Cầu mưa trên đất 'Vua lửa'

Vào khoảng cuối tháng 4 Dương lịch, mùa khô Tây Nguyên bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Ở vùng 'lòng chảo' Ayun Hạ nằm phía Nam tỉnh Gia Lai - mảnh đất từ xa xưa, người dân bản địa Jrai thường gọi là 'vương quốc' của Yang Pơtao Apui (Vua lửa), sức nóng dường như được nhân lên bội phần. Khô khát, ngày qua ngày, con người và cả cỏ cây, muông thú khắc khoải đợi chờ những hạt 'nước trời' rơi xuống. Trời 'không chịu mưa' thì cúng... Có lẽ, tục lệ cúng cầu mưa của các bậc tiền nhân khởi phát từ điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên.

Du khách thập phương đổ về Plei Ơi tham gia lễ hội. Ảnh: Thái Kim Nga

Du khách thập phương đổ về Plei Ơi tham gia lễ hội. Ảnh: Thái Kim Nga

Theo truyền thuyết của người Jrai, làng Plei Ơi (thuộc xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) là quê hương của Yang Pơtao Apui (Vua lửa). Vua lửa xuất hiện bắt đầu từ câu chuyện của hai anh em người Jrai tên là T’dia và T’diêng rèn gươm báu trên một hòn đá nằm ngay miệng núi lửa Hàm Rồng (cách Plei Ơi khoảng hơn 50 cây số về phía Bắc). Khi rèn xong, thanh gươm bằng đồng cứ đỏ rực, nhúng vào ghè (vật dụng đựng rượu cần), ghè cạn; nhúng xuống suối, suối khô; nhúng xuống sông, sông hết nước... Cuối cùng phải nhúng vào máu của nô lệ thì thanh gươm mới nguội.

Có được thanh gươm thần, quyền năng của T’dia và T’diêng được “thần dân” trong vùng thừa nhận. Họ cho rằng, gươm thần có sức mạnh huyền bí và bất khả xâm phạm, người sở hữu nó ắt có khả năng nói chuyện được với thần linh, để chuyển tải ý nguyện của con người đến với đấng siêu nhiên. Vào những ngày khô hạn, Yang Pơtao Apui (Vua lửa) thường mang gươm báu đi khắp vùng để cúng cầu mưa cho “thần dân” của mình, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lại nói về các Yang Pơtao Apui. Đã có 14 đời “Vua lửa” nối ngôi nhau “trị vì” ở làng Plei Ơi suốt hơn 5 thế kỷ qua. Tuy nhiên đến năm 1999, “Vua lửa” Siu Luynh qua đời và do không có người trong “hoàng tộc” mang họ Siu để kế vị nên “ngai vàng” để ngỏ từ đó cho đến nay.

Nghi lễ cúng cầu mưa theo đó cũng dần bị mai một. Cả một vùng lòng chảo Phú Thiện, Ayun Pa, Ia Pa rộng lớn chỉ có một làng duy nhất còn ghi chút dấu ấn về “Vua lửa” khi sinh thời, các Yang Pơtao Apui thường ghé qua để cúng cầu mưa, đó là làng Plei Rbai, thuộc xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, với những nghi lễ cúng làng, cúng bến nước hàng năm.

Ngày 24-3-1993, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký Quyết định số 281/QĐ-BT công nhận Plei Ơi là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và lễ hội Cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015.

Vấn đề đặt ra lúc bấy giờ là làm sao phục dựng lễ hội để bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa mang tính tâm linh, nhưng rất thực đối với đời sống cộng đồng của người dân tộc thiểu số Jrai ở vùng Nam Gia Lai khi không còn nhân vật trung tâm của lễ hội, đó là Yang Pơtao Apui (Vua lửa).

May thay, Plei Ơi vẫn còn một nhân chứng sống, đó là ông Rơ Lan Hieo (năm nay đã gần 80 tuổi), nguyên là phụ tá của hai đời “Vua lửa” cuối cùng. Trên thực tế, người đàn ông này chưa từng ngự trên “ngôi vương”, nhưng một số thông tin vẫn cho rằng, đây là “Vua lửa” đời thứ 15, vì ông được lựa chọn làm chủ lễ cúng sau khi Di sản Cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui được phục dựng.

Điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi già Rơ Lan Hieo là người phụ tá thân cận của hai đời “Vua lửa”, những nghi thức hành lễ của Yang Pơtao Apui trước đây ông đều nắm rất vững. Hơn nữa, sau khi “Vua lửa” cuối cùng (Siu Luynh) “băng hà” vào năm 1999, ông Rơ Lan Hieo là người giữ gươm thần từ đó cho đến nay (gươm thần hiện đang được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử văn hóa Plei Ơi). Tuy nhiên, giá như ngày đó, chính quyền địa phương và nhân dân sở tại tổ chức một buổi lễ “đăng quang” cho đời “Vua lửa” thứ 15 thì có lẽ giờ này, già Rơ Lan Hieo đường đường chính chính “ngự trên ngai vàng”.

Chủ lễ Rơ Lan Hieo (người bên trái) thực hiện các nghi thức cúng cầu mưa tại Khu di tích lịch sử văn hóa Plei Ơi năm 2019. Ảnh: Thái Kim Nga

Ai cũng biết, các đời Yang Pơtao Apui, mặc dù đều là những người bằng xương bằng thịt, song uy quyền, chức tước trên thực tế đều nhuốm màu huyền thoại. Cả thanh gươm báu cũng được thần thánh hóa, ban đầu gói gọn trong một cộng đồng nhỏ bé (Plei - làng) rồi dần dần lan tỏa từ làng này qua làng khác. Lễ hội Cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui là hoạt động tín ngưỡng, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Jrai vùng Nam Gia Lai, vừa thực hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên, vừa hướng con người đến những giá trị “chân - thiện - mỹ” nên rất cần được phục dựng để bảo tồn cho đời sau.

Việc phục dựng Lễ hội Cúng cầu mưa ở Plei Ơi đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo chính quyền huyện Phú Thiện nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung, cũng như sự đồng thuận rất cao của bà con các dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Chính sự vào cuộc quyết liệt trên dưới một lòng đã giúp cho Lễ hội Cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở Plei Ơi “sống lại”, trở thành hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc nhất, quy mô nhất của người Jrai ở vùng Nam Gia Lai. Lễ hội Cúng cầu mưa năm nay đã có hàng chục ngàn du khách gần xa đổ về Plei Ơi để tận mắt chứng kiến các nghi thức hành lễ của Yang Pơtao Apui, xem “Vua lửa” đời thứ 15 Rơ Lan Hieo (tạm gọi như thế) thỉnh gươm thần “kêu mưa gọi gió” và được chìm trong men say rượu cần, cho vòng xoan Tây Nguyên càng lúc càng khép chặt.

Đối với các chủ nhân sinh sống ở Plei Ơi và các vùng phụ cận, trước mỗi một mùa rẫy mới, họ lại được sống lại những “bữa ăn cộng đồng” rộn rã tiếng cười, được “tay xách, lưng gùi” những sản vật của núi rừng để giới thiệu với du khách thập phương. Và quan trọng hơn cả, đó là tình yêu quê hương, tình đoàn kết dân tộc được hun đúc, củng cố bền chắc thông qua hoạt động văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa này.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cau-mua-tren-dat-vua-lua/