Câu chuyện về những người hướng thiện, kỳ 3 : Đứng dậy sau những cú trượt dài

Sáng nào cũng vậy, cứ đến 7 giờ là căn nhà số 38/12 Đỗ Tấn Phong, P.9, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) của anh Nguyễn Ngọc Châu lại rộn rã tiếng nói cười của bà con đến chữa bệnh bằng phương pháp bấm huyệt.

Hết lòng vì người bệnh

Bệnh nhân đến tìm anh đa số là những người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, lại mang trong người đủ các thứ bệnh như đau nhức xương khớp, tai biến… Bệnh nhân nào đến anh Châu cũng chữa trị tận tình, không nề hà, không từ chối bất kỳ ai, miễn là anh có thể chữa được.

Anh không định giá cho việc khám chữa bệnh, ai có khả năng bao nhiêu thì trả bấy nhiêu; tiền thu được chủ yếu anh để mua dầu xoa bóp, nắn khớp cho người khác chứ không xem là lợi nhuận. Nhiều người được anh chữa cho bớt bệnh, nên tiếng lành đồn xa, cứ dăm ba ngày lại có một bệnh nhân mới đến nhờ anh giúp đỡ.

Anh Nguyễn Ngọc Châu

Vừa đưa tay cho anh Châu xoa bóp các huyệt, anh Trung - đến từ quận 1, cho biết: “Tôi bị tai biến gần 2 năm nay, một tay và một chân bị yếu. Tôi từng tập vật lý trị liệu ở một vài bệnh viện và trung tâm nhưng bệnh tình không tiến triển. Tôi buồn và tuyệt vọng lắm. Nhưng thật may mắn, tôi được giới thiệu qua anh Châu chữa trị gần 2 tháng nay, bàn tay tôi đã bắt đầu co duỗi, giơ lên cao được”.

Bệnh nhân đến với anh đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Họ thấy anh tận tình, hài hước. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, để có một “thầy Châu” được nhiều người yêu quý như hôm nay, đằng sau đó là cả một câu chuyện dài về hành trình “can đảm sửa sai để bản thân trở nên tốt đẹp hơn” của một người từng “vào tù ra tội”.

Sai thì sửa

Tuổi trẻ của anh Châu trượt dài trong tù tội. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại lỗi lầm ngày xưa, anh vẫn không khỏi ray rứt: “Tôi xấu hổ lắm! 14 tuổi đã bước vào đời, theo anh em đi ăn trộm, ăn cắp vặt rồi bị bắt xử tù 1 năm. 18 tuổi được thả về, xong 3 tháng sau lại vô tù tiếp.

Lúc mới ra tù đợt 1, tôi đi bán mì gõ, gõ được bao nhiêu tôi đều đem đi nướng ở sòng bạc của ông Năm Cam. Rồi lên chợ Tân Định bốc vác, vác xong cũng đổ hết vào bài bạc. Tới lúc bạn bè rủ đi chơi, tôi sĩ diện, không lẽ để bạn bè bao hoài, nên khi được rủ rê đi cướp, tôi gật đầu luôn”.

Thoáng chút ngậm ngùi, anh Châu kể tiếp: “Lúc đi tù lần đầu, tôi không cải tạo được gì, không học được gì tốt đẹp cho bản thân cả, chỉ học được ngón nghề từ những người bạn tù chỉ cho như mở ổ khóa, cách cướp giật… hiệu quả. Sau khi tù về, tôi lại lôi ‘nghề’ mới ra xài, cướp giật rất manh động. Cái giá phải trả là tôi lại bị bắt, ở tù 5 năm nữa”.

Sau hai lần đi tù, anh Châu vẫn chưa thoát ra khỏi giới xã hội đen ngay được, anh vẫn làm “đại ca”, nhưng bỏ dần việc trộm cướp. Anh bắt đầu làm ăn như cho vay tiền trả góp, chạy xe ôm, đi mua bán “đồ món”, nói chung “cái gì có tiền là làm”.

10 năm sau, khi gia đình gặp biến cố, người anh ruột mất, anh Châu bỗng ngộ ra được sự vô thường của cuộc đời, sống nay chết mai. Ngẫm lại thấy bản thân đã quá phung phí thời gian, đêm nào cũng đi đến 5 giờ sáng mới về nhà, rồi thấy thương vợ. Từ đó, anh Châu quyết tâm quay đầu, bỏ hết để hoàn lương.

Luôn có hướng để quay đầu

Khi trỗi dậy trong lòng mong ước “quay đầu” thì may thay, cơ duyên khiến anh Châu gặp được y - dược sư Nguyễn Viết Xô. “Lúc mới gặp thầy, cảm giác giống như đó là một nhân duyên, trong tâm mình thấy rất phấn khởi. Tôi đến xin: ‘thầy có khóa học nào cho con học với’.

Thầy đứng nhìn tôi một hồi rồi nói: ‘chừng nào có khóa học thầy gọi điện cho con’. Đầu năm 2018, có một khóa học về bấm huyệt, thầy gọi điện kêu tôi đi học. Giờ nhớ lại khoảnh khắc ấy, tuy giản đơn, nhưng tôi vẫn còn lâng lâng hạnh phúc”, anh Châu hồi tưởng.

Anh kể, do chỉ mới học tới lớp 3 là đi bụi đời, nên việc đọc viết với anh cũng khá vất vả, có chữ anh đọc được, có chữ không. Đến khi đi học nghề bấm huyệt, anh phải cố gắng tự mình xóa mù chữ trước để có thể tiếp thu thêm kiến thức trong sách, tài liệu. Riêng đoạn thực hành, anh cố gắng chú tâm, để nhớ thao tác và lời thầy dạy. Ở tuổi ngoài tứ tuần, phải mò mẫm học chữ không phải là chuyện dễ dàng, nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, anh đã cố gắng để vượt qua tất cả.

Nhớ lại thời làm “nghề” xã hội đen, trung bình mỗi tháng anh kiếm cả trăm triệu, có ngày được mấy chục triệu là chuyện thường. Nhưng bao nhiêu rồi cũng hết, nhậu nhẹt, chơi bời với anh em rồi cũng xong. Cũng vì đã nếm trải đủ, hiểu rõ cái hại của cuộc đời sống vô phương hướng, nên khi quyết định hoàn lương, theo thầy học nghề bấm huyệt, anh Châu không ngừng cố gắng mỗi ngày.

Theo anh, giúp mọi người chữa cái chân hay cái tay bị bong gân, cái cột sống bị nhức mỏi, đó cũng là cách để anh giáo dục, làm gương cho con mình. “Cả ba đứa con tôi đều được cho đi học đàng hoàng. Đứa lớn 19 tuổi đang học nghề, hai đứa còn lại, một đứa học lớp 8, một đứa học lớp 4. Đời tôi dốt, đời tôi có lúc sai, khi tôi hồi đầu giác ngộ rồi thì nhất quyết sửa sai cho bản thân, và không để con mình đi theo vết xe đổ của mình trong quá khứ”, anh cho hay.

Ở tuổi 45, với anh Châu, niềm vui bây giờ đơn giản gói gọn trong việc chữa lành bệnh cho mọi người. Người ta hết nửa phần bệnh tật thì anh vui một nửa, người ta hết bệnh hẳn thì niềm vui của anh trọn vẹn. Và cuộc sống của anh cũng đơn giản hơn xưa nhờ ý niệm biết đủ và san sẻ với mọi người.

“Khi thấy được sự khao khát của Châu, tha thiết muốn học nghề bấm huyệt để thực hành việc thiện, làm lại cuộc đời và sửa những lỗi lầm, tôi rất cảm động và đã nhận lời hướng dẫn cho Châu một cách tận tình. Tôi dạy rất nhiều học trò nhưng riêng Châu là trường hợp tôi dạy miễn phí. Cái nghề không chỉ là chiếc cần câu để Châu mưu sinh sau này, mà trên hết là tìm thấy niềm vui, hạnh phúc, ý nghĩa từ chính công việc chữa bệnh, giúp ích cho đời, gieo nhân tốt lành để hái quả ngọt”, Y - dược sư Nguyễn Viết Xô, Trưởng phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh đường, chùa Kỳ Quang II (Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Đức Minh - Ngọc Trân

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//tuthienxahoi/2020/11/02/33d4c9/