Câu lạc bộ Người điếc Khánh Hòa: Mong được hỗ trợ

Câu lạc bộ (CLB) Người điếc Khánh Hòa được thành lập và hoạt động hơn 8 năm nay, với mong muốn tập hợp những người cùng hoàn cảnh để chia sẻ, học hỏi kỹ năng trong cuộc sống

Câu lạc bộ (CLB) Người điếc Khánh Hòa được thành lập và hoạt động hơn 8 năm nay, với mong muốn tập hợp những người cùng hoàn cảnh để chia sẻ, học hỏi kỹ năng trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay CLB còn nhiều khó khăn trong hoạt động.

Các thành viên Câu lạc bộ Người điếc Khánh Hòa.

Nỗ lực hòa nhập cuộc sống

CLB Người điếc Khánh Hòa hiện có 30 thành viên, trước đây là CLB Biển Xanh do một số giáo viên của Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ khuyết tật tổ chức. Hơn 8 năm qua, CLB đã nỗ lực duy trì hoạt động với mong muốn giúp các thành viên có thể tiếp cận được nhiều hơn thông tin, kiến thức cần thiết cho cuộc sống. Nội dung sinh hoạt của CLB tập trung vào các quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi của người khuyết tật; hướng dẫn một số kỹ năng trong giao tiếp đơn giản hoặc những buổi sinh hoạt giải thích từ ngữ, bối cảnh sử dụng từ ngữ trong ngôn ngữ ký hiệu...

Cùng tham dự một buổi sinh hoạt của CLB, chúng tôi nhận thấy do hạn chế về thính giác nên việc giúp họ hiểu được những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống không đơn giản. Đơn cử, chỉ với vấn đề đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, chủ nhiệm CLB phải giải thích gần 2 giờ mà nhiều thành viên vẫn tỏ ra khá mơ hồ. Chị Nguyễn Hoàng Phương Linh - Chủ nhiệm CLB cho biết: “ Khả năng tiếp thu của các thành viên rất hạn chế, trong khi ban chủ nhiệm CLB cũng là người điếc đã được học thủ ngữ, tự học hỏi rồi chia sẻ lại cho các thành viên nên nhiều lúc chưa được cặn kẽ”.

Không chỉ là nơi sinh hoạt chung, cung cấp kiến thức, CLB còn là điểm tựa cho những người câm điếc trong cuộc sống hàng ngày. CLB còn thành lập địa chỉ facebook để các thành viên kết nối, chia sẻ với nhau các vấn đề trong cuộc sống. Bạn Đỗ Nguyên Đoàn - thành viên CLB chia sẻ: “Nhiều khi trong cuộc sống gặp áp lực tâm lý, khó nói nhưng gia đình không hiểu hết được dù đã viết ra giấy hoặc dùng ngôn ngữ ký hiệu. Những lúc đó, chỉ những người bạn trong CLB mới có thể cùng chia sẻ, tâm sự”.

Hiện nay, CLB sinh hoạt 2 lần/tháng tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Từ những buổi sinh hoạt, thành viên CLB đã mạnh dạn, tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người và tìm được việc làm ổn định. Hiện nay, một số thành viên CLB đang làm thợ may, thợ cắt tóc, làm đồ mỹ nghệ… với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng. Trong đó, phải kể đến trường hợp của vợ chồng anh Đào Quang Lộc và chị Bùi Bích Thanh, sinh hoạt chung tại CLB rồi yêu nhau và kết hôn, cùng nhau đi học nghề may, cắt tóc. Hiện tại, anh Lộc đã là chủ một salon tóc trên đường Phương Sài, chị Thanh là thợ may trên đường Thái Nguyên. Anh Lộc còn dạy nghề và tạo việc làm cho một số thành viên trong CLB.

Cần sự giúp sức của cộng đồng

Hiện nay, CLB hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn quỹ tự đóng góp của các thành viên (10.000 đồng/tháng). CLB có một số thành viên lớn tuổi, già yếu, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Vì vậy, ngoài hoạt động chính là sinh hoạt nâng cao nhận thức cho các thành viên, CLB còn tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ những thành viên khó khăn, tham gia hoạt động thể dục thể thao do các CLB Người điếc tổ chức hàng năm. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên các hoạt động này rất hạn chế. Bên cạnh đó, trăn trở lớn nhất của CLB hiện nay là mở lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu cho các thành viên, người nhà và những ai quan tâm đến người câm điếc. Chị Linh cho biết: “Ngôn ngữ ký hiệu dành cho người câm điếc rất khác biệt, học trong trường một kiểu nhưng ra ngoài giao tiếp lại là một kiểu khác. Do đó, một lớp dạy thủ ngữ thống nhất cho các thành viên CLB nói riêng và người câm điếc ở Nha Trang - Khánh Hòa nói chung là rất cần thiết. Tuy nhiên, CLB không có kinh phí để triển khai lớp học này”.

Theo Ban chủ nhiệm CLB, một số thành viên CLB tuy đã có công việc, gia đình ổn định nhưng một thời gian sau lại bị chủ cho nghỉ việc hoặc gia đình ly tán, bởi khả năng giao tiếp, xử lý các tình huống xảy ra trong cuộc sống của họ rất hạn chế. Vì vậy, ban chủ nhiệm CLB mong có tổ chức hoặc cá nhân am hiểu ngôn ngữ ký hiệu có thể đứng lớp truyền đạt cho các thành viên những kỹ năng mềm, xử lý tình huống trong cuộc sống để họ có thể tự tin trong công việc và giao tiếp với người khác.

MAI HOÀNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201811/cau-lac-bo-nguoi-diec-khanh-hoa-mong-duoc-ho-tro-8096346/