Cầu Cư Păm bị gãy gần hai năm chưa được sửa chữa

Tỉnh lộ 9, tuyến giao thông huyết mạch nối liền hai huyện vùng sâu Krông Bông và huyện Krông Pác có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Đợt mưa lũ tháng 11-2016 đã làm cây cầu Cư Păm bắc qua sông Krông Ana nằm trên tuyến tỉnh lộ này bị gãy một nhịp, gây ách tắc giao thông và mất an toàn giao thông. Hiện cây cầu chỉ được gia cố tạm khiến việc lưu thông của người dân qua đây gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi mùa mưa lũ đang cận kề.

Cầu Cư Păm bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng nhưng chậm được xây dựng mới, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Qua cầu vừa đi vừa run

Cầu Cư Păm được xây dựng từ năm 1979, có chiều dài 80 m, bắc qua sông Krông Ana nằm giữa hai xã Hòa Tân và xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông phục vụ việc giao thương, đi lại của hàng nghìn hộ dân trong vùng. Cầu được xây dựng với mục đích ban đầu là phục vụ người dân đi bộ hoặc cho các xe có tải trọng nhỏ bởi đây là một huyện nghèo, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Từ năm 2000 đến nay, do việc khai thác gỗ và đá, cát xây dựng trên địa bàn huyện Krông Bông diễn ra rầm rộ, đồng thời nông dân trên địa bàn huyện mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nên các loại xe có tải trọng lớn thường xuyên đi qua cầu Cư Păm khiến cây cầu vốn đã yếu càng xuống cấp nghiêm trọng. Trên mặt cầu có nhiều khe nứt kéo dài, các thanh lan-can hai bên cầu bị ăn mòn, gỉ sét, mố cầu bị xói mòn trơ lõi sắt. Tháng 11-2016, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài, nước lũ trên sông Krông Ana chảy xiết làm trụ T2 của cầu bị xói, sụt lún khiến cầu bị gãy một nhịp gấp khúc tạo hình chữ V.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, để bảo đảm an toàn cho người dân, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đác Lắc đã chỉ đạo dừng lưu thông qua cầu, tổ chức hướng dẫn giao thông, gia cố cầu Cư Păm tạm thời bằng cách lắp dầm thép bắc qua hai trụ cầu (T1 và T3) làm cầu tạm vượt điểm gãy gập và giới hạn tải trọng qua cầu dưới ba tấn, chiều cao hai mét, chủ yếu dành cho xe con, xe tải nhỏ, xe máy và người đi bộ qua lại cho nên việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Anh Vũ, một người dân xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông hiện công tác tại thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Hằng tuần tôi thường về quê, mỗi lần chạy xe qua cầu Cư Păm, tôi vừa chạy vừa run vì cầu bị rung lắc, hư hỏng nghiêm trọng. Còn ông Nguyễn Công Đức ở thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền cho biết: Cầu Cư Păm xuống cấp, hư hỏng được gia cố tạm thời cho nên giới hạn trọng tải cho phép chỉ ba tấn thay vì năm tấn như trước. Vì vậy, người dân mua vật liệu xây dựng phải vận chuyển hàng hóa, nông sản qua cây cầu này phải tập kết một bên cầu, thuê xe trọng tải ba tấn trung chuyển qua bên kia cầu, mất thời gian, chi phí vận chuyển cũng tăng cao.

Theo phản ánh của người dân địa phương, dù cầu Cư Păm đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ được gia cố tạm thời, ngành GTVT đã cắm biển cấm xe có tải trọng hơn ba tấn lưu thông, thế nhưng, hằng ngày vẫn có nhiều xe tải lớn đi qua gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông trên cầu. Anh Hồ Văn Lắm ở xã Cư Kty, huyện Krông Bông lo lắng nói: “Mỗi lần có chiếc xe tải đi qua, cầu bị rung lắc mạnh. Cây cầu ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nhưng hằng ngày có hàng nghìn lượt người dân, học sinh qua lại để làm ăn, học tập. Mùa mưa lũ năm nay đang cận kề, việc qua lại cây cầu này hằng ngày đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn. Chúng tôi mong các cấp, các ngành khẩn trương đầu tư sửa chữa lại cây cầu này để hằng ngày qua lại mưu sinh và các cháu yên tâm học hành”.Cần sớm xây dựng cầu mới

Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Huỳnh Bài cho biết: Từ khi cầu Cư Păm bị sập một nhịp, việc giao thương trao đổi hàng hóa của địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Các sản phẩm nông nghiệp của người dân sản xuất ra bị tư thương ép giá, giá bán giảm từ 10 đến 20% do cước vận chuyển tăng, một số phương tiện vận tải lớn không mở tuyến đến huyện. Chẳng hạn, trên địa bàn huyện hiện có hai nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhưng do cầu Cư Păm bị gãy, xe có tải trọng lớn không qua được dẫn đến giá vận chuyển tăng, buộc nhà máy thu mua sắn của dân với giá thấp hơn so với trước đây. Hay như khoảng 1.600 ha mía và hàng nghìn héc-ta bắp (ngô), khi thu hoạch, thương lái thu mua thấp hơn các nơi khác vài giá để bù vào khâu vận chuyển, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Cầu gãy, xuống cấp không chỉ ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân trong huyện mà điều lo lắng nhất là việc người dân lưu thông qua lại cầu Cư Păm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn, nhất là trong mùa mưa bão do cầu có thể bị sập bất cứ lúc nào.

Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đác Lắc Lê Công Du cho biết: Việc xây mới cầu Cư Păm là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho người dân lưu thông trên tỉnh lộ 9 nối hai huyện Krông Bông và Krông Pác. Tuy nhiên, theo tính toán, tổng mức đầu tư xây dựng mới cầu Cư Păm cần nguồn kinh phí lớn gần 80 tỷ đồng nằm ngoài khả năng ngân sách của tỉnh. Ngày 17-5-2017, UBND tỉnh Đác Lắc đã có Công văn 3573/UBND-TH gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí đầu tư, xây dựng mới cầu Cư Păm. Tiếp đó, tỉnh cũng đã gửi Tờ trình số 85/TTr-UBND ngày 18-7-2017 trình Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2017 - 2020. Vì chưa có kinh phí cho nên đến nay cầu Cư Păm vẫn chưa được xây dựng mới mặc dù hiện nay bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, nông sản và cuộc sống của người dân trong vùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn, nhất là khi mùa mưa lũ năm 2018 đang cận kề.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Krông Bông mong muốn UBND tỉnh Đác Lắc và các bộ, ngành trung ương sớm có kế hoạch xây dựng cây cầu Cư Păm mới thay cho cây cầu cũ đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Qua đó, giúp người dân đi lại được thuận tiện, an toàn, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc ở vùng căn cứ cách mạng còn nhiều khó khăn này.

HUỲNH BÀI

Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc

Tổng mức đầu tư xây dựng cầu Cư Păm khoảng 80 tỷ đồng, nằm ngoài khả năng cân đối ngân sách tỉnh. Vì vậy, UBND tỉnh Đác Lắc đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ kinh phí để xây dựng cầu mới. Khi Trung ương bố trí được nguồn vốn tỉnh sẽ triển khai xây dựng cầu mới ngay.

LÊ CÔNG DU

Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đác Lắc

Bài và ảnh: CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/37528202-cau-cu-pam-bi-gay-gan-hai-nam-chua-duoc-sua-chua.html