Cầu nối yêu thương

Thời điểm đầu khi mới về đơn vị, các chiến sĩ thường có cảm giác nhớ nhà, chưa quen với môi trường huấn luyện trong quân ngũ. Có những đồng chí muốn liên hệ với gia đình, người thân nhưng ngại không dám bộc bạch với chỉ huy các cấp trong đơn vị.

Thấu hiểu suy tư, trăn trở ấy, phát huy trí tuệ của cán bộ, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong đơn vị, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) đã chỉ đạo khảo sát và triển khai mô hình “Chương trình thư gửi chiến sĩ”. Mô hình đã trở thành cầu nối gắn kết tình cảm, sẻ chia yêu thương của hậu phương tới cán bộ, chiến sĩ sư đoàn.

 Chiến sĩ Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) phấn khởi đọc thư từ hậu phương.

Chiến sĩ Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) phấn khởi đọc thư từ hậu phương.

Thượng tá Phạm Văn Hồng, Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn, chia sẻ: “Hiện nay, mạng internet và điện thoại thông minh phát triển mạnh mẽ, bởi vậy, việc viết thư tay bộ đội không còn phổ biến nữa. Nhận thấy việc gửi thư của gia đình, người thân cho quân nhân có tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, sư đoàn đã xây dựng mô hình “Chương trình thư gửi chiến sĩ”. Chúng tôi đã thành lập ban biên tập là cán bộ, ĐVTN nòng cốt trong đơn vị để tiến hành sưu tầm, biên soạn những bức thư hay của các anh hùng liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời phát động cán bộ, ĐVTN viết thư động viên nhau hoặc tuyên truyền gia đình, bạn bè các chiến sĩ thường xuyên có những bức thư gửi tới đơn vị chia sẻ tâm tư tình cảm, khích lệ con em, bạn bè của mình quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ”. Những bức thư ấy được tuổi trẻ đơn vị gửi trực tiếp tới chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, sau đó lựa chọn gửi Ban Tuyên huấn sư đoàn để tổng hợp, biên tập, thu âm và phát trên chương trình phát thanh nội bộ vào 21 giờ tối thứ 5 hằng tuần. Chương trình ngày càng thu hút đông đảo ĐVTN, trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu hằng tuần đối với tuổi trẻ đơn vị.

Được triển khai từ đầu năm 2020, mô hình đã tạo được sức lan tỏa, trở thành phong trào rộng khắp trong sư đoàn. Rất nhiều kỷ vật, bức thư xúc động của các anh hùng liệt sĩ được gửi đến chương trình và hàng trăm cánh thư tay từ hậu phương động viên bộ đội. Nhiều bức thư của người anh gửi em trai mới nhập ngũ, của cô gái trẻ gửi người yêu đang công tác tại đơn vị, của người cha động viên con vượt qua khó khăn và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ... Tất cả được biên tập để lời văn gọn gàng và súc tích hơn, phân lịch phát thanh cụ thể với thời lượng từ 10 đến 15 phút. Theo từng tuần, đều có những câu mở đầu đặc sắc, ấn tượng của ban biên tập khái quát về truyền thống đơn vị và nội dung cụ thể của chương trình. Ở mỗi buổi phát thanh, thường xuyên có sự thay đổi luân phiên giọng đọc cả nam và nữ trong tổ phát thanh để tránh sự nhàm chán, khô khan. Mỗi bức thư đều được ghép trên một nền nhạc khác nhau để tạo hấp dẫn với người nghe.

Chiến sĩ Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) đọc và viết thư gửi người thân nơi hậu phương.

Binh nhì Ngô Quốc Trung (Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2) không giấu được vui mừng: “Em rất hạnh phúc và bất ngờ vì tối thứ 5 vừa qua, “Chương trình thư gửi chiến sĩ” đã phát bức thư của mẹ gửi cho em. Qua giọng đọc truyền cảm của phát thanh viên, em như cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm, lời dặn dò, động viên của mẹ, tiếp thêm niềm tin để bản thân em thêm quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện”. Còn Đại úy Lê Quang Tưởng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 3), chia sẻ: “Trong các buổi phát thanh của chương trình, tôi ấn tượng hơn cả là bức thư có tiêu đề “Gửi con, chàng trai của ba”. Bức thư trên nền nhạc ấm áp khiến tôi nhớ lại ngày mình mới nhập ngũ, được bố động viên, định hướng để có thêm động lực phấn đấu, trưởng thành như ngày hôm nay”.

Nhiều bạn trẻ trong đơn vị ấn tượng với bức thư của Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở Thái Bình, trước khi bước vào trận chiến đấu ác liệt tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị đã viết thư gửi về gia đình với quyết tâm cao nhất chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Trung sĩ Nguyễn Quang Minh (Đại đội 20, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 9) xúc động: “Nghe bức thư của Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Huỳnh phát trong “Chương trình thư gửi chiến sĩ”, chúng em càng thêm tự hào, khâm phục ý chí chiến đấu, tinh thần dám hy sinh vì Tổ quốc của thế hệ đi trước. Ở độ tuổi còn rất trẻ nhưng các anh đã biết lựa chọn lý tưởng sống đúng đắn và cao đẹp. Chúng em thấy rõ trách nhiệm của mình hơn khi soi chiếu vào tấm gương hy sinh anh dũng của các anh”.

Đánh giá về hiệu quả mô hình “Chương trình thư gửi chiến sĩ”, Đại tá Nguyễn Hữu Thắng, Phó chính ủy Sư đoàn 9, nhận định: “Thời gian qua, mô hình này đã được đơn vị áp dụng, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, sát với thực tiễn đơn vị. Qua đó tạo bước nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng, hành động cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn sư đoàn. Chương trình đã trở thành cầu nối thân thiết giữa gia đình với chiến sĩ, giữa cán bộ, ĐVTN với nhau, động viên bộ đội an tâm công tác, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Bài và ảnh: ĐÀO HIỆP - HOÀNG CẦM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/cau-noi-yeu-thuong-626077