Cầu đường sắt Bình Lợi mới lại trễ hẹn

Cầu đường sắt Bình Lợi mới được dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 6-2016 nhưng phải dời ngày khánh thành đến tháng 11-2018. Mới đây nhà đầu tư lại tiếp tục đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành cầu đến năm 2020.

Cầu đường sắt Bình Lợi mới với độ tĩnh không cao, đang được xây dựng kế bên cầu cũ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cầu đường sắt Bình Lợi mới với độ tĩnh không cao, đang được xây dựng kế bên cầu cũ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thi công ì ạch

Tháng 3-2015, Bộ GTVT công bố danh sách nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án xây mới cầu đường sắt Bình Lợi và đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn - đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc, tỉnh Bình Dương. Liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị xanh - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng STD Việt Nam (liên doanh GUD-STD) là nhà đầu tư dự án này. Dự án xây một cầu xe lửa mới dài 1,3km với tĩnh không 7m (cầu cũ Bình Lợi hiện hữu có tĩnh không 1,5m) tạo thuận tiện cho giao thông thủy. Dự án cũng có một gói thầu nạo vét luồng sông Sài Gòn, bạt mỏm các doi đất nhô ra hai bên bờ sông với chiều dài 71km đoạn từ cầu xe lửa Bình Lợi, TPHCM đến cảng Bến Súc tỉnh Bình Dương.

Tổng mức đầu tư của dự án là 1.302 tỷ đồng. Cầu đường sắt Bình Lợi mới nằm cách cầu cũ 12m về phía hạ lưu. Sau khi được Bộ GTVT chấp thuận, 1 tháng sau, liên doanh nhà thầu này tổ chức động thổ khởi công dự án rầm rộ. Tuy nhiên, dự án triển khai ì ạch, đến nay còn ngổn ngang, chưa biết ngày hoàn thành. Theo Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi, dự án có 18 gói thầu tư vấn và thi công, hiện 2 gói thầu số 7 và 8 chưa thi công. Về vốn thực hiện, chủ đầu tư dự án cho biết, vốn chủ sở hữu là 172 tỷ đồng, đã thực hiện 122,5 tỷ đồng. Vốn tỉnh Bình Dương cho vay không tính lãi 300 tỷ đồng, đã thực hiện 144,7 tỷ đồng. Vốn giải phóng mặt bằng TPHCM đã tạm ứng cho 2 quận Thủ Đức và Bình Thạnh là 95 tỷ đồng.

Lại xin lùi tiến độ

Theo hồ sơ thiết kế, cầu đường sắt mới có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho khổ đường 1,435m, cho phép xe lửa chạy với vận tốc 100km/giờ. Đến nay, dự án xây cầu đã hoàn thành 15 mố cầu, cơ bản hoàn thành việc sản xuất dầm thép, đang hoàn thành công tác thi công trụ tạm, tiến độ đạt 80%. Ban Quản lý dự án (QLDA) 7 cho biết, cầu đường sắt mới dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30-4. Sau đó, cầu đường sắt cũ có tuổi thọ 117 năm được tháo dỡ, hoàn tất trước ngày 30-6.

Tuy nhiên, cuối tháng 2-2019 của Ban QLDA 7 lại tiếp tục xin điều chỉnh tiến độ dự án và thời gian thi công xây dựng công trình dự án. Bộ GTVT đã chấp thuận điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án trong quý 1-2020, trong đó phấn đấu hoàn thành phần cầu trước ngày 30-4-2019, các gói thầu xây lắp khác (hệ thống đường ray, điện chiếu sáng, thông tin tín hiệu) hoàn thành trong tháng 7-2019; thông luồng kỹ thuật gói thầu số 10 trong tháng 12-2019 và hoàn thành các công việc, thủ tục liên quan khác trong quý 1-2020.

Bộ cũng giao cơ quan quản lý chất lượng (thuộc Bộ GTVT) tham mưu các thủ tục điều chỉnh tiến độ thi công tổng thể và tiến độ thi công chi tiết các gói thầu nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành chung của dự án; chủ trì xác định cụ thể nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến phải kéo dài tiến độ của từng gói thầu để làm cơ sở xử lý trách nhiệm, thanh toán, quyết toán, xác định các yếu tố tài chính theo quy định của hợp đồng. Ban QLDA 7, nhà đầu tư và Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi nghiêm túc rút kinh nghiệm những yếu kém trong quá trình quản lý thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đánh giá tác động môi trường dự án và điều chỉnh thiết kế cơ sở trong tháng 4-2019; đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án đúng tiến độ; dự thảo và trình Bộ GTVT phụ lục hợp đồng điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án.

Với việc tiếp tục điều chỉnh như vậy chưa biết đến khi nào dự án mới hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Tháo dễ - bảo tồn khó

Lts: Sau khi báo SGGP số ra ngày 17-4 có đăng bài “Nên chuyển đổi công năng cầu sắt Bình Lợi”, đề cập đến chiếc cầu 117 tuổi có khả năng bị tháo dỡ sau khi xây xong cầu đường sắt Bình Lợi mới, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến của các kiến trúc sư, chuyên gia về đô thị.

* PGS-TS Nguyễn Minh Hòa: Muốn bảo tồn phải có điều kiện

Kinh phí có tính quyết định trong công tác bảo tồn. Nếu chúng ta có tiền thì bảo tồn cái gì cũng thành công. Cầu Bình Lợi có độ tĩnh không quá thấp, do đó bảo tồn nguyên trạng là không khả thi. Nếu chúng ta muốn giữ lại cũng chỉ một đoạn bên này hoặc bên kia hoặc lấy một khúc đem lên bờ kèm với đó là lịch sử của cây cầu. Như vậy đơn giản nhưng sẽ rất tẻ nhạt. Cây cầu này cho đến nay có tuổi thọ 117 năm, là một trong những cây cầu cổ nhất của Pháp xây dựng tại Sài Gòn. Cầu Bình Lợi gắn liền với những đoàn tàu Nam - Bắc, cho người bộ hành và cả xe máy qua lại. Như vậy là có thể bảo tồn được, nhưng về bài toán kinh phí sẽ được giải quyết như thế nào? Thực tế rất nhiều di tích lịch sử được bảo tồn nhưng rất ít người tham quan. Về mặt kiến trúc cầu Bình Lợi không có gì độc đáo; lịch sử gắn liền với cây cầu cũng không có gì ghê gớm. Nó không giống như cầu Long Biên (Hà Nội) đã gắn liền với lịch sử chống Mỹ của dân tộc khi đã gánh hàng ngàn tấn bom của Mỹ thả xuống đây. Hoặc cầu Sài Gòn lại gắn với cuộc tổng tấn công nổi dậy năm 1975 thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, ở Sài Gòn - TPHCM những công trình có tuổi thọ lâu như thế không nhiều lắm cho nên có thể bảo tồn được với một điều kiện đi cùng với việc bảo tồn cây cầu là cả một hệ thống công trình phụ trợ đi kèm. Ví dụ như khu vui chơi giải trí, ẩm thực, du lịch… Có thể du khách đến tham quan cây cầu 5-10 phút thôi nhưng họ có lý do đến đó vì những dịch vụ kèm theo. Nếu được như vậy sẽ cần nguồn kinh phí lớn, quy hoạch đồng bộ và cả quỹ đất rộng lớn xung quanh đó nữa. Vấn đề này chỉ từ nguồn xã hội hóa mới có thể làm được chứ nguồn ngân sách nhà nước, tôi e rất khó khăn.

* KTS Ngô Viết Nam Sơn: Giá trị lịch sử, văn hóa lớn

TPHCM rất ít những công trình có tuổi thọ trên 100 tuổi, vì thế khi nâng cấp sữa chữa hay xây cầu mới thay thế cầu cũ có trên 100 năm tuổi cần phải bảo tồn gìn giữ, chứ không đơn giản là xây cầu mới thì phá bỏ cầu cũ. Lĩnh vực giao thông khi nhìn nhận một cây cầu cũ chỉ quy ra sắt vụn, nói nôm na phá bỏ thành phế liệu. Nếu công trình cầu được bảo tồn gìn giữ, biến nó thành điểm tham quan du lịch hơn 100 năm lịch sử, giá trị tăng lên gấp cả trăm lần. Không chỉ thế nó còn đóng góp vào kho tàng văn hóa của thành phố thêm đa dạng và phong phú.

Trước khi xây dựng hay sửa chữa cầu cũ, TP nên giao cho liên sở để phối hợp cùng đưa ra ý tưởng thực hiện dự án. Cụ thể, Sở GTVT, Sở TT-VH, Sở Du lịch, thậm chí mời các chuyên gia về bảo tồn, kiến trúc sư… cùng cho ý kiến và chốt phương án thực hiện. Nghĩa là phối hợp làm sao để giữ được cầu cũ và chuyển giao cho đơn vị có chức năng bảo tồn, khai thác đúng mục đích còn việc xây cầu mới thì cứ xây. Tóm lại, nếu giữ được cây cầu thì lợi ích cho TP 100 lần. Để làm được điều này, TP nên kêu gọi xã hội hóa thực hiện dự án xây cầu mới và phải đảm bảo giữ lại cầu cũ để phát triển du lịch.

Về giải pháp thực hiện gìn giữ, bảo tồn thì nên có cuộc thi thiết kế. Quy hoạch 2 đầu cầu thành 2 điểm đến không chỉ khách du lịch mà đây cũng có thể là trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, triển lãm... Làm sao để vừa đảm bảo phát triển giao thông thủy vừa giữ được công trình cổ. Có thể nâng cấp cầu này thành cầu quay như cầu quay sông Hàn Đà Nẵng hoặc nâng cao cầu để tàu thuyền qua lại được. Về phương án thiết kế tận dụng chỉnh trang đô thị, mở rộng, bổ sung thêm chức năng văn hóa, du lịch, buýt sông… TP đã có các tuyến buýt sông thì đây là điểm đến của hành khách nếu chung ta biết cách làm.

* KTS Khương Văn Mười: Giữ lại để phục vụ du lịch

Cầu sắt Bình Lợi có giá trị lịch sử trong quá trình hình thành trục giao thông huyết mạch từ TP đi các tỉnh miền Đông và miền Trung, miền Bắc. Đây là cây cầu có ý nghĩa ghi lại dấu tích phát triển cho khu vực phía nam Sài Gòn - Đồng Nai, có thiết kế giống như cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Gành (Biên Hòa), hoặc cầu Rạch Chiếc trước đây (có quy mô nhỏ hơn). Kết cấu của những cây cầu này giống nhau, mố cầu xây bằng đá hộc và khung thép đặt lên trên, tĩnh không khá thấp.

Việc tháo dỡ cây cầu đi quá dễ dàng, nên lưu giữ để làm dấu tích lịch sử cho một giai đoạn phát triển giao thông của TP là việc hết sức cần thiết. Đầu tiên là đổ bê tông 2 mố cầu, sau đó nâng độ cao tĩnh không lên cho tàu bè đi lại dễ dàng. Thậm chí, có thể giữ lại và cho xe lửa quy mô nhỏ hơn chạy qua lại… Tất cả việc này nhằm đưa vào khai thác để phục vụ cho khách du lịch, người dân tham quan. Đương nhiên, nhằm không làm nặng gánh ngân sách mà di tích nuôi di tích, có thể xã hội hóa việc bảo tồn để gìn giữ cây cầu này.

QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cau-duong-sat-binh-loi-moi-lai-tre-hen-587731.html