Câu chuyện về những người cha bỏ rơi con

Trong dân gian có câu tục ngữ: 'Vắng cha ăn cơm với cá, vắng mẹ liếm lá ngoài chợ', nhưng lại có câu tục ngữ khác: 'Một tiếng cha bằng ba tiếng mẹ'. Để con cái trưởng thành trở thành người tốt trong xã hội, một gia đình cần thiết phải có cả cha lẫn mẹ cùng chăm sóc và nuôi dạy con cái. Thế nhưng một thực trạng buồn xảy ra: không ít người cha đã bỏ rơi con cái của mình.

Có lần trong câu chuyện với một nữ diễn viên, tôi thật bất ngờ khi biết cô diễn viên xinh đẹp, hồn hậu này có những mất mát tình cảm lớn trong cuộc đời. Khi cô mới khoảng 5, 6 tuổi thì người cha bỏ nhà đi, lúc này em gái của cô cũng chỉ mới 2 hay 3 tuổi. Lâu không thấy chồng về, người mẹ hiền lành tội nghiệp rất buồn và lo. Thế rồi có người mách là thấy ba cô đang ở với một người đàn bà khác. Ban đầu mẹ cô không tin nhưng sau đó do sốt ruột nên đã dẫn con đi tìm chồng. Lặn lội mãi thì đến được ngôi nhà mà người ta đã chỉ vẽ nhưng do nhút nhát nên bà không dám vào. Thế rồi đứa trẻ con là cô bỗng thấy ba dắt xe đi ra cổng, rõ ràng là cái áo đó, cái xe máy đó và cô kêu lên mừng rỡ: "Ba ơi!". Thế nhưng sau một thoáng quay lại rất nhanh, người đàn ông đó đã lên xe đi mất. Đó là lần cuối cùng cô gặp ba và cũng là tiếng gọi ba cuối cùng trong đời của cô. Nhiều năm sau nữa mẹ cô mất vì bệnh nặng. Và thế là hai chị em cô côi cút trên cõi đời. Trong sự nghiệp diễn viên khá nổi tiếng của mình, có những lúc diễn đến tâm trạng bơ vơ cô quạnh của nhân vật cô lại nhớ đến quãng đời buồn đã qua của mình.

Trong công ty của tôi có một cô kế toán tính khá thất thường và nóng nảy. Tuy mới ra trường nhưng ý thức kiếm tiền thì khó ai bì. Ngoài công việc của công ty, cô còn nhận làm báo cáo tài chính cho khoảng 5 công ty khác nữa, bởi vậy khi nào cũng chỉ thấy cô ấy làm việc. Thế rồi một lần chúng tôi nghe được câu chuyện buồn của gia đình cô. Mẹ cô là người phụ nữ tham việc. Bà làm lụng suốt ngày để kiếm cơm cho hai đứa con, một trai, một gái. Ba của cô đi làm ở xa. Bỗng một hôm ông về tuyên bố bỏ vợ và dọn đồ đi. Khi cô đi học về thì người cha đã đi và dọn sạch đồ đạc trong gia đình kể cả cái xe đạp mà hai chị em cô vẫn tập đi. Từ đó hầu như không bao giờ ông quay lui thăm nom con cái. Sau đó nghe tin ba cô đã lấy một nữ phục vụ trong nhà hàng trên tỉnh. Từ chỗ mong nhớ cha, sau này trong cô chỉ còn lại sự tức tối và giận dữ. Cô bảo phải quyết tâm làm ra tiền để vươn lên với đời và để cho mẹ cô đỡ khổ.

Trong mạch ký ức của mình, tôi lại nhớ đến gương mặt phẫn nộ của người em họ. Em kể về sự uất hận đối với người cha bạc tình ruồng rẫy vợ con. Từ Hà Nội, cả gia đình em chuyển vào Sài Gòn. Người mẹ ốm yếu làm nghề đan áo len, thêu móc... Người cha sau một thời gian làm ăn thì quay sang cặp bồ với người khác. Trong những ngày lao đao khốn khổ đó, mẹ của em đã mấy lần định nhảy xuống sông tự vẫn. Rồi mẹ em kiếm sống bằng tủ thuốc lá nhỏ bán bên cầu. Hai đứa con trai còn nhỏ dại một đứa thì đi bưng cà phê, một đứa thì về quê trông lúa cho người ta.

Một buổi chiều, hai anh em bụng đói đang lang thang đi mua gói xôi ăn thì thấy cha chở bồ đi vào nhà hàng rực ánh đèn. Mãi mãi về sau em không quên được tâm trạng của mình lúc đó chứa đầy sự căm phẫn, tủi hờn như thế nào. Và bây giờ khi em đã trưởng thành, trở thành người đàn ông thành đạt thì người cha quay trở về. Ông bị người tình năm xưa bỏ rơi vì già không làm ra tiền nữa. Có lần vì giận, em đã nói với cha: "Từ nay trở đi, tôi với ông không còn là cha con nữa". Nói thì nói vậy nhưng em vẫn không thể chối bỏ cha mình. Hằng tháng em vẫn gửi tiền cho cha, thậm chí còn trả những món nợ nhỏ cho ông và vừa qua đã gửi tiền để làm cho cha một căn nhà nhỏ ngoài quê an hưởng tuổi già. Tuy vậy nhưng mãi mãi trong lòng em, tôi biết không bao giờ nguôi cơn giận âm ỉ từ những ngày thơ dại thiếu đói và tủi nhục.

Nhiều người đàn ông khi bỏ vợ thường bỏ rơi luôn con mặc dù đó là những giọt máu vô tội của mình. Vì những thú vui ích kỷ mà họ không màng đến nghĩa vụ trách nhiệm của người cha. Những đứa con sống và lớn lên thiếu bàn tay của người cha chắc chắn sẽ phát triển không bình thường như những đứa trẻ khác. Những người cha bỏ con cũng không hề nghĩ đến cái giá mà họ phải trả khi trở về già, ít ra là với chính lương tâm của họ.

Trần Diệu Hiền

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/cau-chuyen-ve-nhung-nguoi-cha-bo-roi-con-220671.html