Câu lạc bộ 'nữ tướng' của các tổ chức quốc tế

Ngày 15/2, Tiến sĩ Ngozi Okonjo-Iweala đã gia nhập câu lạc bộ gồm những phụ nữ đứng đầu tổ chức quốc tế. Họ là những chính trị gia, nhà ngoại giao, nhà kinh tế học... có những thành tích xuất sắc không chỉ ở tầm quốc gia...

Cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala, 66 tuổi, trở thành phụ nữ châu Phi đầu tiên nắm quyền lãnh đạo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bà làm Bộ trưởng Tài chính của Nigeria hai nhiệm kỳ (2003-2006, 2011-2015) dưới thời Tổng thống Olusegun Obasanjo và Tổng thống Umaru Musa Yaradu'a. Tân Tổng giám đốc WTO từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB) và Chủ tịch Hội đồng quản trị của Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI). (Nguồn ảnh: AFP)

Cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala, 66 tuổi, trở thành phụ nữ châu Phi đầu tiên nắm quyền lãnh đạo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bà làm Bộ trưởng Tài chính của Nigeria hai nhiệm kỳ (2003-2006, 2011-2015) dưới thời Tổng thống Olusegun Obasanjo và Tổng thống Umaru Musa Yaradu'a. Tân Tổng giám đốc WTO từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB) và Chủ tịch Hội đồng quản trị của Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI). (Nguồn ảnh: AFP)

Nhà kinh tế học người Pháp Christine Lagarde, 65 tuổi, tiếp quản quyền lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào năm 2019, trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ cao nhất về tài chính của lục địa này. Bà Lagarde từng là một luật sư tại Mỹ trước khi trở thành Bộ trưởng Tài chính Pháp dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, và sau đó là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ năm 2011-2019. (Nguồn ảnh: Reuters)

Nhà kinh tế học người Bulgaria Kristalina Georgieva, 67 tuổi, là người phụ nữ thứ hai, sau bà Lagarde, nắm quyền thủ lĩnh IMF. Từng học kinh tế chính trị và xã hội học tại Học viện Kinh tế cao cấp Karl Marx ở Sofia (Bulgaria), bà đã xây dựng một sự nghiệp vững chắc của mình trong WB và trong Ủy ban châu Âu với nhiều vai trò khác nhau. Cựu Giám đốc điều hành WB đã trở thành người đầu tiên đến từ một nền kinh tế mới nổi đứng đầu IMF, kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1944. (Nguồn ảnh: AFP)

Cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp Audrey Azoulay, 48 tuổi, đã trở thành người phụ nữ thứ hai đứng đầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), sau bà Irina Bokova, vào cuối năm 2017. Bà Azoulay là người Do Thái, sinh trưởng trong gia đình có bề dày về văn hóa. Cha là chủ ngân hàng, cố vấn của Nhà vua Morocco, mẹ và dì là nhà văn Pháp. Bà cho rằng, chính sự đa văn hóa của gia đình đóng vai trò gốc rễ giúp bà có khả năng hình thành sự đồng thuận trong UNESCO. (Nguồn ảnh: AFP)

Chính trị gia người Đức Ursula von der Leye, 62 tuổi, đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) vào năm 2019, là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu cơ quan điều hành Liên minh châu Âu (EU). Bà từng nắm cương vị người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức trong gần 6 năm – là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chiếc ghế nóng bậc nhất chính trường Berlin. Bà thông thạo 3 ngoại ngữ (Đức, Anh và Pháp), từng được đánh giá là ứng viên tiềm năng kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel. Sau hơn 20 năm tham gia chính trường, bà là người duy nhất liên tục nằm trong nội các của bà Merkel kể từ nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên vào năm 2005. (Nguồn ảnh: AP)

Năm 2019, nhà ngoại giao người Uganda Winnie Byanyima, 62 tuổi, được vinh danh là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), được thành lập vào năm 1995. Trước đó, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Oxfam International vào tháng 5/3013 và Giám đốc của Nhóm Giới trong Văn phòng Chính sách Phát triển tại Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) từ năm 2006. (Nguồn ảnh: Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cau-lac-bo-nu-tuong-cua-cac-to-chuc-quoc-te-136774.html