của một số nước khác:

Phiên âm ra tiếng của một số nước khác:

– Bengali: ওঁমণিপদ্মেহুঁ

– Tamil: ஓம்மணிபத்மேஹூம்

– Hàn Quốc (Hangeul): 옴마니파드메

Om Mani Padeume Hum hay: 옴마니반메훔 Om Mani Banme Hum

– Nhật Bản (Katakana) :オンマニハンドメイウン On Mani Handomei Un

– Mông Cổ: Ум маани бадми хум hay Um maani badmi khum

– Thai Lan: โอมมานีปัทเมหุม

Từ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 lý giải:

“Thật là hay khi niệm thần chú Om Mani Padme Hum, nhưng trong khi bạn đang niệm nó, bạn nên suy nghĩ về ý nghĩa của nó, vì ý nghĩa của sáu âm tiết là tuyệt vời và vĩ đại.

Đầu tiên, OM tượng trưng cho cơ thể của người Phật tử, lời nói và tâm trí, nó cũng tượng trưng cho thân thể, lời nói và trí tuệ của một vị Phật tinh khiết.

Con đường được chỉ ra bởi bốn âm tiết kế tiếp. MANI, có nghĩa là viên ngọc, tượng trưng cho ý muốn vị tha để trở nên giác ngộ, từ bi và yêu thương.

Hai âm tiết, PADME có nghĩa là hoa sen, tượng trưng cho trí tuệ. Sự tinh khiết phải đạt được bằng sự thống nhất không thể tách rời của phương pháp và sự khôn ngoan, được biểu thị bởi âm tiết cuối cùng HUM, cho thấy sự không thể chia cắt được.

Như vậy, sáu âm tiết, Om Mani Padme Hum, không có nghĩa là phụ thuộc vào việc thực hành một con đường mà là một sự kết hợp không thể tách rời của phương pháp và sự khôn ngoan, bạn có thể biến đổi cơ thể không tinh khiết, lời nói và tâm trí của bạn thành thân thể, Tâm của một vị Phật.”

Khi nào thì đọc câu thần chú Om Mani Padme Hum?

Om Mani Padme Hum là thần chú sử dụng rộng rãi nhất trong tất cả các thần chú trong đạo Phật, nó chào đón tất cả mọi người đọc nó, bất cứ ai, bất cứ đâu nếu như bạn có tấm lòng chân thành, nó không đòi hỏi phải bắt đầu trước bằng một vị Lạt Ma.

Trên khắp miền Bắc Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng, bạn sẽ thường bắt gặp thần chú yêu quý này khắc trên đá. Những du khách thì thích mua nhẫn với câu thần chú được khắc lên, bởi vì người ta cho rằng, ngay cả hành động đơn giản là nhìn chằm chằm vào thần chú cũng sẽ mang lại những tác dụng tích cực.

Các loại bánh xe cầu nguyện có kích cỡ khác nhau, còn được gọi là mani, cũng được dùng cho việc thực hành thiền Om Mani Padme Hum.

Các học viên Phật giáo quay bánh xe cầu nguyện lớn hoặc bánh xe nhỏ khi ngồi thiền hoặc tụng niệm thần chú, để nhận được nhiều phước lành.

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/cau-than-chu-om-mani-padme-hum-co-nghia-la-gi-d18777.html