Cậu học trò nguyện làm 'đôi chân' cho bạn

Suốt 7 năm qua, dù trời mưa hay nắng thì Vi Tuấn Khanh vẫn cõng, chở người bạn tật nguyền là Vi Nhật Cảnh (cùng 2006, trú tại bản Tà Cồ, xã Châu Hạnh, H. Quỳ Châu, Nghệ An) đến trường đều đặn. Nhiều người nói vui rằng, Cảnh may mắn vì được đến trường trên 'đôi chân' của bạn.

Suốt 7 năm qua, dù trời mưa hay nắng thì Vi Tuấn Khanh vẫn cõng, chở người bạn tật nguyền là Vi Nhật Cảnh (cùng 2006, trú tại bản Tà Cồ, xã Châu Hạnh, H. Quỳ Châu, Nghệ An) đến trường đều đặn. Nhiều người nói vui rằng, Cảnh may mắn vì được đến trường trên "đôi chân" của bạn.

Chúng tôi tìm đến trường THCS Hạnh Thiết, H. Quỳ Châu, Nghệ An trước giờ tan học chừng 10 phút. Vào thăm lớp 7A4, không khó để bắt gặp hình ảnh em Vi Nhật Cảnh đang say sưa ngồi chép bài. Là học sinh nhỏ nhất lớp nên Cảnh được xếp ngồi bàn trên cùng. Cảnh ngồi khòm lưng, tay cầm bút say sưa viết. Thỉnh thoảng đôi bàn tay nhỏ nhắn ấy lại run lên bần bật vì mỏi. Cảnh thả bút xuống bàn, hai tay cố nắm chặt vào nhau giữ cho đỡ run, nghỉ một lúc rồi lại viết tiếp.

Suốt 7 năm qua, Vi Tuấn Khanh trở thành "đôi chân" đưa đón bạn.

Suốt 7 năm qua, Vi Tuấn Khanh trở thành "đôi chân" đưa đón bạn.

Cậu học trò thiếu may mắn

Vi Nhật Cảnh sinh ra không may mắn như các bạn cùng trang lứa, mẹ của Cảnh là chị Vi Thị Hòa cũng bị tật nguyền. "Lúc mới sinh ra, Cảnh cũng bụ bẫm, hoạt bát lắm, cũng biết lẫy, biết bò rồi tập đứng lên. Thế nhưng, năm hơn 1 tuổi thì cứ tập đi là cháu lại bị ngã, đôi chân mềm nhũn, yếu ớt không thể bước nổi. Gia đình đưa cháu đi khám khắp nơi. Khi nhận kết quả, ai cũng bàng hoàng khi biết Cảnh bị bại não bẩm sinh. Bị bệnh hiểm nghèo mà hoàn cảnh gia đình Cảnh lại rất khó khăn, không có điều kiện đưa đi chữa trị. Người bố cũng chán nản bỏ hai mẹ con đi luôn. Cuộc sống mẹ con Cảnh chỉ biết cậy nhờ anh em, làng xóm - chị Vi Thị Hồng (dì ruột của Cảnh) kể lại.

Năm Cảnh tròn 3 tuổi, có một người đàn ông ở thị trấn Tân Lạc đi xây nhà thuê ở bản Tà Cồ biết được hoàn cảnh của hai mẹ con nên đã đem lòng thương cảm và cưới chị Hòa làm vợ. Cũng từ đó, cuộc sống của hai mẹ con đã có người bố dượng lo toan, gánh vác. Anh vừa là đôi vai cho chị Hòa nương tựa, vừa là người bố luôn quan tâm, săn sóc và hết mực thương yêu Cảnh.

Đến tuổi đi học, bố mẹ Cảnh vẫn cố gắng cho con đến trường như các bạn cùng trang lứa. Cảnh lớn lên với một cơ thể yếu ớt, tấm lưng bị gù, đôi chân teo tóp nên bước đi rất khó khăn, phải có người dìu. Năm học lớp 4, Vi Nhật Cảnh được gia đình đưa đi phẫu thuật ở Bệnh viện Quốc tế Vinh nên bệnh tình có phần thuyên giảm. May mắn là dù bị khuyết tật nhưng trí tuệ và nhận thức của Cảnh vẫn phát triển bình thường, chỉ hơi chậm hơn so với các bạn.

"Những lúc động trời, cơ thể Cảnh lại mềm oặt ra, tấm lưng càng khòm xuống, đôi chân càng yếu hơn nhưng Khanh vẫn luôn ở bên động viên Cảnh và cùng bạn đến trường. "Có hôm trời nắng, hai đứa đi học về thì xe đạp bị hỏng. Cảnh thì không đi được mà Khanh lại phải dắt xe, không biết làm thế nào nên cả hai ngồi khóc giữa đường. Sau đó, Khanh nhờ được người chở bạn về còn mình dắt xe đi bộ giữa trời nắng. Vừa đi vừa khóc thương lắm".

(Chị Vi Thị Hồng, dì ruột của Vi Nhật Cảnh)

"Đôi chân"

Gần nhà Cảnh có em Vi Tuấn Khanh là bạn học cùng lớp. Chẳng biết từ khi nào, Khanh và Cảnh trở nên thân thiết với nhau. Chỉ biết rằng, đôi bạn này chơi với nhau từ khi mới chập chững biết đi, biết nói. Khanh đã trở thành "đôi chân", "cánh tay" của bạn trong những việc nhỏ nhặt thường ngày. Từ khi học lớp 1, ngày nào cả hai cũng cùng đi học với nhau. Khi Cảnh không có người đưa đón, Khanh lại cõng bạn đi về. "Em thấy thương vì Cảnh bị khuyết tật, không như những người bình thường nên quyết định cõng bạn ấy đi học. Ban đầu mới cõng em cũng thấy hơi mệt nhưng sau đó đi nhiều cũng quen. Nhiều hôm đang đi thì vấp phải cục đá nên hai đứa ngã lăn nhào ra. Lúc đó, bọn em chỉ biết nhìn nhau cười rồi em lại đỡ Cảnh dậy cõng đi tiếp. Đến năm lớp 3 thì Cảnh được mua xe đạp và em tập xe để chở bạn ấy đi học, hôm nào không có Cảnh đi cùng cũng buồn lắm" - Vi Tuấn Khanh nói.

Gia đình Khanh thuộc diện hộ nghèo của bản, hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ lại thường xuyên đau yếu nên nhiều công việc vặt vãnh trong gia đình đều do Khanh lo liệu. Do lao động sớm nên Khanh có vẻ ngoài khỏe khoắn, chững chạc hơn nhiều so với tuổi.

7 năm đồng hành với nhau nhưng rất hiếm hoi khi thấy đôi bạn thân Khanh và Cảnh nghỉ học, thậm chí là đến lớp muộn giờ. Từ năm học lớp 1, đoạn đường từ nhà đến trường cũng đang rất khó khăn, phải vượt qua khe Đá Đòng ăm ắp nước. Khổ nhất là lúc trời mưa gió, trên "tấm lưng gầy" của Khanh là cơ thể nhỏ thó, mềm oặt của bạn. Đôi bàn tay nhỏ xíu, run rẩy của Cảnh cố níu vào nhau cho chắc chắn để Khanh cõng đến trường. "Thỉnh thoảng tranh cãi bọn em cũng hay giận nhau nhưng giận một lúc là quay lại chơi với nhau rồi Khanh lại chở em đi học. Nếu không có bạn Khanh thì em không được đến trường như các bạn. Em rất biết ơn Khanh" - Vi Nhật Cảnh xúc động nói.

Thầy Đặng Xuân Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Thiết cho biết: "Câu chuyện của 2 em Khanh và Cảnh là tấm gương sáng về tình bạn cho các học sinh trong nhà trường noi theo. Trường cũng lấy tấm gương này để tuyên truyền cho các em học sinh phải luôn biết quan tâm, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau trong học tập".

"Tan học, Khanh vội vã gấp sách vở bỏ vào ba lô rồi đến xếp sách giùm bạn. Khanh dìu Cảnh ra ghế đá sân trường ngồi rồi tất bật chạy ra lấy xe chở bạn về nhà. Quãng đường 6km từ trường về nhà sẽ không còn xa khi có 1 người bạn luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ để vượt qua mọi khó khăn. Cầu mong các em có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục khát vọng tìm đến con chữ, thực hiện ước mơ của chính mình.

DƯƠNG HÓA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_196401_cau-hoc-tro-nguyen-lam-doi-chan-cho-ban.aspx