Câu hỏi 'lương tháng bao nhiêu' không còn đáng sợ

Sự minh bạch tài chính giúp nhiều người thuộc thế hệ Millennials đối phó với cảm giác bị tụt hậu so với bạn đồng trang lứa.

Khi bạn bè ghé thăm căn hộ của Grace Woodward (25 tuổi), họ thường đặt câu hỏi về bức tường màu xanh nước biển nổi bật trong nhà, theo Wall Street Journal.

“Chủ thuê cho cậu sơn lại à?”, họ thắc mắc.

 Thế hệ Millennials thẳng thắn hơn các thế hệ trước về vấn đề tài chính cá nhân. Ảnh: Getty Images.

Thế hệ Millennials thẳng thắn hơn các thế hệ trước về vấn đề tài chính cá nhân. Ảnh: Getty Images.

Grace, sinh viên đang học lên bằng thạc sĩ ở trường Yale Divinity, không ngần ngại đáp rằng chủ cho thuê căn hộ chính là mẹ cô. Cô gái khá cởi mở với chuyện mẹ mình sở hữu căn hộ này và cô không cần phải trả tiền thuê.

Tương tự những người thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1994), Grace cảm thấy thoải mái khi thảo luận về chuyện tiền nong với các bạn đồng trang lứa.

Xu hướng minh bạch tài chính

Một số cuộc khảo sát cho kết quả rằng thế hệ của Grace thẳng thắn và cởi mở nhiều hơn thời bố mẹ về tài chính của họ, ở cả mặt tốt lẫn xấu.

Chẳng hạn, một cuộc khảo sát năm 2019 của CreditCards.com cho thấy 61% thế hệ trẻ cảm thấy bình thường khi trò chuyện về khoản nợ tín dụng với bạn bè, so với 43% ở nhóm baby boomer (người sinh từ năm 1946-1964).

Theo kết quả cuộc khảo sát toàn cầu của công ty tài chính công nghệ Thụy Điển Klarna hồi tháng 3, 50% thế hệ Millennials tin rằng chia sẻ cởi mở về tài chính là điều quan trọng, so với 41% ở thế hệ già hơn.

David Axelrod, nhà kinh tế học hành vi tại ĐH Montclair State (New Jersey, Mỹ), cho biết khuynh hướng minh bạch về tài chính là cách thế hệ trẻ ứng xử trong suốt phần đời còn lại.

Sự thoải mái của thế hệ Millennials với mạng xã hội có nghĩa rằng họ “đã quen với tốc độ thông tin di chuyển nhanh hơn nhiều”. Họ sẽ không quá chọn lọc khi nói trực tiếp về tiền bạc hoặc trên các nền tảng mạng xã hội, theo ông Axelrod.

Sara Swenson sớm được tăng lương nhờ trao đổi về mức lương với đồng nghiệp. Ảnh: Sara Swenson.

Sự minh bạch đó đang giúp một số người trẻ đối phó với cảm giác bị tụt hậu so với bạn đồng niên và cả thế hệ lớn tuổi hơn về mặt tài chính.

Nó cũng cung cấp cho họ các bài học rút ra từ bạn bè và cách quản lý tình huống tài chính - từ đàm phán tiền lương đến lập ngân sách, vay nợ và tiết kiệm.

Grace, người sắp nhận công việc ở bệnh viện với mức lương 30.000 USD/năm, cho biết cô thường thẳng thắn bảo với bạn bè rằng lý do duy nhất mình có thể vừa làm công việc đó, vừa học bằng thạc sĩ là bởi không phải trả tiền thuê nhà.

Chia sẻ với Wall Street Journal, cô gái 25 tuổi tin rằng việc chia sẻ thành thực về tài chính của mình sẽ làm giảm cảm giác cạnh tranh giữa những người bạn với nhau.

Thẳng thắn trao đổi, sẻ chia

Sara Swenson (39 tuổi), phó chủ tịch phụ trách phát triển sản phẩm, cho biết ở công việc đầu tiên của mình, cô được tăng 50% lương chỉ sau 2 năm làm việc nhờ thẳng thắn hỏi han đồng nghiệp về chuyện lương thưởng.

Những cuộc trò chuyện đó đã giúp cô tìm hiểu được thời điểm nào thích hợp để yêu cầu tăng lương và yêu cầu bao nhiêu.

Bailey Koch (25 tuổi) gần đây đã rời bỏ công việc tại Thượng viện bang Minnesota (Mỹ) sau khi trò chuyện với đồng nghiệp về mức lương của họ. Qua cuộc hội thoại, Bailey phát hiện rằng nhân viên mới tuyển, có cùng chức danh với cô, lại được trả nhiều hơn.

“Cuộc trao đổi với đồng nghiệp giúp tôi tự tin yêu cầu sếp tăng lương - số tiền tôi đáng được hưởng sau 2 năm làm việc. Cuối cùng, khi bị từ chối yêu cầu, tôi rời đi luôn”, Bailey nói. Hiện cô là nhà chiến lược truyền thông kỹ thuật số tại Chicago.

Thế hệ Millennials đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục bản thân về tài chính, bao gồm học hỏi từ bạn bè đồng trang lứa. Ảnh: Getty Images.

Còn đối với Nick Cannariato (32 tuổi), nhà phát triển và kỹ sư hỗ trợ kỹ thuật ở Fort Worth (bang Texas, Mỹ), khẳng định “sự minh bạch về tiền lương hơi giống một vấn đề đạo đức” của anh.

Bằng cách tiết lộ cho đồng nghiệp về mức lương của mình và một số phần cần phải thương lượng trong hợp đồng lao động, Nick cung cấp cho họ thông tin cần thiết để họ có thể sử dụng trong các cuộc đàm phán riêng.

“Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ có một sự chênh lệch mức lương lớn về giới tính và chủng tộc. Là một gã đàn ông da trắng, cách duy nhất để tôi để thay đổi điều này là thành thực về mức lương mình kiếm được”, anh cho biết.

Theo Tiến sĩ Axelrod, việc chứng kiến những tác động của cuộc Đại suy thoái, cộng thêm gánh nợ tiền học, khiến thế hệ Millennials đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục bản thân về tài chính, bao gồm học hỏi từ bạn bè đồng trang lứa.

Cởi mở về tiền bạc cũng cho phép Sara hiểu hơn về bối cảnh chi tiêu của bạn bè. Chẳng hạn, hồi Sara chưa kiếm được nhiều, vài người bạn cô đã kịp mua nhà lớn, xe sang. Tuy nhiên, khi hỏi han, cô phát hiện rằng họ phải vay mượn nhiều.

Sara cũng nhận thấy bạn bè cảm thấy thoải mái chia sẻ thông tin về thu nhập hay nợ nần khi cuộc trò chuyện của họ xoay quanh chủ đề lập chủ đề cho những hoạt động chung, như ăn tối ngoài nhà hàng hoặc đi du lịch cùng nhau.

“Minh bạch về tài chính sẽ giúp tránh những tình huống khó xử khi bạn nghĩ các bạn mình giàu có hơn hoặc ngược lại”, cô nói.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-hoi-luong-thang-bao-nhieu-khong-con-dang-so-post1213992.html