Câu chuyện xúc động từ bức ảnh lịch sử

Hơn 100 tấm ảnh thời kháng chiến chống Mỹ, trong đó có bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Lê Minh Trường, được trưng bày trong một ngôi đình cổ là chuyện lạ, duy nhất của Sóc Trăng cho đến bây giờ. Ngày 30-4 lại về, cũng là dịp để thế hệ kế tiếp thêm tự hào về Gia Hòa - vùng đất anh hùng.

Chị Lâm Hồng Đẹp xem lại ảnh chân dung mình tại triển lãm

Chị Lâm Hồng Đẹp xem lại ảnh chân dung mình tại triển lãm

Ảnh xưa, đình cổ

Khuôn mặt thanh tú, ánh mắt hướng thẳng, thân hình thon thả, áo bà ba, khăn rằn quấn quanh trán, súng chắc trong tay..., tấm ảnh “nữ du kích Hòa Tú” của phóng viên Thông tấn xã Lê Minh Trường chụp từ năm 1972 thật ấn tượng. Vừa bình dị, chân chất, ẩn chứa nét dịu dàng, duyên dáng mà vẫn mạnh mẽ, dứt khoát. “Tấm ảnh này đạt giải quốc tế đó”, nhiếp ảnh gia Văn Ngọc Nhuần (Sóc Trăng), người hoạt động cùng tác giả tấm ảnh khi đó cho biết.

“Đúng rồi, tôi nè! Lúc chụp tôi mới 21 tuổi, khi vừa đánh xong đồn Kinh Ngay đóng tại xã. Đội du kích xã khi đó có trên 20 người thì 5-6 người là nữ, trong đó có chị là xã đội phó; ai cũng hăng hái, quyết liệt hết, chẳng ngán chẳng sợ chi cả”, chị Lâm Hồng Đẹp chỉ vào tấm ảnh kể lại.

Đã 65 tuổi, cựu nữ du kích xã Gia Hòa (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) Lâm Hồng Đẹp vẫn giữ nguyên nét duyên thầm, nói năng nhỏ nhẹ, kiệm lời. Hôm đó, nhiều “người xưa” cũng bồi hồi khi gặp lại chính mình ở những năm tháng tuổi trẻ, sống trong thời điểm đầy ác liệt trên chiến trường Gia Hòa.

Trên 100 tấm hình thời chống Mỹ được trưng bày trong ngôi đình cổ thờ người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực khiến lễ cúng đình (ngày 12-2 âm lịch) năm nay sôi động hẳn lên. Gia Hòa hiện về một thời hào hùng, sinh động qua những tấm ảnh chụp cảnh chống càn, chống phá bình định, ấp chiến lược, dựng làng chiến đấu, bám đất sản xuất, du kích công đồn, gài lựu đạn, hầm chông, dùng nạng thun làm vũ khí...

Bộ ảnh được lưu giữ cẩn thận hàng chục năm và nay trưng bày trong đình là chuyện lạ. “Chúng tôi đã mơ có một bộ ảnh như vậy từ rất lâu rồi. Bà con nghe tin nôn nao đến coi từ trước ngày khai trương. Thiệt xúc động và vô giá bởi sự kiện, con người trong những tấm ảnh xảy ra trên chính mảnh đất Gia Hòa, nhiều cô chú đã không còn nữa. Ngày 30-4 lại về rồi, cũng là dịp để thế hệ kế tiếp càng thêm tự hào về đất và người Gia Hòa; càng thấy rõ hơn trách nhiệm, cống hiến hơn nữa cho quê hương”, Bí thư Đảng ủy xã Gia Hòa 1 Lâm Hoàng Sơn tâm sự.

“Nữ du kích Hòa Tú” của tác giả Lê Minh Trường

Gia Hòa là căn cứ của ta trong suốt 2 mùa kháng chiến, vì vậy không bao giờ ngớt tiếng đạn nổ bom rơi. Gia Hòa là xã đứng lên làm đồng khởi thắng lợi đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng. Từ năm 1962-1967, du kích Gia Hòa đã tham gia đánh hàng trăm trận lớn, nhỏ. Năm 1966, bằng súng bộ binh, du kích Gia Hòa bắn rớt 1 máy bay phản lực “thần sấm”; năm 1969 lại bắn rớt thêm 1 trực thăng vũ trang, dẫn đầu phong trào du kích bắn máy bay của huyện Mỹ Xuyên. Đi qua 2 cuộc chiến tranh, đã có trên 550 người con của Gia Hòa nằm xuống mãi mãi; có 63 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó 18 mẹ có từ 3 đến 5 người thân là liệt sĩ...

Đất lại nở hoa

Năm 1989, xã Gia Hòa chia tách thành 2 xã là Gia Hòa 1 và Gia Hòa 2. Đến nay cả 2 xã đều phát triển, đổi thay tích cực. Gia Hòa cũng chính là một trong ít địa phương tiên phong mô hình luân canh “con tôm ôm cây lúa” hiệu quả, phổ biến của tỉnh Sóc Trăng. Đến nay, vùng đất mùa mưa thì ngọt mùa nắng lại mặn vẫn chọn đây là mô hình chính để phát triển kinh tế bởi tính bền vững của nó.

Căn nhà của gia đình chị Lâm Hồng Đẹp (ấp Long Hòa, xã Gia Hòa 1) rộng rãi, cặp lộ. Anh Hai Vân (Nguyễn Thanh Vân, chồng chị Đẹp) cùng đội du kích năm xưa, tính tình vui vẻ. Anh chị có 3 người con, 2 cô con gái đầu tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, hiện dạy học tại TP Sóc Trăng. “Vừa mở tiệm tạp hóa, vừa nuôi tôm, cuộc sống thư thả lắm rồi”, anh Hai Vân chia sẻ.

“Ngoài con tôm và trồng lúa đặc sản ST có giá trị cao, thì nuôi bò cũng góp phần giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Gia Hòa 1 Võ Văn Đảo thông tin. Dọc theo con đường ở ấp Công Hòa, cứ khoảng 200-300m lại thấy một chuồng bò.

“Nuôi khoảng 1 năm rưỡi là tôi bán, thu về 40-50 triệu đồng/con. Hiện trong chuồng có 4 con, trị giá cũng trên 400 triệu đồng. Nuôi bò không sợ lỗ, chịu cực một chút là có lời nhiều”, bà Từ Thị Sỏi bộc bạch. Sau 4-5 năm triển khai dự án, đàn bò của xã Gia Hòa 1 đã lên đến 980 con, bà con tận dụng 50ha bờ bao trồng cỏ nuôi bò.

Trong khi đó, mô hình nuôi lươn của hộ anh Nguyễn Văn Đảo (ấp Long Hòa) cũng rất hiệu quả và đang được nhân rộng. Sau 2 năm mày mò kỹ thuật, đến nay tỷ lệ nuôi thành công của anh đạt trên 70%. Hiện giá lươn thịt 170.000 đồng/kg, lươn giống 7.500 đồng/con, không đủ cung ứng cho thị trường.

Xã Gia Hòa 1 và xã Gia Hòa 2 đều được công nhận nông thôn mới từ năm 2018, nhờ diện mạo nông thôn khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Quan trọng nhất là thu nhập người dân ngày càng tăng, hiện bình quân hơn 57 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm 40%, hộ nghèo chỉ còn 0,94%. Nhiều tuyến đường láng nhựa được mở rộng, chạy dài để xe ô tô lưu thông vô tận Vườn Cò, điểm du lịch sinh thái ở xã Gia Hòa 1, căn cứ cách mạng khi xưa. Hai bên đường hoa nở bừng khoe sắc, vuông tôm nối tiếp nhau hút mắt...

VŨ THỐNG NHẤT

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cau-chuyen-xuc-dong-tu-buc-anh-lich-su-728565.html