Cậu học trò xương thủy tinh, giàu trách nhiệm

Thú thực tôi không muốn viết về em bởi tôi muốn để cho em sống một cách hồn nhiên nhất. Nhưng nếu được lan tỏa tình yêu cuộc sống cho các học trò khác thì tôi vẫn muốn làm.

Nhận danh sách học sinh lớp 10, tôi cũng không hề nghĩ trong số đó lại có một cậu bé đặc biệt - cậu bé xương thủy tinh. Hôm gặp em tôi chỉ cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng em bị thương nên phải đi nạng. Nhưng khi tìm hiểu thông tin tôi thực sự thấy rất lo vì cậu bé xương thủy tinh ở trong danh sách lớp tôi.

Mẹ em cho biết thêm qua điện thoại sức khỏe em rất yếu nên cô chú ý giúp để em được ngồi ở vị trí ít va chạm nhất với các em khác. Tôi suy nghĩ rất nhiều và chọn cách viết thư cho các bạn trong lớp thông qua một nhóm mesenger mới lập.

Với dòng tâm sự nặng như chì: lớp có bạn bị xương thủy tinh nên các em cùng cô giúp đỡ bạn nhé. Nói như vậy là bản thân lo lắng lắm. Vì vị trí chỗ ngồi hợp lí làm sao được khi lớp phải di chuyển liên tục trong các giờ khi học, vì học trò thì luôn hiếu động, vì sợ nhỡ xảy ra chuyện gì... Nhưng sau sáu tuần cô đồng hành cũng em, tôi thực sự ngưỡng mộ em, cậu bé xương thủy tinh.

Thú thực có những buổi sinh hoạt câu lạc bộ thể thao em cũng đến tham gia, tôi thấy hơi ngỡ ngàng. Trong tôi thấy hơi áy náy vì không dặn em là hôm nay có thể ở nhà. Nên tôi lại gần hỏi: em có thích tham gia không? Cậu bé lắc đầu bẽn lẽn. Nhưng đôi mắt ánh lên nỗi khát khao được chạy nhảy cùng các bạn.

Mấy cậu học trò khác thấy cô thì chạy lại bảo: An có thích chơi không, tớ giúp. Tưởng lũ trẻ trêu bạn tôi đang định mắng nhưng nhìn thái độ chúng rất chân thành nên lại thôi. Thực ra vì căn bệnh bẩm sinh – xương thủy tinh mà em được đặc cách vào trường và cũng là trường hợp được đặc cách không phải tham gia các hoạt động tập thể.

Vì thế tôi cho em ở lại trông lớp khi các bạn ra ngoài tập thể dục. Thi thoảng qua lớp “kiểm tra” những giờ học thể dục lại thấy vài ba cậu học trò trốn tập vào chơi điện tử và khi bị nhắc nhở lại ôm bụng hoặc ôm đầu kêu đau. Tuy nhiên, không có cách nào để trị mấy bạn đó vì toàn lí do “chính đáng” cả. Nên tôi đành bảo cậu bé xương thủy tinh nhưng nói to với cả lớp: Nếu bạn nào bị ốm, hoặc bị đau đột xuất thì An cho bạn ấy ở trong lớp thay em và em ra ngoài sân tập cho cô.

Câu bé thật thà: Vâng! Thế là các bạn thường xuyên “đau ốm” cứ mắt chữ A mồm chữ O. Tôi nói thêm: Các em là người khỏe mạnh mà các em lúc nào cũng tỏ ra mệt mỏi vậy hãy thử nhìn bạn An xem có lúc nào thấy bạn gục mặt xuống bàn hay tỏ ra mệt mỏi như các em không? Một số bạn thì trả lời khe khẽ: không ạ! Còn một số thì lặng thinh. Chiêu này hiệu quả bất ngờ. Các bạn ấy không dám trốn ở trong lớp. Cũng ít thấy các bạn khác tỏ ra mệt mỏi hay nằm gục xuống bàn hơn.

Tuy nhiên, đã nói là cô trò cùng giúp đỡ bạn. Vậy mà sau các buổi học tôi rẽ qua lớp để kiểm tra xem lớp có khóa cửa không thì tôi thấy hôm nào cậu bé xương thủy tinh cũng ở lại sau cùng, khóa cửa.

Tôi hỏi: sao các bạn khác lại không giúp em? Bạn ấy bảo: đằng nào em cũng phải đợi các bạn khác về hết em mới dám đi về. Tôi lại hỏi: Thế em lại phải đến lớp sớm nhất à? Câu bé lại tủm tỉm: Vâng cô!. Hôm sau, tôi gọi ban cán sự lớp – cũng là những bạn được giao giữ chìa khóa lớp nhắc nhở. Thì có bạn nhanh nhảu: Thật ra An thấy ngại vì bạn ấy không tham gia lao động cùng lớp nên bạn nhận trách nhiệm khóa cửa lớp đấy cô ạ! Không nói được cảm xúc khi ấy, tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng về cậu học trò mồ côi cha, bị xương thủy tinh như em.

Tôi lặng lẽ nhìn em, gày gò, bé nhỏ chống nạng đang đứng đợi để khóa cửa. Nước mắt trực trào ra nhưng lại nhớ đến câu nói Helen Killer: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy người không có chân để đi giày”. Cảm ơn cậu học trò nhỏ bé, yếu ớt nhưng đầy trách nhiệm như em. Em đã giúp tôi thấy tôi thật là may mắn.

Theo Hoàng Hải Yến -Tiếng nói giáo viên

Theo Hoàng Hải Yến -Tiếng nói giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/cau-hoc-tro-xuong-thuy-tinh-giau-trach-nhiem-3955712-c.html