Câu nói giản dị của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được giới chức Mỹ tán thưởng

Câu nói giản dị 'Đời là như vậy mà' của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại một cuộc tiếp xúc với rộng rãi các giới chức và tầng lớp xã hội Mỹ khiến nhiều người phải tán thưởng.

Đời là như vậy mà

Trò chuyện với PV VTC News, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội Khóa 14, kể lại những kỷ niệm của mình về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, người mà ông nhận xét là giản dị, hồn hậu, mang đậm chất “lão nông đất Củ Chi”.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải bắt tay Tổng thống Mỹ G.W.Bush tại Nhà Trắng vào sáng 21/6/2005. (Ảnh: White House).

Ông Dương Trung Quốc hồi tưởng lại một kỷ niệm đáng nhớ nhất khi được tiếp xúc, làm việc cùng Thủ tướng Phan Văn Khải. Đó là trong một cuộc tiếp xúc với rộng rãi các giới chức và tầng lớp xã hội Mỹ.

Sau khi cựu binh, thượng nghị sĩ Mỹ John Mc Cain, người có đóng góp rất nhiều cho quan hệ Mỹ - Việt, vừa phát biểu xong và từ diễn đàn bước xuống thì có một người Mỹ trong đám cử tọa đứng dậy buông những lời lẽ và có những hành động xúc phạm gay gắt, gây chuyện ồn ào.

Lúc này, các nhân viên công lực nhanh chóng dàn xếp để đưa người quá khích ra khỏi cuộc họp.

Lúc đó đến lượt Thủ tướng Phan Văn Khải bước lên diễn đàn phát biểu. Câu mở đầu rất đơn giản đã khiến cho tất cả cử tọa tán thưởng và khiến không khí hào hứng của cuộc gặp mặt trở lại. Đó chính là câu: “Đời là như vậy mà”.

Trong bài phát biểu hôm đó, Thủ tướng Phan Văn Khải muốn nói rằng để đạt được bình thường và phát triển quan hệ giữa hai nước sau một di sản to lớn và nặng nề của quá khứ thù địch cũng như nhiều cách biệt về tư tưởng chính trị là không hề đơn giản.

Bởi vẫn có những thế lực chống đối, những người chưa tán thành là lẽ tất nhiên. Vì thế con đường phía trước vẫn là một cuộc phấn đấu gian khổ và lâu dài cả của cả hai quốc gia.

Về chuyến thăm cấp cao đầu tiên trong lịch sử bang giao Việt – Mỹ sau 30 năm kết thúc chiến tranh của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Dương Trung Quốc nhớ lại: “Tháng 6/2005, là thành viên nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt - Mỹ, tôi được tham gia đoàn của Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Hoa kỳ, một chuyến đi mang tính lịch sử của vị đứng đầu Nhà nước Việt Nam sau 30 năm chiến tranh, 20 năm cấm vận và 10 năm bình thường hóa quan hệ.

Nhóm nghị sĩ có nhiệm vụ tham gia những hoạt động “hành lang”, tiếp xúc với các tổ chức xã hội và nghị sĩ Hoa kỳ nên chỉ theo đoàn của Thủ tướng một số sự kiện. Tâm điểm của chuyến đi là cuộc tiếp xúc giữa người đứng đầu chính phủ 2 nước tại Nhà Trắng, đó là ngày 21/6/2005".

Nhà sử học Dương Trung Quốc kể thêm: "Đêm hôm trước sự kiện này, vào chập tối, anh em báo chí theo đoàn được mời dự kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Thủ tướng nói rằng, lẽ ra phải kỷ niệm vào ngày mai nhưng lại đúng vào lịch gặp Tổng thống Bush, nên hôm nay, tôi muốn muốn gặp anh em báo chí để chúc mừng và khích lệ anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ của chuyến đi quan trọng này.

Bác Khải cũng nói rằng lúc này là chập tối ở Mỹ, nhưng hửng sáng ở Việt Nam, nên ông sẽ phải thức để trao đổi với các vị lãnh đạo ở nhà. Do tầm quan trọng của cuộc gặp nên mọi điều đều phải thận trọng, bảo đảm nói đúng với những ý kiến của tập thể lãnh đạo trong nước đã nhất trí.

Lúc đầu, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ định gặp anh em báo chí trong một quãng thời gian ngắn, nhưng rồi tình cảm của anh chị em làm báo khiến cuộc tiếp xúc kéo dài hơn dự kiến và đêm đó chắc chắn là một đêm ấn tượng với vị Thủ tướng Việt Nam”.

Về chi tiết nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cầm giấy khi hội đàm với Tổng thống Bush, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Những gì diễn ra trong buối tiếp xúc ở Nhà Trắng ngày hôm sau cũng dễ hiểu khi có nhiều người băn khoăn về việc Thủ tướng cầm giấy khi trao đổi với người cầm đầu nước chủ nhà.

"Trong trường hợp này, sự chắc chắn trong phát ngôn là điều phải ưu tiên hàng đầu, mọi sơ suất đều khó được chấp nhận.

Đến nay, các cuộc tiếp xúc cấp cao Việt-Mỹ nhiều hơn và có phần thoải mái hơn. Điều này càng khẳng định trách nhiệm nặng nề của người khai mở như Thủ tướng Phan Văn Khải hơn một thập niên trước.

Cũng cần nhắc lại, sau cuộc hội đàm ấy, hai nước đã thiết lập một nguyên tắc quan hệ được thể hiện trong “16 chữ vàng”, đó là: “quan hệ hữu nghị - đối tác xây dựng - hợp tác nhiều mặt - ổn định lâu dài”. Những bước khởi đầu khi đó được coi là rất ngoạn mục...”.

Video: Báo chí quốc tế ca ngợi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Trân trọng giá trị văn hóa – lịch sử

Theo ông Dương Trung Quốc, năm 2005, khi ở Mỹ, đoàn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đến Boston. Tại đây, đoàn đi thăm Khách sạn Omni Parker, là nơi còn dấu tích những ngày tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động những năm đầu của thập kỷ 20 của thế kỷ trước.

Tại đây, khách sạn vẫn bảo tồn không gian lịch sử ghi dấu ấn người thợ làm bánh Việt Nam dưới tầng hầm. Khách sạn này luôn tự hào với thương hiệu là nơi gắn với tên tuổi của 3 nhân vật lịch sử.

Đó là: Hồ Chí Minh; người thợ làm bánh của khách sạn Macolme X - một nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc nổi tiếng; J.Kennedy là người đã đặt bản doanh của cuộc tranh cử Tổng thống tại khách sạn này và sau đó đã đắc cử tổng thống.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Mãi cho đến hôm nay, tôi không có dịp gặp lại, nhưng hình ảnh của bác Khải trong tôi vẫn luôn được hình dung như một lão nông thư thái sống tại mảnh đất Củ Chi cho đến ngày ra đi…”.

Khi đến thăm, đoàn tề tựu bên chiếc mặt bàn bằng đá năm xưa Bác Hồ nhào bột nặn bánh, ông Phan Văn Khải khi đó nói nhỏ với ông Dương Trung Quốc rằng: “Cậu thấy không, người ta biết giữ những giá trị lịch sử một cách rất khôn ngoan, nghe đâu khách thường xuống đây phải trả tiền lệ phí tham quan đấy”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc kể lại: “Sau khi thăm Hoa kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải còn tiếp tục có chuyến thăm Canada. Trước đó, khi đến thành phố Québec (Canada), nơi cộng đồng nói tiếng Pháp, tôi được mấy anh bạn Việt kiều tranh thủ lúc rỗi rãi đến thăm một địa điểm mà khi giới thiệu tôi được biết nó là niềm tự hào của cọn đồng người Việt tại đây.

Đó là tại một công viên, thành phố cho phép các cộng đồng người ngụ cư được tôn vinh các đồng bào danh tiếng của mình dưới hình thức một bức tượng bán thân bằng đồng. Cộng đồng người Việt đã được dựng tại đây bức tượng vị anh hùng dân tộc và cũng là nhà văn hóa lớn của thế kỷ 15 là Ức Trai Nguyễn Trãi .

Bức tượng đồng nhỏ chỉ hơn khuôn mặt bình thường, nhưng các bạn Việt kiều của tôi luôn nhắc tôi rằng, Nguyễn Trãi được dựng trước cả đại thi hào Puskin của Nga.

Nói thế không phải là so sánh hai vị danh nhân của hai dân tộc với nhau mà các bạn muốn nói rằng chính quyền sở tại đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt hơn cả người Nga, nên danh nhân Việt Nam được dựng trước.

Nghe vậy tôi mới cảm nhận được tâm thức bà con Việt kiều tự hào về bức tượng này như thế nào.

Khi trở về đoàn, tôi xem lại chương trình của đoàn lại không thấy có việc viếng thăm bức tượng này. Tôi gặp bà đại sứ Việt Nam tại Canada bày tỏ rằng nếu đoàn của Thủ tướng không đến thăm thì không chỉ có lỗi với danh nhân mà chính quyền sở tại và bà con Việt kiều sẽ nghĩ ra sao?

Bà đại sứ suy nghĩ rồi cho biết thời gian gấp quá, chương trình không xếp nổi lịch. Lúc đó, tôi nghĩ rằng có thể điều bà đại sứ ngại việc bức tượng Nguyễn Trãi nhỏ quá chăng?

May mắn sao đúng lúc đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao xuất hiện. Tôi đem chuyện này nói với anh Giao. Anh Giao nghe xong, bảo tôi: “Anh Quốc cứ chờ đây, tôi sẽ vào báo cáo với Thủ tướng”.

Một lát sau, anh Giao đi ra và nói với tôi là Thủ tướng đã đồng ý đến thăm bức tượng cụ Nguyễn Trãi và nói chuyện với bà con Việt kiều. Ngay sau đó, Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu điều chỉnh kế hoạch ngay. Anh Giao hồ hởi nói: “Thủ tướng nghe xong bảo bằng mọi cách phải đến viếng”.

Sớm hôm sau, đoàn được lệnh rời khách sạn sớm hơn dự kiến để trước khi về nước, dành thời gian ghé thăm và chiêm ngưỡng bức tượng Ức Trai.

Lúc đoàn đến, bà con Việt kiều ở Québec đã đứng chờ ở đó rất đông. Kiến trúc sư là tác giả bức tượng cụ Nguyễn Trãi cũng có mặt ở đấy.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã vui vẻ bắt tay, trò chuyện thân mật với tất cả mọi người. Điều này tạo ra ấn tượng rất tốt đối với bà con Việt kiều cũng như những người bạn Canada”.

“Một chi tiết nhỏ như thế thôi, song nó cũng cho thấy phần nào về tính cách của Thủ tướng Phan Văn Khải, nổi bật lên đó chính là sự cầu thị. Khi có ý kiến góp ý đúng là Thủ tướng sẵn sàng lắng nghe. Khi có thông tin mới là Thủ tướng xử lý và ra quyết định ngay”, ông Dương Trung Quốc nhận xét.

‘Về quê tôi cũng sẽ mặc áo không cổ’

“Tôi không có dịp được làm việc nhiều với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nhưng vào mỗi kì họp Quốc hội lại có dịp gặp ông ở ngoài hành lang Quốc hội với một vài câu chuyện có liên quan đến lịch sử hay công tác bảo tồn…”, ông Quốc nhớ lại.

Về kỷ niệm trong Quốc hội với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Dương Trung Quốc chia sẻ: “Nhiệm kỳ bác Khải còn đương nhiệm Thủ tướng, trong Quốc hội có 4 đại biểu “để ria mép” mà bác Khải hay gọi vui là “bốn gã có râu” (tôi, anh Thắng Đồng Tâm, anh Đào giáo sư và anh Chính ở Đà Nẵng).

Một lần, khi gặp tôi, bác Khải bảo: “Ngày hôm qua có mấy cậu nhà báo đến phỏng vấn mình, thấy ăn mặc giống anh Quốc quá. Mình hỏi vui mấy nhà báo rằng đấy có phải là “mốt của anh Quốc râu không?”.

Thực ra, theo thói quen thôi, tôi vốn thích mặc loại áo sơ mi có cổ đứng (có thể gọi là không cổ). Nên tôi vội giải thích với bác Khải rằng tôi thích áo không cổ chỉ vì khỏi phải đeo caravat.

Bác Khải nghe xong liền cười: “Tôi cũng thích như anh. Nhưng hiềm vì việc đang làm lúc nào cũng phải trong vai trịnh trọng. Khi nào tôi được nghỉ, về nhà hay về quê tôi cũng sẽ mặc áo không cổ, mà là áo khoét cổ kiểu bà ba của bà con nông dân chứ áo anh vẫn còn tí cổ”.

Câu nói vui ấy cộng với bài phát biểu kết thúc nhiệm kỳ chính phủ, hoàn thành cương vị Thủ tướng của bác Khải, một bài phát biểu rất chân chất, thẳng thắn nói về những đóng góp và cũng thẳng thắn nhận những hạn chế của Chính phủ và chính mình, vẫn để lại những ấn tượng thật sâu sắc trong tôi về ông”.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn là người giản dị. (Ảnh: PLO).

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét, thực tế cho thấy, giai đoạn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đương nhiệm là một giai đoạn hết sức quan trọng đối với nước ta. Đó là giai đoạn Việt Nam chuyển từ thời kỳ bình thường hóa đến quan hệ ngoại giao thực chất với Mỹ.

Đây cũng là thời kỳ ta đẩy mạnh cải cách, đổi mới, mở rộng hợp tác với thế giới và đạt được những thành tựu quan trọng. Những thành tựu này đã đặt nền tảng cho kinh tế Việt Nam trong những năm sau này.

“Mãi cho đến hôm nay, tôi không có dịp gặp lại, nhưng hình ảnh của bác Khải trong tôi vẫn luôn được hình dung như một lão nông thư thái sống tại mảnh đất Củ Chi cho đến ngày ra đi…”, ông Quốc chia sẻ.

Lưu Thủy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cau-noi-dac-biet-cua-nguyen-thu-tuong-phan-van-khai-duoc-gioi-chuc-my-tan-thuong-d387663.html