Cầu nối hòa bình

Cách đây 65 năm, thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành mốc son chói lọi, khép lại cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam, đồng thời là nguồn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Kỷ niệm 65 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Kỷ niệm 65 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từng là chiến trường ác liệt, ngày nay, Điện Biên Phủ còn được biết đến như một cầu nối của hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Với chủ đề “Kỷ niệm 65 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ nhìn từ góc độ quốc tế và địa phương”, hội thảo khoa học quốc tế vừa diễn ra tại Hà Nội là dịp để các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế tiếp tục khẳng định dấu ấn của Chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung và địa danh Điện Biên Phủ nói riêng, với vai trò là cầu nối của hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. PGS, TS Vũ Quang Hiển, thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh, Điện Biên Phủ từng là nơi đối đầu trực tiếp giữa quân đội và nhân dân Việt Nam với quân đội thực dân Pháp. Sự kết thúc của cuộc đối đầu này được nhiều bên chờ đợi, với những hy vọng khác nhau, cuối cùng đã đi đến một điểm chung là các bên tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Câu chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định rằng, mặc dù khác biệt về chế độ chính trị, lợi ích dân tộc, nhưng các quốc gia đều cần chung sống hòa bình và mọi xung đột đều có thể được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Với tinh thần đó, sau khi chiến tranh kết thúc, hai nước Việt Nam và Pháp đã từng bước gác lại quá khứ và vun đắp tình hữu nghị. Điện Biên Phủ, từ nơi đối đầu, đã trở thành điểm hẹn của văn hóa, lịch sử và tình hữu nghị giữa hai dân tộc. ThS Nguyễn Thị Tô Hoài (Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ nhất là sau khi Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, Điện Biên Phủ đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người dân châu Âu, trong đó có nhân dân Pháp. Hiện nay, Điện Biên Phủ với những nét văn hóa đặc trưng và những di tích nổi bật gắn liền chiến thắng lịch sử năm 1954, đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, thu hút khách du lịch nước ngoài. Theo thống kê của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, những năm gần đây, khách đến tham quan các điểm di tích tại Điện Biên Phủ tăng đáng kể, trong đó, khách du lịch Pháp chiếm số lượng lớn trong tổng số khách quốc tế. Du lịch Điện Biên Phủ đã trở thành một trong những cầu nối giúp thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam - Pháp.

Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Chiến dịch Điện Biên Phủ tạo cơ hội cho các cuộc gặp gỡ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp. Theo ông P.Giuốc-nô, Giáo sư lịch sử đương đại tại Trường đại học Pôn - Va-lê-ri Mông-pơ-li-ê 3 (Pháp), cuộc gặp giữa các lãnh đạo Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lãnh đạo Pháp, trong khuôn khổ các cuộc đàm phán tại Giơ-ne-vơ năm 1954, là những bước đi đầu tiên, mang tính gây dựng, giúp hai nước hiểu và tôn trọng nhau hơn. Cơn gió Điện Biên Phủ giúp Việt Nam và Pháp nối lại đối thoại sau một thời gian dài gián đoạn, để rồi chuyển quan hệ hai quốc gia từ thù địch sang bạn bè, mặc dù trải qua nhiều thử thách, nhưng đã từng bước phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược như ngày nay.

ThS Phạm Minh Thế, thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, những hoạt động nghiên cứu về Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành “chất kết dính” giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp, đồng thời là cơ hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Theo GS L.Cam-pa, Đại học Pa-ri Năng-te (Pháp), Chiến thắng Điện Biên Phủ là đề tài của nhiều cuốn sách trên thế giới và đã để lại dấu ấn riêng trong các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật. Nhiều người đã kể và viết về chiến thắng này trong suốt 65 năm qua. Đó là những nhân chứng, nhà báo, nhà làm phim và cả những cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam. Thông qua các tác phẩm đó, nhân dân Pháp nói riêng và thế giới nói chung có cơ hội hiểu rõ hơn về truyền thống dân tộc, bản sắc văn hóa của Việt Nam.

Hòa bình không chỉ là khát vọng của nhân dân Việt Nam, mà cả nhân loại. Với khát vọng đó, Điện Biên Phủ ngày nay không chỉ gắn liền chiến thắng vang dội một thời, mà còn được nhắc đến như một biểu tượng của tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

PHONG CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/40099302-cau-noi-hoa-binh.html