Câu chuyện về xe tăng T-14 Armata liệu đã đi đến hồi kết?

Trải qua nhiều sóng gió liên quan đến các vấn đề về kỹ thuật và chi phí sản xuất, dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của Quân đội Nga đang thấy 'tia sáng ở cuối đường hầm'.

Từ Quảng trường Đỏ đến...vận hành trên sao Hỏa

Dòng xe tăng thế hệ thứ tư của quân đội Nga, T-14 Armata, từng trở thành tâm điểm của dư luận khi nó đột nhiên “chết đứng” trên Quảng trường Đỏ trong buổi tập dượt chuẩn bị cho Lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức năm 2015. Phải mất khoảng 15 phút sau, chiếc xe tăng này mới có thể tự di chuyển để tiếp tục buổi tổng duyệt. Lần ra mắt không thành công của dòng xe tăng vốn nhận được rất nhiều sự kỳ vọng này đã bị các hãng thông tấn báo chí phương Tây “ném đá”. Hãng tin Reuters coi màn ra mắt của T-14 là sự khởi đầu không mấy may mắn. Trong khi đó, hãng AP châm biếm bằng việc dẫn lời công ty sản xuất xe tăng T-14 Uralvagonzavod gọi đây là “chiếc xe không gặp sự cố”…

Hình ảnh xe tăng T-14 Armata trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: popularmechanics.com

Tháng 9 năm 2017, truyền thông Nga đưa ra lời khẳng định hết sức táo bạo rằng T-14 Armata có thể vận hành được cả trên sao Hỏa. Sputnik News dẫn bài viết trên tờ Izvestia có tiêu đề “Động cơ kỳ diệu của Armata hoàn toàn tương thích với nhiệt độ trên sao Hỏa”. Theo đó, Izvestia cho rằng động cơ Armata có thể vận hành được trên sao Hỏa do có những siêu tụ điện cho phép động cơ khởi động ở nhiệt độ âm 50oC. Để dẫn chứng cho lời khẳng định trên, Sputnik trích lời người phát ngôn của Renova (công ty chế tạo động cơ Armata) rằng động cơ xe tăng đã được khởi động bằng pin “chết” ở nhiệt độ âm 45oC. Mikhail Lifshitz, một chuyên gia của công ty Renova, cho biết: “Chiếc xe tăng được đưa vào môi trường giá lạnh trong vài ngày cho đến khi ác-quy hết điện. Tuy nhiên, bằng việc sử dụng trạm điện di động với một siêu tụ điện, chúng tôi đã nhiều lần khởi động thành công động cơ Armata trong điều kiện thời tiết này”. Thế nhưng, nhiệt độ trung bình trên sao Hỏa có thể xuống thấp hơn nhiều, tới âm 126oC, và bầu khí quyển trên sao Hỏa cơ bản chỉ chứa than khí CO, không thể vận hành động cơ đốt trong. Vào thời điểm đó, ít ai hiểu được điều gì khiến Sputnik đưa ra lời tuyên bố táo bạo như vậy khi mà bất kỳ người lính nào trong tương lai cũng sẽ nhận ra rằng sự khắc nghiệt của sao Hỏa không chỉ dừng lại ở những vấn đề về động cơ.

Từ đó đến nay, việc động cơ xe tăng Armata gặp vấn đề về kỹ thuật gây thất vọng với nhiều người đã khiến giới quân sự đặt ra câu hỏi: Liệu bao giờ Dự án hiện đại hóa lực lượng xe tăng của Nga sẽ hoàn thành?

Vào biên chế Quân đội Nga

Việc sản xuất xe tăng T-14 Armata siêu hiện đại cải tiến của phiên bản cũ đã diễn ra trong nhiều năm với nhiều hứa hẹn. Mặc dù có một số vấn đề kỹ thuật và chi phí sản xuất khung gầm cao, những ngày gần đây đã có những tín hiệu cho thấy quá trình này sắp đi đến hồi kết.

Theo báo cáo của các quan chức quân sự cao cấp, quá trình sản xuất T-14 Armata sắp hoàn thành và trong thời gian 2 năm tới, Quân đội Nga có thể bắt đầu được trang bị hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm chiếc. Con số này nhỏ hơn nhiều so với con số 2,300 xe tăng mà Nga đã từng lên kế hoạch trang bị cho Quân đội Nga trước đó. Ngày 16-2-2018, công ty Uralvagonzavod (UVZ) đã bắt đầu thử nghiệm T-14 tại cơ sở thử nghiệm Nizhny Tagil với bài kiểm tra độ bắn chính xác.

Theo Phó thủ tướng Dimitry Rogozin, người phụ trách công nghiệp quốc phòng, quân đội Nga sẽ bắt đầu đánh giá hoạt động của xe tăng Armata vào năm 2019. Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Yuriy Borisov trong chuyến thăm tới một nhà máy của UVZ đã tuyên bố các hợp đồng lớn mua T-14 sẽ diễn ra sau năm 2020 khi các khâu kiểm tra đã hoàn tất. Ngoài ra, cũng đã có một thỏa thuận mua một số xe tăng T-14 cho mục đích huấn luyện bao gồm 02 tiểu đoàn tăng Armata và 01 tiểu đoàn xe bọc thép thiết kế dựa trên nền tảng Armata.

Kẻ thay đổi cuộc chơi?

Rất khó để có thể đoán định liệu Quân đội và Chính phủ Nga sẽ thuận theo những điều khoản mới do UVZ đề xuất hay không. Song, có một điều chắc chắn là UVZ đang phát triển lớp giáp mới cho Armata, khác với loại giáp được trình bày trước đó. Ban lãnh đạo UVZ cũng không loại trừ khả năng sản xuất xe Armata không người lái. Khung gầm Armata cũng sẽ được sử dụng để thiết kế các loại xe thiết giáp mới hoặc pháo tự hành.

T-14 hiện đang được trang bị hộp số tự động 12 cấp, hệ thống tên lửa chiến thuật, phòng không, tổ hợp trinh sát và xác định mục tiêu, khả năng phát hiện hồng ngoại và pháo cỡ nòng 125mm. Tuy nhiên, dòng xe tăng mới nhất của Nga vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn xe tăng T-90A để đối trọng với xe tăng M-1 Abrams của quân đội Mỹ. M-1 Abrams được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động Trophy APS (Active Protection System), giáp “khủng” bao gồm lớp giáp uranium, lớp sợi Kevlar, giáp phản ứng nổ và lớp giáp Chobham, và pháo cỡ nòng 120mm. Để làm được việc này, T-14 sẽ cần phải hoàn thiện hệ thống nạp đạn và tháp pháo tự động vốn vẫn bị lực lượng xe tăng Mỹ coi là “phi thực tế” bởi nếu đạn pháo bị kẹt trong khi chiến đấu, một thành viên tổ lái sẽ phải rời khỏi vị trí và trèo lên tháp pháo để sửa chữa. Rất có thể, T-14 Armata sẽ theo chân siêu tiêm kích Su-57 sang chiến trường Syria để “thử lửa”, bởi bên cạnh môi trường nắng nóng ở Syria, T-14 Armata sẽ còn phải đối mặt với một số lượng lớn tên lửa chống tăng và súng phóng rocket của phiến quân. Rõ ràng là dù T-14 Armata có thể là đối thủ vô cùng đáng gờm đối với các loại xe tăng do Mỹ và NATO sở hữu, nó vẫn chưa thể được coi là “kẻ thay đổi cuộc chơi”, ít nhất là trong 10 năm tới.

TIẾN LONG (tổng hợp)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/cau-chuyen-ve-xe-tang-t-14-armata-lieu-da-di-den-hoi-ket-535807