Cầu hơn 36 tỷ đồng xây xong, người dân vẫn phải đi phà qua sông

Cầu vượt sông Krông Bông với tổng vốn đầu tư hơn 36 tỷ đồng đã xây xong nhưng chưa thể bàn giao, đưa vào sử dụng do thiếu đường dẫn lên cầu. Do đó, hằng ngày, người dân vẫn phải tốn tiền đi phà qua sông.

Cầu xây xong nhưng chưa có đường dẫn

Cầu vượt sông Krông Bông là công trình thuộc Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).

Hiện, phần khối lượng còn lại là đường dẫn 2 đầu cầu (gồm nền đường, mặt đường, lề đường và hệ thống an toàn giao thông) chưa thể thi công do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.

Cầu vượt sông Krông Bông đã hoàn thành khối lượng khoảng 97%.

Cầu vượt sông Krông Bông đã hoàn thành khối lượng khoảng 97%.

Hằng ngày, dưới cầu vượt sông Krông Bông, người dân và các em học sinh vẫn vượt sông bằng chuyến phà tự chế.

Chiếc phà đơn sơ, được vận hành bằng cách dùng tay kéo dây cáp từ bờ sông này qua bờ sông kia. Đây cũng là phương tiện duy nhất giúp người dân vượt qua đoạn sông Krông Bông nối giữa xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk) và xã Hòa Phong (huyện Krông Bông).

Những năm qua, chị Trần Lệ (SN 1980, trú tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) đã quen với hành trình hằng ngày từ xã Vụ Bổn đi phà vượt sông Krông Bông sang xã Hòa Phong để bỏ hàng hóa. Mỗi ngày, chị phải chi ra 20.000 đồng để đi phà, một khoản tiền không nhỏ đối với những người kiếm sống bằng nghề kinh doanh nhỏ lẻ.

Để tiết kiệm chi phí, thời gian gần đây, chị đã quyết định không trả vé theo lượt mà chuyển sang hình thức trả theo tháng cho chủ phà, với giá 500.000 đồng/tháng.

"Đi phà không chỉ tốn kém mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ nhưng vì cuộc sống nên phải chấp nhận. Nhiều hôm trời mưa lớn, nước sông chảy xiết, phà không hoạt động, chúng tôi buộc phải đi đường vòng, xa hơn hàng chục kilômét để về nhà", chị Lệ nói.

Dù cầu đã xây xong nhưng chưa thể đưa vào sử dụng do chưa có mặt bằng để thi công đoạn đường dẫn lên cầu.

Dù cầu đã xây xong nhưng chưa thể đưa vào sử dụng do chưa có mặt bằng để thi công đoạn đường dẫn lên cầu.

Loay hoay bên chiếc xe máy chở theo thùng hàng hóa, một người dân trú tại xã Yang Yeh (huyện Krông Bông) chia sẻ: "Chúng tôi đã từng rất phấn khởi khi hay tin nhà nước đầu tư xây dựng cầu vượt sông Krông Bông. Ai cũng háo hức chờ ngày cầu đưa vào hoạt động để thoát khỏi cảnh phụ thuộc vào chiếc phà cũ kỹ. Tuy nhiên, vào cuối năm 2023, cầu đã xây xong nhưng đến nay vẫn chưa thể thông tuyến".

Khoảng 11h trưa, dưới cái nắng chói chang, nhiều học sinh có mặt tại bờ sông Krông Bông (thuộc xã Vụ Bổn) chờ qua phà chở qua sông. Em Nguyễn Thị Thu Thủy (học sinh lớp 9, Trường THCS Hòa Phong) cho biết: "Nhiều năm nay, ngày nào em cũng phải đi qua phà để đến trường và trở nhà. Có hôm mưa lớn, phà không hoạt động, chúng em phải đi bộ vượt chặng đường khoảng 1,5km từ nhà đến trường. Nhiều đoạn đường trơn trượt nên việc đến trường của chúng em gặp khó khăn".

Hằng ngày, người dân vượt sông Krông Bông bằng chuyến phà tự chế.

Hằng ngày, người dân vượt sông Krông Bông bằng chuyến phà tự chế.

Chiếc xe chở hàng hóa lỉnh kỉnh lên phà.

Chiếc xe chở hàng hóa lỉnh kỉnh lên phà.

Chủ đầu tư nói gì?

Ông Nguyễn Đỗ Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết, nhu cầu của người dân lưu thông qua cầu vượt sông Krông Bông rất lớn.

Do đó, thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giải tỏa, đền bù cho 6 hộ dân. Đến thời điểm hiện nay, việc giải tỏa, đền bù cho các hộ dân đã được hoàn tất.

Thông tin từông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, cho hay, nếu cầu vượt sông Krông Bông được hoàn thiện, đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo nhu cầu lưu thông an toàn cho người dân và các phương tiện.

Đồng thời, tần suất lưu thông cũng sẽ cao hơn nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, học tập, trao đổi, mua bán, giao lưu văn hóa...

Từ đó, góp phần tăng giá trị sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế của 5 xã cánh Đông trên địa bàn huyện Krông Bông nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung.

Nhiều học sinh đi phà để qua sông đến trường mỗi ngày.

Nhiều học sinh đi phà để qua sông đến trường mỗi ngày.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông thông tin thêm, địa phương đã làm việc với chủ đầu tư và các sở ngành có liên quan để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng trụ sở Trạm Kiểm lâm số 2 (Vườn Quốc gia Chư Yang Sin).

Trong quá trình thanh lý trụ sở Trạm Kiểm lâm số 2, địa phương cũng đã tạo điều kiện bố trí trụ sở tạm thời để trạm kiểm lâm di dời qua. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo cho đơn vị chuyên môn rà soát quy hoạch để tìm vị trí đất xây dựng trụ sở mới Trạm Kiểm lâm số 2 để đưa vào cập nhật quy hoạch.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đặng Thọ Dần, Trưởng phòng Điều hành dự án giao thông (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) cho biết, cầu đã xây dựng cơ bản xong. Đối với đường dẫn lên cầu (thuộc phạm vi vào cầu của địa phận huyện Krông Pắk), chủ đầu tư đã phối hợp với UBND huyện, xã Vụ Bổn vận động 26 hộ dân.

Người dân đi phà phải tốn chi phí 10.000 đồng/lượt/người.

Người dân đi phà phải tốn chi phí 10.000 đồng/lượt/người.

Người dân mong mỏi, cầu vượt sông Krông Bông sớm hoàn thiện, đưa vào hoạt động để mọi người không còn phải chênh vênh trên chuyến phà cũ kỹ.

Người dân mong mỏi, cầu vượt sông Krông Bông sớm hoàn thiện, đưa vào hoạt động để mọi người không còn phải chênh vênh trên chuyến phà cũ kỹ.

Theo thông tin từ ông Dần, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với công trình cầu vượt sông Krông Bông là mỏ đất đắp, vật liệu không triển khai được mặc dù chủ đầu tư đã phối hợp với huyện tìm để tìm ra phương hướng.

Ông Đặng Thọ Dần, Trưởng phòng Điều hành dự án giao thông (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với công trình cầu vượt sông Krông Bông là mỏ đất đắp.

Ông Đặng Thọ Dần, Trưởng phòng Điều hành dự án giao thông (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với công trình cầu vượt sông Krông Bông là mỏ đất đắp.

"Chúng tôi rất xót, bởi làm xong cầu rồi nhưng bỏ không, trong khi dân phải đi dưới phà. Thời gian qua, nhà thầu rất phối hợp, nhưng do vướng luật nên không làm được. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh để tỉnh có chỉ đạo rà soát lại các mỏ đất trên toàn tỉnh nhằm sớm có hướng giải quyết", ông Dần nhấn mạnh.

Cầu vượt sông Krông Bông do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 36 tỷ đồng. Cấu trúc cầu gồm 6 nhịp dài 33m, khổ cầu 7,5m, bề rộng cầu B=8,5m (không lề bộ hành; tải trọng thiết kế HL93.

Công trình nói trên được khởi công vào tháng 5/2023, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2023. Đến nay, công trình đã thi công hoàn thành hạng mục cầu với khối lượng thực hiện là 35,259 tỷ đồng/36,545 tỷ đồng, đạt khoảng 97% theo hợp đồng. Phần khối lượng còn lại của đường đầu cầu (mố M1, M2) gồm: nền đường; mặt đường, lề đường và hệ thống an toàn giao thông vẫn chưa thể thi công hoàn thành do vướng mặt bằng trụ sở làm việc của Trạm Kiểm lâm số 2 (Vườn Quốc gia Chư Yang Sin).

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cau-hon-36-ty-dong-xay-xong-nguoi-dan-van-phai-di-pha-qua-song-20424111321292853.htm