'Cầu Rào' - Tình yêu và nỗi nhớ

Sau khi báo Hải Phòng ra ngày 24/12/2021, đăng bài thơ 'CẦU RÀO' của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, trang thơ Người Làm Báo nhận được bài bình của nhà thơ cựu chiến binh Nguyễn Như Khoa về giá trị bài thơ này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Cầu Rào là địa danh gắn liền với thành phố Hải Phòng. Cầu Rào đã đi vào thơ ca nhạc họa, là niềm tự hào của người dân đất cảng, người dân Việt Nam. Tôi đã có một thời chiến đấu bảo vệ bầu trời Thành phố cảng rất gần gũi, thân thương, nhưng thật ngạc nhiên về một bài thơ của tác giả nguyên là lãnh đạo, nhà báo nổi danh. Bài thơ của ông thấm đẫm tính trữ tình, sâu sắc triết lý. Tính hiện thực, chất lãng mạn bay bổng. Một tâm hồn thi sỹ thể hiện rõ nét qua thi phẩm “Cầu Rào” của tác giả Nguyễn Hồng Vinh.

Bãi tắm Đồ Sơn

Bãi tắm Đồ Sơn

Ngay vào đầu bài thơ là một câu hỏi: “Sao gọi là Cầu Rào?”Tác giả đã hỏi thay cho bao người, bởi tên cây cầu đã gợi lên sự tò mò thú vị: “Cầu” là để nối liền hai bên bờ của một dòng sông. “Rào” là từ gợi lên sự ngăn cách, cấm đoán, cản trở.

Để trả lời câu hỏi cho chính mình tác giả đã đưa hai giả định: Giả định thứ nhất Cầu Rào bắc qua con sông Lạch Tray, nằm trên đường Hải Phòng - Đồ Sơn. Đồ Sơn là vùng biển đẹp, vắng vẻ, lãng mạn là nơi trai gái hò hẹn yêu đương, nơi lớp trẻ “trải lòng” nhưng cũng là những băn khoăn lo lắng muốn “cách ngăn” của mẹ cha, sợ con cái mình khờ dại.

Giả định thứ hai cũng rất thú vị, có tầm chiến lược của một con người có tâm và có tầm “Thời chiến chặn giặc ngoại xâm gợi lên trong lòng độc giả những dấu son của lịch sử chống ngoại xâm của cư dân Đại Việt. Hai giả định thấu tình đạt lý đã thu hút, chinh phục người đọc ngay từ khổ thơ đầu mang nặng tinh suy tư triết lý chưa bộc lộ chất thơ. Chất trữ tình bắt đầu len lỏi xuống những khổ thơ sau “Tình yêu như nước ngầm len lỏi… Để hòa vào biển tình cuộn sóng”.

Cảng Hải Phòng

Tình yêu của con người Việt Nam, con người Hải Phòng hàng ngàn năm không hề thay đổi, ông cha mình đã bảo “yêu nhau tam tứ núi cũng trèo” thật là không sai, tình yêu đôi lứa vốn nó tự nhiên như những mạch ngầm, từ tình yêu tha thiết là tiền đề, là cơ sở cho một tình yêu lớn lao: Tình yêu tổ quốc, Tác giả đã diễn tả sự hòa quyện giữa cái riêng và cái chung, quá khứ và hiện tại rất thành công đầy chất lãng mạn “Để hòa vào biển tình cuộn sóng/ Sinh những lớp người nối chí cha ông” .

Tính nhân văn của bài thơ chính là sự hòa quyện giữa đất và người, truyền thống và hiện đại “Đất Dương Kinh” được nhắc tới như một niềm tự hào, sự hào sảng của một địa danh, một dân tộc. Sự hào sảng được bắt nguồn từ sự giản dị của cuộc sống thường nhật “những làng chài sầm uất sớm hôm”.

Những người dân chài ở biển Đồ Sơn, dân chài suốt dọc dài bờ biển hình chữ S như những chiến sỹ kiên trung bảo vệ vùng biển thân yêu. Tầm nhìn của tác giả như thấu suốt, như rạch ròi, tuy cuộc sống còn những đục trong nhưng hơn thế vẫn là sự kết dính của yêu thương. Tôi thích nhất câu thơ “Bãi phù sa khiến nước chưa trong/ Nhưng vị mặn là chất đời kết dính”.

Câu thơ chạm tới lòng trắc ẩn, chạm sự xúc động, xúc động từ chính lòng chân thành của tác giả truyền sang, thuyết phục người đọc với ý tứ sâu sa hòa trong vị mặn mòi, kết dính trong tình người tình đất. Sự vươn lên, được đánh đổi bằng mồ hôi, bằng cả máu xương vá ý chí kiên cường hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Những cây cầu vắt ngang TP Hải Phòng

Cầu Rào của Đất cảng thân yêu đang chuyển mình cùng với bao nhiêu cây cầu của đất nước ta, trên những đường mới thênh thang”. Đất nước vào xuân, cây cầu cũng vào xuân với sức mạnh như Phù Đổng vươn nhanh. Nhịp thơ nhanh hơn, rộn ràng hơn, từ ngữ hiện đại hơn, một tương lai tươi sáng hơn “Dự án đầu tư sẽ trải dài đất biển”. Bắt đầu từ một cây cầu và từ một cây cầu đã nối nhịp những bờ vui, từ những cây cầu đã nối liền tình yêu trăm ngả, cho đất nước chuyển mình, cho no ấm tự do. Đúng là “trong thơ có họa”, bài thơ rực lên một sắc màu chiến thắng, một sắc màu của sự dâng hiến tình yêu cho Tổ quốcNiềm vui thắm sắc hoa phượng đỏ”. Thành phố Hoa phượng đỏ là niềm tự hào của tác giả, của người dân đất cảng Hải Phòng và của mỗi chúng ta.

Khu tượng đài ở Bạch Đằng - Hải Phòng

Khổ thơ cuối cùng đã gói lại cảm xúc bằng thủ pháp nghệ thuật đầu cuối tương ứng, tác giả đã như phá tung cái nghĩa của từ “Rào” bó buộc ở khái niệm đề bài để cho sự vươn tới hạnh phúc và tự do, chúng ta được thừa hưởng sự ưu ái của thiên nhiên, chúng ta tự tay xây dựng những cây cầu như Cầu Rào Hải Phòng để sẵn sàng đón nhận “những cặp uyên ương qua đây ra đồi thông vi vút” để đón hạnh phúc của cuộc đời.

Tôi chợt nghĩ rằng: Tác giả khiêm nhường quá, tác giả muốn nhường những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ hôm nay, đúng nhưng chưa đủ! Trong khung cảnh thiên nhiên lãng mạn trữ tình Giữa đêm hè tắm trăng, nghe biển hát/ Thấu lẽ đời, với nghĩa nặng, tình thâm”, tại sao không phải là tác giả là những đôi uyên ương đã vì nhau, đã cùng nhau, đã chờ nhau khi mái đầu trắng màu sóng biển, khi tình người đã thấm vị mặn cuộc đời? Cầu Rào trở thành cây cầu “ nối những bờ vui”, vui của hạnh phúc lứa đôi, vui của đất nước trên đà đổi mới và phát triển bền vững.

Cầu Rào” là bài thơ hay, sự thành công của tác giả là sự đan xen giữa hiện thực và cảm xúc, giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái riêng và cái chung, giữa tình yêu và trách nhiệm. Kính chúc ông sẽ có cuộc vượt “Cầu Rào” ra biển Đồ sơn vào mùa hè tới!

Mùa Giáng sinh 2021

Nguyễn Như Khoa

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/den-voi-bai-tho-hay-cau-rao-n53583.html