Cấu phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo

Cùng với chính sách tổng thể của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính sách tín dụng do NHCSXH thực hiện là cấu phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở khu vực nông thôn, vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hộ nghèo vay vốn ngay tại điểm giao dịch xã của NHCSXH

Hộ nghèo vay vốn ngay tại điểm giao dịch xã của NHCSXH

Làm tốt sứ mệnh hỗ trợ giảm nghèo

Tại Hội nghị biểu dương 8 huyện, 38 xã, 30 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020 vừa tổ chức tại Hà Nội, 30 hộ gia đình thoát nghèo được biểu dương đều in đậm dấu ấn của nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Bên cạnh những hộ gia đình giàu ý chí và nghị lực thoát nghèo này là những địa phương ra khỏi danh sách huyện nghèo, xã nghèo một cách ngoạn mục…

Một trường hợp tiêu biểu là huyện Tân Uyên (Lai Châu). Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015, Tân Uyên cơ bản đã thực hiện các nội dung về phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người nghèo, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)… góp phần từng bước giảm tỷ lệ đói nghèo của huyện trong giai đoạn 2011-2015 từ 46,6% xuống còn 16,25%.

Sau đó, do chuyển đổi tiêu chí nghèo đa chiều thì số hộ nghèo của huyện lên đến 29,9% vào đầu năm 2016. Nhờ sự góp sức của NHCSXH, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tân Uyên đã giảm xuống còn 20,96%; hộ cận nghèo còn 12,38%.

Tính đến hết quý III/2018, dư nợ tín dụng của NHCSXH huyện Tân Uyên đạt 267 tỷ đồng. Nguồn tín dụng này là cơ sở để giai đoạn 2016 – 2020, huyện Tân Uyên phấn đấu mỗi năm giảm 4% - 4,5% tỷ lệ hộ nghèo và 1,0% - 1,5% hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia. Đến năm 2020, Tân Uyên trở thành huyện phát triển khá trong tỉnh Lai Châu.

Đây là minh chứng khẳng định NHCSXH đã làm tốt sứ mệnh của mình trong hỗ trợ giảm nghèo bền vững.

Sang giai đoạn 2016 - 2020, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được NHCSXH định hướng triển khai bài bản xuyên suốt cả hệ thống.

Theo đó, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, NHCSXH đã thành lập Ban Chỉ đạo và Kế hoạch triển khai và phân công nhiệm vụ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 tại NHCSXH, trực tiếp Tổng Giám đốc làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Từ định hướng này, chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể để tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn và chỉ đạo, thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm cơ sở thực hiện chính sách tín dụng. Đồng thời, trên cơ sở danh sách các huyện, xã được phê duyệt xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 tại địa phương, mỗi đơn vị đã lựa chọn và đăng ký hỗ trợ xây dựng NTM đối với 1 đơn vị cấp huyện và xã trên địa bàn.

Nhờ vậy, những lực đẩy mới cho công cuộc giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 cũng đã được tạo lập. Cụ thể, NHCSXH chủ động đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở.

Cùng với đó, NHCSXH đã tích cực vận động các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo với việc triển khai sâu rộng có hiệu quả sản phẩm tiết kiệm nhận tiền gửi từ dân cư người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng…

Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn NHCSXH huy động được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, giảm dần nguồn vốn cấp trực tiếp từ ngân sách cho các chương trình, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, mặc dù có những thời điểm khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tính đến 30/9/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 195.970 tỷ đồng, tăng 51.315 tỷ đồng, tăng 35,5% so với đầu năm 2016. Trong đó vốn địa phương ủy thác đạt 11.364 tỷ đồng, tăng 6.469 tỷ đồng so với đầu năm 2016.

Mở rộng đối tượng, đẩy đà phát triển bền vững

Để tăng cường hoạt động tín dụng chính sách góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, NHCSXH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi nhiều cơ chế chính sách mới, như: Cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; cho vay hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung; cho vay bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững; nâng mức vay chương trình HSSV; điều chỉnh mức vay tín dụng tối đa thực hiện chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Những chính sách mới này không chỉ giúp các hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập mà còn đáp ứng các tiêu chí khác của giảm nghèo đa chiều. Dòng vốn tín dụng chính sách dù nhiều chương trình song không dàn trải mà tập trung chủ yếu cho công cuộc giảm nghèo với cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo với 90% dư nợ tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giáo dục và đào tạo.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, doanh số cho vay các chương trình tín dụng đạt 159.091 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 116.411 tỷ đồng với trên hơn 6,1 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ đến 30/9/2018 đạt 184.727 tỷ đồng, tăng 42.199 tỷ đồng (tăng 29,6%) so với đầu năm 2016.

Giai đoạn này, vốn tín dụng chính sách đã góp phần thu hút, tạo việc làm cho trên 578.000 lao động, trong đó gần 11.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 154.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 3,7 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn, hơn 6.800 căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo một số tỉnh ven biển miền Trung và vùng ĐBSCL và Tây Nguyên, hơn 78.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc…

Riêng đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, doanh số cho vay đạt 14.064 tỷ đồng, với gần 469.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại các huyện nghèo đạt 20.107 tỷ đồng, tăng 8.980 tỷ đồng so với đầu năm 2016, với trên 598.000 khách hàng còn dư nợ. Thời điểm cuối 2015 dư nợ bình quân một huyện nghèo là 174 tỷ đồng thì đến nay, dư nợ bình quân đạt trên 236 tỷ đồng/huyện.

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giai đoạn 2016 - 2018 nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH đã đầu tư đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại 100% các xã, phường trên toàn quốc và giúp gần 1,1 triệu lượt hộ vượt ngưỡng nghèo; góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/cau-phan-quan-trong-trong-cong-cuoc-giam-ngheo/349792.vgp