Cầu nối giữa đất liền với Trường Sa

Sau gần 20 ngày vượt sóng cả, gió rít, đoàn công tác đã hoàn thành nhiệm vụ mang tình cảm được gửi gắm từ đất liền kèm theo những kiện hàng Tết đến với quân và dân đang thực hiện nhiệm vụ và sinh sống trên tuyến đảo phía Nam thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Trong suốt hải trình đó, những thủy thủ của tàu kiểm ngư KN 490 (Cục Thủy sản – Bộ NN & PTNT) đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho đoàn nhà báo chúng tôi.

Thời gian dài lênh đênh trên biển, ngoài những lúc thực hiện các nhiệm vụ, chúng tôi lại tranh thủ tìm hiểu thêm về thủy thủ đoàn và chiếc tàu KN 490 – một trong những tàu kiểm ngư hiện đại nhất của Việt Nam hiện nay. Tàu có chiều dài toàn bộ là 90,50m. Chiều rộng của tàu là 14m, chiều cao 7m, chiều chìm thiết kế là 3,75m, chiều chìm tối đa là 4,1m. Tốc độ tối đa của tàu đạt 21km/h. Đặc biệt, tàu có hệ thống vây giảm lắc, giúp giảm tác động của sóng, gió biển tới thân tàu. Tàu được sản xuất tại Công ty đóng tàu Hạ Long và hoàn thành vào năm 2014. Theo anh Lê Văn Dương – Thuyền Trưởng tàu KN 490, tàu có nhiệm vụ thực hiện công tác tìm kiểm cứu nạn, tiếp tế hàng hóa cho các đảo, kiểm ngư, tuần tra xa bờ. “Để đảm bảo cho hành trình dài ngày trên biển, thủy thủ đoàn phải thay nhau túc trực 24/24 trên đài chỉ huy lẫn dưới khoang máy. Mỗi vị trí phải bố trí ít nhất 3 người. Trong tình huống thời tiết xấu, sóng to, gió lớn, thuyền trưởng cũng phải cử 3 người trực ở mũi tàu để theo dõi mỏ neo” – anh Dương cho biết.

Anh Trần Văn Nhật – Thuyền Phó tàu KN 490 cho hay: Trước mỗi hải trình, thủy thủ đoàn phải chuẩn bị kế hoạch đảm bảo cho chuyến đi an toàn và kinh tế nhất. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên nhiệm vụ được giao, tình hình thời tiết và địa hình khu vực hoạt động của tàu. Kế hoạch phải được cấp trên phê chuẩn thì hải trình mới được thực hiện. Sau khi được phê chuẩn, thủy thủ đoàn sẽ căn cứ vào kế hoạch đó để triển khai các nhiệm vụ. Khi tới một khu vực biển, thủy thủ đoàn có nhiệm vụ vẽ chi tiết hải đồ khu vực mình đến, cũng như xác định vị trí của tàu. Công việc này rất quan trọng, vì mặc dù có sự hỗ trợ của hệ thống định vị GPS và hải đồ số của tàu, nhưng hệ thống này vẫn có sai số, hơn nữa thực địa trên biển có thể có những thay đổi. Ngoài ra, việc vẽ chi tiết hải đồ hành trình này còn có giá trị pháp lý cho chuyến công tác.

Các chiến sĩ - thủy thủ Tàu KN 490 làm nhiệm vụ. Ảnh: NC

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển tại khu vực quần đảo Trường Sa vào dịp cuối năm Âm lịch thường có gió mùa Đông Bắc thịnh hành và gặp phải thời tiết xấu, gió mạnh, biển động dữ dội. Cụ thể, từ ngày 11/1, sau khi đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ ở cụm đảo Đá Đông thì Trường Sa có gió cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, biển động mạnh. Trước những diễn biến xấu của thời tiết, thủy thủ đoàn đã phải điện vào bờ xin phép Trung tâm điều hành cho thay đổi kế hoạch. Thay vì từ Đá Đông đi Trường Sa Đông, tàu đổi lịch trình đi Đá Tây và neo lại đây để tránh ảnh hưởng của thời tiết xấu. Theo anh Đoàn Văn Duân – Bí thư chi bộ tàu KN 490, cụm đảo Đá Tây là nơi tránh trú bão lý tưởng vì nơi đây bên cạnh âu tàu của đảo Đá Tây A còn có ngọn hải đăng của đảo Đá Tây B. Bên cạnh Đá Tây A còn có hồ tự nhiên, là một thềm san hô rộng hơn 1,5ha, nằm giữa khu vực biển nước sâu, khi thủy triều xuống thấp nhất nó có độ sâu 15 – 20m, nên tàu có thể vào đây để tránh sóng. Do thời tiết xấu nên đoàn công tác đã phải ở lại vị trí này 4 ngày.

Nhớ lại thời gian đó, sóng cả, gió rít ầm ầm, tàu cứ chòng chành, lúc nghiêng bên này, lúc ngả bên kia. Thi thoảng lại thấy tàu nghiêng, lắc mạnh, nổ máy di chuyển, rồi lại thả neo, lặp đi lặp lại hàng chục lần. Các thủy thủ của tàu cho hay, thành phần đá tại đảo Đá Tây chủ yếu là san hô và cát, nên neo rất khó bám chắc. Lại thêm gió mạnh, sóng lớn làm mỏ neo bị tuột, tàu bị trôi nên các thủy thủ phải thay nhau, căng mắt trực để canh neo. Cũng bởi thế mà số người bị say sóng trong đoàn gia tăng. Khi ấy, những thủy thủ của tàu KN 490 vốn là những người từng trải, dày dạn sương gió lại sống rất tình cảm và chu đáo đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho đoàn nhà báo chúng tôi.

Gần 20 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi không khỏi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhất là những ngày sóng to, gió lớn, tàu không thể di chuyển được, phải neo để chờ. Nhưng những cây văn nghệ đặc biệt trên tàu đã giúp nguôi ngoai phần nào. Trong đó nổi bật là anh Đinh Văn Công, không chỉ là một kiểm ngư viên tài ba trong điều khiển xuồng máy, đưa đoàn nhà báo chúng tôi lên đảo an toàn trong điều kiện sóng to, gió lớn mà anh còn là một ca sỹ thực thụ. Những bài hát anh hát về Biển và Trường Sa, khiến chúng tôi chỉ biết lặng yên mà nghe. Những đêm lộng gió, giữa mênh mông của biển, anh hát “Lời thỉnh cầu từ mẹ Biển Đông”, một sáng tác của GS. TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, cả đoàn đã lặng đi vì xúc động. Những ca từ đẹp, ý nghĩa và giai điệu đậm chất dân ca của bài hát được thể hiện bởi giọng ca đầy truyền cảm khi tàu đang ở giữa Trường Sa, đã giúp chúng tôi cảm nhận rõ nhất về Trường Sa thân yêu, thêm yêu và trân trọng vùng đất đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.

Lần đầu tiên đến với Trường Sa, tôi thật may mắn khi được đi trên chiếc tàu KN 490. Đây không chỉ là một trong những chiếc tàu hiện đại nhất của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam mà ở đây, còn có các thủy thủ kiên trung, gan dạ, các anh đã dành toàn bộ tuổi thanh xuân của mình cho Trường Sa, đưa Trường Sa về gần với đất liền, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cau-noi-giua-dat-lien-voi-truong-sa-67877.html