Cầu mùa màng bội thu trong Lễ hội Nước tại Campuchia

Diễn ra vào trung tuần tháng 11, Lễ hội Nước là một trong những hoạt động văn hóa nổi bật trong năm của Campuchia với 3 ngày hội khó quên của các cuộc đua thuyền, pháo hoa và ẩm thực truyền thống. Đánh dấu sự kết thúc của mùa mưa và đón chờ mùa vụ thu hoạch, Lễ hội Nước (hay còn gọi là Bon Om Touk) đã được tổ chức hàng trăm năm nay trên dọc bờ Biển Hồ và khu quảng trường Sisowath Quay, Thủ đô Phnom Penh.

Các cuộc đua thuyền trong mùa lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem, cổ vũ. Ảnh: Khmer Times

Các cuộc đua thuyền trong mùa lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem, cổ vũ. Ảnh: Khmer Times

Lễ hội Nước được tổ chức lần đầu tiên vào thế kỷ XII - thời kỳ Angkor dưới triều đại của vua Jayavarman VII, với mục đích cúng tế các vị thần và cầu mong về một vụ mùa thu hoạch tốt tươi. Lễ hội Nước còn được tổ chức để khẳng định sự tồn tại mạnh mẽ của con người trước những cơn bão gió mùa với những con thuyền đua đầy màu sắc trong lễ hội nhằm tái hiện sự hùng mạnh của lực lượng hải quân dưới thời vua Jayavarman VII.

Thời điểm tổ chức lễ hội trùng với mùa trăng thu hoạch - những ngày mặt trăng chiếu sáng lâu hơn ngày thường - giúp người nông dân tranh thủ thu hoạch vụ hè trong năm. Các ngôi làng trên khắp Campuchia đều tổ chức các hoạt động nhân dịp Lễ hội Nước, nhưng không nơi nào tổ chức tưng bừng hơn Thủ đô Phnom Penh - nơi không khí lễ hội được chiếu sánh lung linh bởi ánh trăng rằm. Nhiều người Campuchia và du khách đã tới Thủ đô Phnom Penh để tận hưởng không khí lễ hội.

Thời điểm diễn ra lễ hội Bon Om Touk cũng đánh dấu việc Biển Hồ thay đổi hướng dòng chảy - đây là một hiện tượng tự nhiên độc đáo chưa từng có ở bất kỳ đâu trên thế giới. Trong mùa mưa, các cơn gió mùa đã khiến các dòng nước của sông Mekong chảy ngược vào Biển Hồ. Khi những cơn mưa ngừng rơi và mực nước rút, các dòng nước của Biển Hồ chảy xuôi về phía sông Mekong, để lại lớp phù sa giàu có nuôi dưỡng vùng đất và tôm cá.

Hoạt động chính của mùa Lễ hội Nước là các cuộc đua thuyền với những chiếc thuyền rực rỡ chở từ 30 đến 80 người đua theo nhịp trống của thuyền trưởng. Trước mỗi cuộc đua, đàn ông tại các ngôi làng đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong nhiều tháng, từ đóng thuyền cho tới tập luyện để chứng tỏ sức mạnh và sức dẻo dai trước nhà vua.

Ngày nay, trước mùa lễ hội, người dân sống gần khu vực Biển Hồ tổ chức khôi phục, sơn sửa lại những chiếc thuyền từng được sử dụng tại các cuộc đua trong hàng trăm năm hoặc đóng thuyền mới để tham gia đua tài. Thuyền thường được đóng từ thân cây gỗ, mỗi chiếc được thiết kế với hình vẽ thần hộ mệnh và con mắt phía trước thuyền để trừ tà ma. Vào buổi sáng, sau khi công việc khôi phục hoặc đóng thuyền hoàn tất, theo truyền thống, sau 3 tiếng hô vang của các thuyền viên, những con thuyền sẽ được đẩy xuống sông để di chuyển đến Thủ đô Phnom Penh trước ngày thi đấu. Đội thi nào giành được chiến thắng trong cuộc đua sẽ đem lại may mắn suốt cả năm cho gia đình của các vận động viên trong đội thi.

Bên cạnh hoạt động chính, người dân Campuchia còn tổ chức các hoạt động khác như thả những con thuyền thắp đầy nến trôi sông, cúng lễ vật để cầu mong cho một năm mùa màng bội thu, nấu các món ăn truyền thống từ gạo, chuối và dừa để ăn mừng mùa thu hoạch. Là ngày nghỉ lễ chính thức của Campuchia, vì vậy, trong 3 ngày diễn ra Lễ hội Nước, người dân Campuchia thường dành thời gian bên gia đình, hoặc đi xem du thuyền và tham quan các tỉnh tổ chức lễ hội. Trong ngày thứ 2 và 3 của lễ hội, nhiều người dân cúng trái cây, dừa và gạo trước cửa nhà để cầu may mắn và đến chùa dâng hương cầu nguyện.

Năm nay, theo số liệu của Bộ Du lịch Campuchia, Thủ đô Phnom Penh đã đón hơn 4,7 triệu lượt khách tham quan trong 3 ngày lễ hội. Lý giải về con số du khách ấn tượng, ông Top Sopheak, người phát ngôn của Bộ Du lịch Campuchia cho biết, những năm gần đây, thu nhập của người dân Campuchia đã cao hơn, nhiều gia đình chọn đi du lịch trong dịp nghỉ lễ; bên cạnh đó, Bộ Du lịch Campuchia đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút du khách gần xa góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng du lịch.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cau-mua-mang-boi-thu-trong-le-hoi-nuoc-tai-campuchia/