Câu chuyện xúc động về nghề y

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, 'Thể xác và tâm hồn' như một bức panorama, phơi bày những khía cạnh về đời sống ngành y của nước Pháp, rộng ra là cả thế giới.

Thể xác và tâm hồn của Maxence van der Meersch là bộ sách giành được nhiều chú ý kể từ khi ra mắt tại Pháp năm 1943 vì đã lột tả những góc khuất trong ngành y đồng thời tôn vinh giá trị cốt lõi của người thầy thuốc, phải dùng cái tâm để chữa bệnh, khi sinh mạng con người mong manh phụ thuộc hoàn toàn vào đôi tay cũng như khối óc của họ.

 Sách Thể xác và tâm hồn phiên bản bìa cứng phổ thông. Ảnh: Hạnh Nguyễn.

Sách Thể xác và tâm hồn phiên bản bìa cứng phổ thông. Ảnh: Hạnh Nguyễn.

Nghề y dưới góc nhìn văn học

Buổi tọa đàm về tác phẩm đã được tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2. Tọa đàm có chủ đề: “Nghề y dưới góc nhìn văn học” với sự tham gia của PGS. TS Phùng Ngọc Kiên, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, biên tập viên Tuyết Minh cùng khách mời là một số bác sĩ, ông Hoài Bắc và anh Nam Đỗ - admin của một số nhóm yêu sách trên mạng xã hội.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách, buổi tọa đàm diễn ra trong sự vui vẻ, ấm cúng khi các diễn giả và khách mời chia sẻ những suy nghĩ về bộ sách rất tích cực.

Biên tập viên Tuyết Minh (biên tập viên NXB Kim Đồng) nói bà đọc Thể xác và tâm hồn trong tâm thế một độc giả. "Lần đầu tiên tôi đọc một cuốn sách về ngành y hấp dẫn, để lại nhiều cảm xúc như thế. Cảm xúc đôi khi không liền mạch nhưng tôi thấy phân cảnh nào cũng gây hứng thú", biên tập viên Tuyết Minh nói.

Cuốn sách là câu chuyện xoay quanh gia đình ông bác sĩ, mối quan hệ của những người con, bạn bè cậu con trai Michel, cô con gái điều dưỡng Fabienne, soi rọi những ngóc ngách của đời sống những người làm ngành y.

Bên cạnh đó, tác phẩm gây xúc động bởi câu chuyện tình yêu của Michel với Évelyne, theo dõi cuộc đời hai người khi họ về quê sinh sống và chăm sóc bệnh nhân nghèo. Cách sống của họ hoàn toàn đối lập với những bác sĩ chỉ chạy theo tiền.

Cái kết truyện cũng khiến người đọc ứa nước mắt về tình cảm gia đình.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng Thể xác và tâm hồn là một tiêu đề trực diện, hồn và xác, con người có thể xác nhưng muốn chữa bệnh cho người bệnh, thì càng cần phải có tâm hồn.

Đây là một tiểu thuyết dài hơi viết theo kiểu cổ điển, giống văn chương Balzac, đi rất kĩ vào chi tiết. Mối tình giữa một đứa con nổi loạn và một cô gái thân cô thế cô bị bệnh lao là một motif kinh điển trong văn học.

Chi tiết Michel cãi lại lời bố và nhất quyết đi tìm tình yêu của đời làm tôi thấy hấp dẫn hơn cả. Thể xác và tâm hồn đưa người đọc đến những cảm xúc chân thật nhất. Cuốn tiểu thuyết Thể xác và tâm hồn như một bức panorama, phơi bày tất cả những khía cạnh về đời sống ngành y của nước Pháp, rộng ra là cả thế giới", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.

Bộ Thể xác và tâm hồn phiên bản vi quyền (miniature). Ảnh: Hạnh Nguyễn.

Mổ xẻ căn bệnh trầm kha của xã hội

Từ góc nhìn của người trong ngành, bác sĩ Hoài Bắc - bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội - nhận xét cuốn sách là một thế giới thu nhỏ, câu chuyện về gia đình cũng là vấn đề xã hội. Anh đặc biệt thích những chi tiết phân tích nội tâm của bác sĩ, phơi bày góc khuất ngành y.

Bác sĩ Hoài Bắc nói: "Nếu các bạn đọc cuốn Thể xác và tâm hồn, bạn sẽ thấy sự giằng xé trong nội tâm của người bác sĩ được miêu tả rất rõ nét và khác hoàn toàn với ngành nghề khác".

"Với mọi người, có thể cuộc đấu tranh chỉ là giữa thiện và ác, nhưng chúng tôi, những người trong nghề, không chỉ là thiện-ác, chúng tôi còn phải đứng giữa lợi ích cộng đồng và tư lợi cá nhân. Cuốn sách mô tả cực kì rõ nét những góc khuất trong ngành y mà tôi thấy sinh viên trong ngành không được trải qua thì vô cùng đáng tiếc", bác sĩ Hoài Bắc nói.

Các diễn giả tham gia tọa đàm về sách. Ảnh: Hạnh Nguyễn.

Với nhiều năm nghiên cứu văn học Pháp, PGS. TS Phùng Ngọc Kiên đánh giá: “Việc tái bản một cuốn sách tiêu biểu của văn học Pháp và làm với phiên bản đẹp đã nâng tầm giá trị cuốn sách".

PGS. TS Phùng Ngọc Kiên cho biết văn học thế giới nói chung và văn học Pháp nói riêng chịu ảnh hưởng từ y học. Nhiều nhà văn lớn của văn học đều từng làm thầy thuốc như Rabelais, Chekhov, Lỗ Tấn... Manxence van der Meersch đã kế thừa phong cách tiểu thuyết thực nghiệm, phải mổ xẻ xã hội ta đang sống, để chữa trị những căn bệnh trầm kha.

Bộ sách Thể xác và tâm hồn của Maxence van der Meersch ngay khi ra mắt bản vi quyển (miniature books) vào tháng 2 đã nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả và tiêu thụ hết trong thời gian ngắn. Phiên bản phổ thông bìa cứng và bìa mềm của tác phẩm sẽ sớm được ra mắt bạn đọc.

Hạnh Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-chuyen-xuc-dong-ve-nghe-y-post1188513.html