Cầu nối giúp thanh niên tạo vốn, lập nghiệp

Từ việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, thời gian qua đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh đã tích cực thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, tạo sức lan tỏa rộng khắp...

Lãnh đạo Tỉnh đoàn thăm mô hình phát triển trồng cây ăn quả của thanh niên trên địa bàn huyện Như Thanh (ảnh chụp tháng 3-2021).

Sau khi tốt nghiệp đại học, trải qua nhiều nghề nhưng vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống, anh Lê Văn Thôi, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân quyết định về quê lập nghiệp và phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nhận thấy thị trường trong và ngoài nước đang có nhiều doanh nghiệp cần nhập quả ớt cay về làm nguyên liệu chế biến tương và sản xuất dược liệu, anh đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn vay khởi nghiệp thông qua kênh của Tỉnh đoàn, bạn bè, người thân để thực hiện mô hình trồng cây ớt an toàn xuất khẩu. Bước đầu, anh Thôi đã nhập các giống ớt có chất lượng tốt và sử dụng 2 ha đất của gia đình để xây dựng mô hình. Để cây trồng có chất lượng tốt, anh đầu tư hệ thống tưới tiêu, chọn thời điểm thích hợp để gieo giống, chăm bón. Do ớt là cây có khả năng chống chịu thời tiết tốt nên anh trồng tập trung, tỉa cành trên từng thửa ruộng, bón phân định kỳ. Sau 3 tháng, mô hình trồng ớt an toàn của anh đã đơm hoa kết trái, thu hoạch được 1 tấn ớt. Năm 2013, nhận thấy thị trường tiêu thụ ớt an toàn trên thế giới ngày một tăng cao, anh Thôi đã liên kết với nhiều doanh nghiệp để xuất khẩu ớt. Ngoài trồng ớt trên diện tích đất của gia đình, anh cũng mở rộng trồng ớt, bao tiêu sản phẩm và đầu ra cho người trồng ớt quanh vùng, giúp các hộ dân có thu nhập ổn định từ loại cây trồng này. Nhờ kiên trì chịu khó, mô hình sản xuất ớt an toàn xuất khẩu của anh Thôi đã và đang đem lại cho gia đình anh thu nhập ổn định khoảng 1 tỷ đồng/năm. Hiện mô hình trồng ớt an toàn của gia đình anh đã mở rộng lên 5 ha. Ngoài ra, anh cũng trồng thêm các loài cây ăn quả, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập; đồng thời thành lập Công ty TNHH Nông sản Hoài An chuyên buôn bán sản phẩm ớt an toàn và phân phối thức ăn chăn nuôi, tạo việc làm cho 30 - 40 nhân công là người địa phương. Sản phẩm ớt của anh Thôi luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được xuất khẩu bán sang các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, cũng như được bán rộng rãi ở thị trường trong nước như tại các tỉnh Nghệ An, Sơn La...

Để hỗ trợ về vốn cho ĐVTN trong tỉnh phát triển kinh tế, tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp, thông qua kênh của Tỉnh đoàn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chỉ đạo triển khai rà soát nhu cầu vốn để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Tính đến ngày 31-3, tổng dư nợ của chương trình thanh niên khởi nghiệp đạt 19,425 tỷ đồng với 283 dự án được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Thông qua nguồn vốn này, nhiều ĐVTN đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Trao đổi tại buổi kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại huyện Như Thanh, đồng chí Lê Hữu Quyền, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cho biết: Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là hướng đi đúng và có hiệu quả. Đây cũng là giải pháp quan trọng để thu hút ĐVTN ở lại quê hương để lập thân, lập nghiệp. Để tiếp tục đồng hành cùng thanh niên phát triển kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phối hợp với Tỉnh đoàn thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi và ưu tiên đối tượng được vay vốn là thanh niên. Đồng thời, ngân hàng cũng tiếp tục nghiên cứu, chủ trương đề nghị nâng mức cho vay cao hơn 50 triệu đồng/hộ, trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Theo đánh giá của Tỉnh đoàn, cùng với việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, với nguồn vốn vay 120 (Chương trình vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm), các cấp bộ đoàn cũng đã giải ngân cho 43 dự án của thanh niên. Thêm vào đó, thực hiện chương trình đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, Tỉnh đoàn đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt sửa đổi và nâng nguồn vốn vay thuộc đề án chương trình tín dụng ưu đãi khởi nghiệp trong ĐVTN giai đoạn 2020 – 2022 lên 50 tỷ đồng. Từ việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ ĐVTN đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động thất nghiệp tại địa phương. Việc triển khai nguồn vốn vay đã góp phần giúp ĐVTN giải quyết khó khăn về vốn, đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển trang trại, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, tạo điều kiện khích lệ, động viên thanh niên khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong việc phát triển kinh tế tại địa phương, Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội trên địa bàn toàn tỉnh định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ cho thanh niên phát triển rộng rãi mô hình kinh tế tập thể với nhiều hình thức, quy mô và trình độ khác nhau trong các ngành, các lĩnh vực; đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, giới thiệu gương người tốt, việc tốt giúp các ĐVTN có thêm kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng, làm theo; duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên làm ăn có hiệu quả...

Bài và ảnh: Lê Phượng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/cau-noi-giup-thanh-nien-tao-von-lap-nghiep/138739.htm