Câu chuyện về những hành trình tìm kiếm lính Mỹ mất tích ở Việt Nam

Ba thập kỷ đã trôi qua, nhưng công cuộc tìm kiếm các quân nhân Mỹ còn mất tích ở Việt Nam (MIA) vẫn chưa thể dừng lại. Nhưng những hành trình tìm kiếm gian truân đó đã cho thấy truyền thống bao dung, tính nhân đạo của cả hai dân tộc Việt Nam và Mỹ.

Ông Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ đã chia sẻ những suy nghĩ về MIA từ góc nhìn của một người gắn bó nhiều năm với MIA và tiến trình phát triển quan hệ giữa hai nước.

Thời gian và những con số

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, theo nội dung Hiệp định, Cơ quan Tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA), trong đó có MIA Mỹ đã được thành lập. Ông Chiến nhấn mạnh: “Việt Nam cam kết hợp tác với Mỹ tìm MIA hoàn toàn trên tinh thần nhân đạo, đã không đặt bất cứ điều kiện gì, không gây cản trở hay có băn khoăn nào trong hợp tác với phía Mỹ nhằm tìm kiếm từng trường hợp cụ thể, đáp ứng mong mỏi từ phía các gia đình Mỹ”.

Có tổng cộng hơn 2.000 trường hợp MIA Mỹ, đã được tiến hành trong nhiều năm với hàng trăm đợt tìm kiếm và đạt kết quả tối đa có thể. Số còn lại trong danh sách đều được đội tìm kiếm chung hai bên kết luận là rất khó tìm vì vết tích không thể xác định do thiên tai và địa hình biến đổi sau hàng chục năm, hoặc đó là những trường hợp mất tích nơi rừng núi hiểm trở, ngoài biển sâu… Khó khăn là vậy nhưng phía Việt Nam vẫn sẵn sàng tiếp tục giúp Mỹ tìm kiếm nếu có cơ hội, có thông tin mới.

Đoàn VVA tại địa điểm tìm kiếm MIA Mỹ tại Bình Dương, năm 2010. (Ảnh: VFW)

Trong khi đó, Việt Nam có hơn 300.000 quân nhân mất tích. Vài năm, qua phía Mỹ theo các kênh hợp tác khác nhau đã cung cấp tin tức về MIA Việt Nam. Trường hợp cụ thể là tổ chức Cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam (VVA) đã chuyển cho phía ta 300 tập tài liệu liên quan tới nơi chiến sự, địa điểm chôn cất bộ đội... nhờ đó, ta có thêm thông tin để xác định được hơn 1.000 trường hợp liệt, tử sỹ.

“Thời gian có thể không làm giảm mong muốn và tình cảm của con người nhưng có thể làm mất dần những chỉ dấu dẫn chúng ta đến với mục tiêu. Điều này là một thực tế trong hợp tác Việt - Mỹ về vấn đề MIA. Đến nay, những nhân chứng lịch sử ngày càng ít đi theo năm tháng, làm cho các nguồn thông tin cung cấp của hai bên cũng khó và ít dần”, ông Nguyễn Tâm Chiến nói.

Để hòa giải sâu sắc hơn

Đại sứ Tâm Chiến cho rằng, khi quan hệ hai nước bước vào giai đoạn Đối tác Toàn diện, sự hòa giải Việt - Mỹ càng diễn ra sâu rộng. Những cố gắng của phía Mỹ giúp tìm kiếm MIA của Việt Nam cùng với sự gia tăng trợ giúp giải quyết các vấn đề tồn lại sau chiến tranh như ảnh hưởng chất độc da cam, bom mìn, đẩy mạnh các dự án hỗ trợ nhân đạo... Một nét mới của MIA được thể hiện qua dự án “Hai phía”, theo đó, Hội Việt Mỹ đã tổ chức các cuộc gặp gỡ giao lưu giữa các con em cựu binh Mỹ với con em của các liệt sỹ, tử sỹ Việt Nam nhằm thúc đẩy tình hữu nghị, sự hiểu biết giữa thế hệ trẻ hai nước.

Các đoàn con em những lính Mỹ mất tích đã được thăm các nơi cha ông họ tham chiến, được tổ chức làm lễ cầu siêu cho người thân đã mất; chứng kiến những cử chỉ hữu nghị, thiện chí và sự đồng cảm của các giới người Việt đối với sự mất mát của họ; tìm hiểu những hậu quả chiến tranh to lớn và nhiều mặt đối với Việt Nam... Tất cả những điều đó đã làm thay đổi nhận thức của họ về cuộc chiến trong quá khứ và góp phần hiểu biết sát thực về vấn đề MIA cũng như quan hệ hai nước hiện nay. Những mong muốn nỗ lực không để lặp lại quá khứ, cùng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp Việt - Mỹ đã được nêu lên và đồng lòng.

Nói đến nhu cầu hòa giải sâu sắc hơn giữa nhân dân hai nước, Đại sứ Chiến hồi tưởng hình ảnh hai bà mẹ Việt Nam và Mỹ đều mất con trai trong chiến tranh, ôm choàng nhau và rơi lệ tại cuộc gặp gỡ khi tổ chức “Cây hòa bình” (Peace Tree) thăm Quảng Trị, tháng 8/2015. Đó là những cái ôm hôn và những giọt nước mắt của cảm thông, hòa giải và hòa bình; biểu tượng sâu đậm của tình người, vượt qua mất mát và quá khứ để làm bạn. Những hoạt động không ngừng tìm kiếm MIA của hai phía đã và đang giúp phần xoa dịu nỗi đau trong bao gia đình Việt Nam và Mỹ.

Đoàn tìm kiếm MIA tại một địa điểm ở Quảng Nam. (Ảnh: VFW)

Nỗ lực từ hai phía

Theo Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, công việc tìm kiếm MIA rất vất vả. Đội hỗn hợp tìm MIA ngày đêm không quản ngại mưa nắng, có thông tin, có điều kiện là sẵn sàng lên đường. Đã có đội hỗn hợp 16 người gặp tai nạn, hy sinh khi thực hiện công việc.

Ông Chiến cho rằng, MIA còn là một hành trình tâm linh, đưa hai dân tộc đến gần nhau, con người tìm đến với con người bằng quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Những hành động cụ thể, sự tình nguyện cao thượng của người Việt đã cảm hóa rất nhiều người Mỹ. Kết quả công việc đạt được là rất lớn và ý nghĩa.

Hàng nghìn người dân Việt Nam mà chính họ cũng chưa tìm được hài cốt của con em mình nhưng đã tình nguyện tham gia tìm MIA Mỹ. Điều đó thật hiếm thấy trên quốc tế. Cũng có cựu binh Mỹ qua Việt Nam, đến những nơi họ từng tham chiến để cùng chúng ta tìm kiếm. Ông Chiến khẳng định, công việc về MIA không có "đất" khai thác vụ lợi, thiếu thiện chí với Việt Nam.

Điều ông Chiến rất muốn đề cập là những nỗ lực lớn, nhiều năm và hiệu quả cao của Việt Nam về tìm kiếm MIA Mỹ đã nhận được sự công nhận và sự cảm ơn ở cấp cao nhất của Mỹ. Trong tất cả các tuyên bố, thông cáo chung của các cuộc gặp cấp cao Việt - Mỹ, lời cảm ơn ấy đã được trân trọng nhắc đi nhắc lại. Sự biết ơn đó cũng được các cựu binh Mỹ, gia đình có người thân còn mất tích trong chiến tranh, đại diện các giới khác nhau của Mỹ bày tỏ với phía Việt Nam trong tiếp xúc, giao lưu.

Sự việc đáng nhớ là năm 2000, khi ông Bill Clinton, Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam, đã đích thân thăm một nơi khai quật tìm kiếm MIA. Trực tiếp chứng kiến những công việc đồ sộ, khó khăn của hàng trăm người Việt Nam đang sàng lọc đất đá tìm hài cốt lính Mỹ, ông Clinton đã rất xúc động cảm ơn phía Việt Nam.

Giờ đây, nỗi buồn và các di sản chiến tranh vẫn còn hiển hiện sau hàng chục năm hòa bình; bao người mẹ Việt Nam vẫn còn trông ngóng sự trở về của những người con, hàng triệu nạn nhân chất độc da cam cần sự giúp đỡ kịp thời... Chung tay nhiều hơn nữa để làm lành những vết thương của những người dân thường, để làm an lòng và nhận được sự đồng tâm của họ đối với quan hệ Việt - Mỹ là sẽ có tất cả.

Ông Chiến mong mỏi có sự đóng góp tích cực hơn nữa của phía Mỹ để đạt kết quả tối đa có thể giúp khắc phục các hậu quả về chất độc da cam, bom mìn cũng như các nỗ lực của phía Việt Nam trong việc tìm MIA Mỹ bao năm qua... Hy vọng, cuộc hành trình vượt quá khứ tiếp tục có nhiều tin tốt lành để góp phần đưa quan hệ Việt - Mỹ lên những đỉnh cao mới, đáp ứng lợi ích và trông chờ của hai dân tộc.

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác Việt Nam - Mỹ trong việc tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam (1988-2018) diễn ra ngày 12/12 vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hợp tác MIA là một trong những cầu nối ban đầu giúp hai bên hiểu biết nhau hơn và cũng là yếu tố góp phần không nhỏ cho thành công chung của quan hệ hai nước. Đến nay, chưa có một lĩnh vực hợp tác song phương nào trong quan hệ Việt Nam - Mỹ đạt được tầm mức quy mô, phạm vi và thời gian phối hợp lâu dài, sâu sắc như hợp tác về MIA. Thêm vào đó, việc tìm lại hài cốt các quân nhân mất tích trong chiến tranh cũng góp phần mang lại sự an bình cho nhiều gia đình, giúp nhân dân hai nước hiểu hơn về thiện chí, chính sách nhân đạo và văn hóa của nhau.

Cũng tại Lễ kỷ niệm, Phó đại sứ Mỹ tại Việt Nam Caryn McClelland cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh trong suốt 30 năm qua. “Nỗ lực hợp tác này đã giúp làm dịu nỗi đau cho nhiều gia đình khi những người thân đã được trở về”, ông McClelland nói.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tim-kiem-mia-nhung-hanh-trinh-nhan-dao-84387.html