Cậu học trò chiết xuất canxi từ xương cá ngừ

Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2019 - 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào cuối tháng 6, đoàn Khánh Hòa đã đoạt giải ba với dự án 'Chiết xuất canxi từ xương cá ngừ và thử nghiệm bổ sung vào bánh quy' của em Trịnh Hoàng Long - lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Nha Trang).

Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2019 - 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại TP. Đà Nẵng vào cuối tháng 6, đoàn Khánh Hòa đã đoạt giải ba với dự án “Chiết xuất canxi từ xương cá ngừ và thử nghiệm bổ sung vào bánh quy” của em Trịnh Hoàng Long - lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang).

Chia sẻ về lý do chọn đề tài, em Trịnh Hoàng Long cho biết, Khánh Hòa là địa phương có sản lượng cá ngừ cao của cả nước. Trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà máy chế biến thủy sản, lượng phế liệu xương cá ngừ khá dồi dào. Đây là nguồn thu canxi ở dạng tự nhiên (hydroxyapatite) - dạng cơ thể con người hấp thụ tốt nhất. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến, xương cá chưa được tận dụng hiệu quả, chủ yếu dùng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi… Với niềm yêu thích khoa học, Long cùng thầy giáo hướng dẫn đã bắt tay vào nghiên cứu và hoàn thành dự án “Chiết xuất canxi từ xương cá ngừ và thử nghiệm bổ sung vào bánh quy”.

 Em Trịnh Hoàng Long cùng thầy giáo hướng dẫn.

Em Trịnh Hoàng Long cùng thầy giáo hướng dẫn.

Long cho biết, trước đây đã có một số công trình nghiên cứu về chiết tách canxi từ xương cá theo nhiều phương pháp, song đều mất thời gian dài (khoảng 21 ngày) hoặc nung ở nhiệt độ quá cao (1200oC). Điều này khó thực hiện ở quy mô nhỏ, đồng thời gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Long đã tiến hành thí nghiệm khảo sát các điều kiện chiết tách canxi từ xương cá ngừ theo phương pháp thủy phân bằng NaOH ở nồng độ phù hợp nhằm giảm thời gian và nhiệt độ (còn 90oC). Qua đó, thu được chế phẩm canxi ở dạng tự nhiên có độ tinh sạch cao, dễ áp dụng ở các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ và hộ gia đình, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chế phẩm canxi thu được được thử nghiệm bổ sung vào bánh quy nhằm tạo ra thực phẩm bổ sung canxi có thể sử dụng phù hợp cho mọi đối tượng từ trẻ em đến người cao tuổi.

Trong quá trình thực hiện dự án, Long đã được nhà trường hỗ trợ vật chất để mua nguyên liệu, làm mẫu xét nghiệm, liên hệ với Trường Đại học Nha Trang để tiến hành các thí nghiệm. Em mong muốn hoàn thiện dự án bằng việc thu nhỏ kích thước của chế phẩm canxi, giảm thiểu chất thải trong quá trình thực hiện, tận dụng tối đa các phần bỏ đi của cá như: Đầu, da, vảy, ruột… để chiết xuất collagen, gelatin… ứng dụng trong đời sống. Được tuyển thẳng vào đại học với giải ba cấp quốc gia, Long đã chọn Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học của mình.

Thầy Trần Thế Quang - giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, người hướng dẫn Long cho biết, điểm nổi bật của đề tài là dễ thực hiện hơn so với các đề tài nghiên cứu trước đó, có thể áp dụng ở quy mô hộ gia đình và cá nhân. Quá trình chiết tách canxi chỉ sử dụng các hóa chất thông dụng, các thiết bị sử dụng nhiệt thông thường. Nước thải chủ động xử lý được chứ không ở dạng bay hơi. Sản phẩm cũng tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào để tạo ra sản phẩm có giá trị mà thị trường đang cần là bổ sung canxi dạng tự nhiên. Thành công của dự án góp phần lan tỏa tình yêu khoa học đối với các học sinh khác, giúp các em thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của khoa học đối với cuộc sống để cùng nhau kết nối, tạo nền tảng ban đầu trên con đường nghiên cứu khoa học về sau.

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202007/cau-hoc-tro-chiet-xuat-canxi-tu-xuong-ca-ngu-8172807/