Cầu nối giúp học viên hòa nhập cộng đồng

Là nơi hỗ trợ cai nghiện cho những người nghiện ma túy, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) đã có nhiều nỗ lực trong điều trị, quản lý, giáo dục, dạy nghề cho hàng trăm học viên, giúp họ có nhiều cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.

Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh hiện quản lý 602 đối tượng; trong đó có 422 đối tượng tự nguyện, 127 đối tượng bắt buộc, 53 đối tượng không nơi cư trú. Để thực hiện tốt công tác điều trị cho người cai nghiện, Cơ sở rất chú trọng các khâu, từ tiếp nhận, phân loại, điều trị cắt cơn, giải độc, đến giai đoạn giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách, lao động trị liệu, dạy nghề. Cơ sở còn chú trọng tổ chức dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, phục hồi nhân cách, gắn với tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm cho học viên.

Học viên tham gia làm giấy tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh.

Học viên tham gia làm giấy tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh.

Để bảo đảm an ninh trật tự, hằng năm, Cơ sở xây dựng các phương án chống trốn, chống thẩm lậu. Cán bộ, nhân viên của Cơ sở luôn bảo đảm các vị trí làm việc 24/24 giờ. Từ đầu năm đến nay, an ninh trật tự của Cơ sở được kiểm soát tốt, không có các vụ trốn, đánh nhau, gây rối quy mô lớn, có tổ chức; hàng cấm, hàng thẩm lậu, đặc biệt là ma túy được kiểm soát chặt chẽ. Cơ sở đã tổ chức gặp thân nhân cho 1.781 lượt đối tượng đúng quy định.

Học viên Trần Văn Khoản (phường Tuần Châu, TP Hạ Long) 32 tuổi, là lần thứ 2 tự nguyện vào Cơ sở để cai nghiện (lần đầu vào năm 2017, lần thứ 2 đầu năm 2019). Được sự quan tâm điều trị của Cơ sở, đến nay, sức khỏe của Khoản đã dần hồi phục, hết các triệu chứng nghiện; tham gia học tập, lao động tích cực để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Khoản cho biết: "Lần đầu đi cai nghiện về, do không làm chủ được bản thân, em nghiện lại. Khi nghiện rồi, bạn bè, hàng xóm ai cũng lẩn tránh. Ân hận lắm. Lần này vào đây, thấy cán bộ gần gũi, giúp đỡ học viên, em thấy mình có động lực hơn và quyết tâm cai nghiện, không tái nghiện".

Cùng với việc chữa bệnh và cai nghiện cho học viên, những năm qua, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh còn phối hợp với một số trường, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy các nghề phổ thông: Trồng trọt, chăn nuôi, đan lưới, làm chiếu, giúp học viên sau cai nghiện có cơ hội tìm việc làm, thu nhập ổn định, giảm thiểu nguy cơ tái nghiện. Từ đầu năm đến nay Cơ sở đã mở 4 lớp sơ cấp nghề cho 132 đối tượng, truyền nghề trực tiếp cho gần 200 đối tượng (nghề gia công điện tử, đan chiếu). Thông qua lao động, giúp học viên nhận thức được giá trị của lao động, có tư tưởng, sống tích cực hơn, để tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Học viên tăng gia sản xuất tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh.

Ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, cho biết: 222 đối tượng tiếp nhận mới/379 học viên của Cơ sở là nghiện ma túy tổng hợp, chủ yếu là ma túy đá. Số đối tượng này thường không làm chủ được hành vi, gây khó khăn trong tiếp nhận cũng như tổ chức các hoạt động cắt cơn, điều trị, sinh hoạt, lao động. Cơ sở không có cán bộ làm công tác y tế có trình độ bác sỹ, chuyên khoa tâm thần..., nên thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, chữa trị cho học viên gặp nhiều khó khăn.

Để nâng cao chất lượng điều trị, giúp học viên cai nghiện thành công, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, kết quả cuối cùng lại phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực, quyết tâm của các học viên. Sau quá trình được điều trị tập trung, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý người sau cai nghiện; tạo điều kiện về việc làm, thu nhập, giúp họ từ bỏ hoàn toàn với ma túy trở thành người có ích cho cộng đồng.

Thu Trang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201907/co-so-cai-nghien-ma-tuy-tinh-cau-noi-giup-hoc-vien-hoa-nhap-cong-dong-2448146/